Phải tự khôn lên thôi
Ông có hay giao dịch với cơ quan công quyền?
Có chứ, từ đi làm sổ đỏ, xin cấp phép xây dựng, làm giấy khai sinh, chứng minh thư cho con cháu, rồi thì khám chữa bệnh... Nói chung là cũng thường có việc để tiếp xúc với cán bộ cơ quan công quyền.
Những lần như thế, ông được tiếp đón như thế nào?
À, cái này cũng còn tùy. Cán bộ giống như bàn tay ấy, ngón dài ngón ngắn, người tốt kẻ xấu. Người cán bộ không phải ai cũng nhiệt tình, chu đáo cả đâu.
Theo ông thì sự nhiệt tình, chu đáo của cán bộ do điều gì chi phối?
Tôi nghĩ là có nhiều yếu tố như sự rèn luyện, tự ý thức... Nhưng cũng có một phần từ chính việc người dân ứng xử với họ như thế nào.
Ý ông là...
Đơn cử như chuyện tôi đi viện. Mọi lần tôi đều đưa phong bì để được bác sĩ chăm sóc chu đáo, kê cho nhiều thuốc, cả thuốc tốt nữa. Nhưng một lần, tôi thử không đưa phong bì xem thái độ của y bác sĩ thế nào thì đúng là có sự khác biệt ngay. Tôi được chuyển xuống phòng cuối cùng của bệnh viện, đó là phòng xấu nhất, bẩn nhất. Có ông bệnh nhân nằm cùng phòng được bác sĩ hỏi han tận tình, còn tôi thì không được hỏi han gì, kiểu họ còn rất bận rộn và khi nào có thời gian thì họ mới nhớ đến tôi.
Đó là chuyện ở bệnh viện. Còn khi đi làm các thủ tục hành chính thì sao, thưa ông?
À, thì cũng phải có chút nhờ vả, cảm ơn họ, dù ít dù nhiều nhưng vẫn có đấy.
Họ chủ động đề nghị có khoản lót tay?
Không. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Thế nên, dù cán bộ chưa cần vòi vĩnh thì người dân chúng tôi cũng đã tự nguyện lót tay rồi, chứ nếu không thì sẽ phiền hà, thậm chí là ân hận, như cái chuyện tôi đi viện mà không đưa phong bì ấy.
Ơ hay, người ta có đả động gì đến tiền bạc đâu? Hóa ra người dân như ông đang làm "hư" cán bộ?!
Nếu kết luận như thế thì không phải không có căn cứ. Nhưng cũng đừng vội trách người dân chúng tôi. Bởi tôi rút kinh nghiệm từ chính những người mà tôi biết đã đi làm thủ tục trước đó, họ có phong bì thì được giải quyết nhanh chóng và ngược lại. Cứ người sau học người trước như thế thì chúng tôi cũng phải tự khôn lên thôi.
Nhưng nếu ông không đưa tiền, cán bộ "ngâm" hồ sơ thì ông có thể kiến nghị, khiếu nại kia mà?
(Xua tay) Nói chung, người dân chúng tôi sẽ không làm như thế đâu. Tốn thời gian, công sức lắm. Dại gì! Thà cứ đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn thôi, dù có bị mang tiếng là dại dột khi tự dưng đi dâng tiền cho cán bộ.
|
Ông Tạ Ngọc Đại (Cầu Giấy, Hà Nội). |
Có phong bì, dân chả trọng cán bộ
Tự nguyện đưa tiền cho cán bộ để được việc, ông có thấy bức xúc không?
Sao lại không chứ. Đáng ra mình phải được cán bộ công quyền phục vụ khi đi làm thủ tục hành chính, được đón tiếp chu đáo thì đằng này, cán bộ lại tỏ thái độ khi mình chưa có phong bì lót tay cho họ, dù mình đã nộp thuế để nuôi họ rồi. Bức xúc lắm!
Ông bảo bức xúc lắm mà vẫn xác định "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" thì kể ra cũng mâu thuẫn thật, nếu không muốn nói là "hèn"?
