Rất cần thiết
Đề xuất cán bộ lãnh đạo phải có lòng yêu nước sâu sắc của Bộ Nội vụ đang nhận được những ý kiến trái chiều, thậm chí nhiều người còn cho rằng quy định như vậy là thừa. Với ông thì sao?
Tôi không nghĩ quy định như vậy là thừa đâu, mà ngược lại, nó rất cần thiết đấy. Cán bộ lãnh đạo quản lý nhất thiết phải có lòng yêu nước. Bởi nếu không có lòng yêu nước thì người ta sẽ có những việc làm không đúng, chỉ biết làm lợi cho mình mà quên đi quyền lợi của đất nước, của xã hội. Đó là điều cần hết sức tránh.
Thú thực với ông, khi đọc thông tin đó khiến tôi hơi tự ái. Vì nói như thế thì phải chăng những người dân như tôi không cần phải yêu nước sâu sắc?
Không phải. Tình yêu nước là tình cảm thiêng liêng, tự nhiên của mỗi người. Nó không cần ai cầm tay chỉ việc rằng phải như thế này thế kia mới là yêu nước. Có điều, quy định như thế này để cụ thể hóa hơn tiêu chuẩn của cán bộ. Đấy là việc cần làm.
Nói thế thì phải chăng trước nay cán bộ đang thiếu lòng yêu nước sâu sắc nên mới phải quy định như vậy?
Tôi nghĩ những người đưa ra dự thảo ấy không có ý đó đâu. Và nó cũng không phản ánh đúng thực tế. Cán bộ của ta suy cho cùng cũng là một người dân của đất nước, họ cũng có quyền yêu mến, tự hào về nơi mình sinh ra, lớn lên chứ. Tình cảm đó không cần đến cái đề xuất này mới có đâu.
Thế nhưng họ vẫn đưa ra?
Tôi nghĩ họ có lý đấy. Ấy là xét trong bối cảnh đất nước hiện nay và cả gần đây, khi mà những vụ việc cán bộ hành xử làm giảm đi uy tín, hình ảnh của họ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước thì quy định như vậy là đúng rồi.
|
Ông Vũ Cao Đàm, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu và Đào tạo, Viện Chính sách và Quản lý, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. |
Chỉ cần "yêu nước" là đủ
Tôi đồng ý là không chỉ người dân mà cán bộ thời nào cũng cần phải có lòng yêu nước. Thế nhưng, việc phân định đâu là lòng yêu nước sâu sắc là chuyện không mấy đơn giản?
Đúng rồi. Họ đưa ra quy định như vậy rất chung chung và sẽ chẳng bao giờ thực hiện được đâu.
Theo ông thì thế nào được cho là lòng yêu nước sâu sắc?
Tôi cho rằng, với bất cứ người nào, tiêu chuẩn yêu nước phải đặt lên đầu tiên là không được làm phương hại đến quyền lợi của đất nước, không được bán rẻ quyền lợi của Tổ quốc. Hiện nay, nhiều cán bộ hành xử không tốt như xà xẻo công quỹ, làm thâm hụt ngân sách, ký những hợp đồng với đối tác nước ngoài bừa bãi... nên mới làm dân mất niềm tin, xáo trộn tình hình. Đó không thể là những người yêu nước được. Thêm nữa, tôi nghĩ không nhất thiết phải đưa ra tiêu chí "yêu nước sâu sắc", chỉ cần "yêu nước" và làm đúng như thế là đủ.
Nếu lấy tiêu chí cán bộ yêu nước là không làm tổn hại đến lợi ích đất nước thì theo ông bây giờ, cán bộ có thực hiện được đúng như thế không?
Tôi không muốn đánh giá cán bộ chung chung, vì tôi không có nghiên cứu cụ thể. Nhưng tôi trích dẫn câu chuyện như thế này. Hiệu phó trường tôi đã từng từ chối việc một trường đại học của Trung Quốc đề nghị lắp đặt giàn máy tính cho trường nhưng kèm theo họ đưa ra điều kiện này điều kiện khác. Tôi nghĩ đó là quyết định rất đúng và tỉnh táo. Nhưng tiếc là không phải cán bộ nào cũng tỉnh táo được như thế. Nếu tỉnh táo thì chúng ta đã chẳng có việc trao cho đối tác nước ngoài quyền sử dụng đất trong 50 năm, làm dự án ở những vị trí chiến lược như ở Tây Nguyên... rồi.
Và đó là những cán bộ không yêu nước?
Người ta hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về lòng yêu nước của một bộ phận cán bộ. Họ vì nhiều thứ liên quan đến lợi ích làm mờ mắt và mờ cả lý trí đi. Chẳng hạn, đáng ra cho ông A này trúng thầu vì ông ấy hội đủ tiêu chuẩn để thực hiện công trình, nhưng rồi lại chọn ông B vì ông B có phần lại quả cho mình. Thế thì yêu nước ở đâu? Có mà làm hại đất nước ấy chứ.
Có vẻ như bây giờ, cán bộ không yêu nước ấy không ít nhỉ?
Thì cứ thấy báo chí đưa tin bao nhiêu vụ việc quan chức tham ô, nhận hối lộ, được đưa ra xét xử là thấy rồi.
Phải chăng đó là hệ quả của việc chúng ta chưa đề ra tiêu chuẩn với cán bộ quản lý?
Không hẳn đâu. Việc một người cán bộ hành xử có thể hiện lòng yêu nước, biết vì dân vì nước không có nhiều yếu tố quyết định. Từ việc họ được giáo dục, sự tự ý thức, sự kiểm tra, giám sát, đạo đức của người cán bộ. Trong đó có cả vấn đề về chế tài xử lý nữa. Chúng ta làm chưa đủ nghiêm, chưa đủ mạnh nên vẫn để những cán bộ thiếu lòng yêu nước, thiếu sự trong sạch làm trong cơ quan công quyền. Do vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ việc đưa tiêu chuẩn cán bộ phải có lòng yêu nước vào nghị định sắp tới về cán bộ quản lý.
Bây giờ thước cong nhiều quá
"Bây giờ có điều rất khó trong quản lý là người ta đang bị đường mòn, rãnh mòn suy nghĩ hằn quá sâu trong đầu óc nên mới đẻ ra những quy định rất chung chung, không phù hợp thực tế. Nên nhớ, lãnh đạo cũng là con người, cũng có khi sai và đó là điều hết sức bình thường. Chỉ có lãnh đạo không dám nhận mình sai thôi, mà cái này thì rất nguy hiểm".
Ông Vũ Cao Đàm
Theo ông thì cần phải làm gì để tiêu chuẩn yêu nước của cán bộ sẽ được thực thi hiệu quả?
Muốn vậy, việc đầu tiên là phải cụ thể hóa tiêu chuẩn yêu nước ra trên tinh thần yêu nước là không được làm tổn hại đến quyền lợi của đất nước. Như thế thì bất cứ việc làm nào bị cho là làm tổn hại đến lợi ích đất nước đều là không yêu nước và cần phải bị xử lý thích đáng. Đồng thời, phải phân định rõ: Người giữ chức vụ này phải làm những việc này, người giữ chức vụ kia phải làm việc kia.
Vậy ai sẽ thẩm định xem cán bộ có yêu nước hay không?
Nó cần có cây thước cũng như việc đo chiều dài chiếc bàn có đủ một mét không. Cây thước mà cong thì sẽ đo khác cây thước thẳng rồi. Tiếc là bây giờ, cái thước cong nhiều quá.
Làm gì để có được những cây thước thẳng trong đánh giá cán bộ, thưa ông?
Không gì hơn là phải thực hiện dân chủ. Nếu không có dân chủ thì đừng bao giờ mong có thước thẳng!
Trân trọng cảm ơn ông.
Theo dự thảo nghị định "Quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước" thì có 3 tiêu chuẩn chung cho các chức danh quản lý. Thứ nhất, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Hai là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức kỷ luật; trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Ba là có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Vũ Thủy (Thực hiện)