Thực tế nó cứ diễn ra như vậy đấy. Vì người dân thấp cổ bé họng, tiếng nói không có trọng lượng thì lấy ai nghe. Có nhiều chuyện bức xúc khác, báo chí, dư luận lên tiếng mãi rồi mà thay đổi được mấy? Nó vẫn cứ tiếp diễn đấy thôi, như tham nhũng chẳng hạn.
Ông có nghĩ rằng việc "đồng tiền đi trước" cũng là một hình thức của tham nhũng?
Có chứ. Vậy nên cứ có phong bì vào thì người dân chả còn trọng cán bộ nữa.
Vì sao vậy?
Các cụ chẳng có câu "của biếu là của lo, của cho là của nợ" đấy thôi. Tôi đưa phong bì cho anh cán bộ để mong được việc. Anh nhận tiền của tôi thì cũng phải lo mà giải quyết việc cho nhanh. Khi đó, quan niệm cứ đưa tiền là được việc khiến cho người ta chỉ còn nhìn thấy đồng tiền chứ không còn nhìn thấy sự nể trọng, quý mến nhau. Dĩ nhiên, cũng có ngoại lệ là khi tôi xong việc, tôi có ý cảm ơn anh cán bộ thì tôi sẽ có chút quà, dù là nhỏ thôi, để trong phong bì mang đến biếu.
Dại gì mà lu loa
Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vừa công bố cho thấy "khả năng chịu đựng sự vòi vĩnh" của người dân đang tăng qua thời gian. Cụ thể, mức chịu đựng năm 2012 là 5,11 triệu đồng và năm 2013 là 8,18 triệu đồng. Là một người dân, ông thấy sao về kết quả đó?
Đúng đấy chứ. Vì người dân chúng tôi không chịu đựng như thế thì biết làm sao được! Nếu cán bộ có vòi vĩnh thì cũng đành phải chấp nhận vì khi đã đi làm thủ tục, chúng tôi xác định cần cán bộ kia mà. Nếu cán bộ không tạo điều kiện thì làm sao mình có thể xong việc. Một cách hiểu nào đó thì việc chịu đựng này cũng giống như nhân vật Mỵ trong truyện "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài, ở lâu trong cái khổ nên quen rồi.
Ông có cho rằng chính sự "cam chịu" này cũng khiến cho sự vòi vĩnh của cán bộ tăng lên?
Tôi nghĩ là có đấy.
Nhưng dường như, người dân không mấy mặn mà với chuyện phản ứng lại sự vòi vĩnh của cán bộ?
Đúng rồi. Giả dụ tôi cũng bị vòi vĩnh thì chả dại gì tôi lu loa lên, vì một người nói không lại được với cán bộ đâu. Sẽ lại bị trù dập, gây khó dễ... Cũng may là khi đi làm thủ tục ở phường, tôi chỉ cần "chào hỏi" lần đầu tiên thôi, chứ từ lần sau thì quen biết cả rồi nên không có sự vòi vĩnh gì cả.
Có bao giờ ông đi tìm câu trả lời cho việc vì sao bao nhiêu năm nay, sự vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ vẫn chưa thể chấm dứt?
Có chứ. Tôi nghĩ đó là do các cấp đã không gương mẫu. Sự vòi vĩnh cũng là tham nhũng mà. Mà ở ta, ông to thì ăn to, ông bé thì ăn bé. Cứ thế chỉ khổ dân thôi.
Ông có còn niềm tin vào cán bộ không?
Niềm tin thì vẫn còn chứ, như tôi nói lúc đầu rằng cán bộ cũng như bàn tay ngón dài ngón ngắn. Tuy nhiên, niềm tin trong dân chúng vào cán bộ thì chưa được khởi sắc đâu.
Vậy theo ông thì để niềm tin trong dân chúng vào cán bộ được nâng lên, cần phải làm gì?
Muốn vậy cán bộ phải thật sự gương mẫu, phải cho ra người cán bộ, biết hết lòng vì dân. Chứ đằng này, nhiều người lên chức, giàu có rồi thì chỉ biết hưởng thụ thôi, dân sống khổ sở thì mặc kệ dân. Hoặc cán bộ sai phạm ở cấp dưới thì lại được... thăng chức. Thế là không được!
Trân trọng cảm ơn ông.
"Thực ra, dân bức xúc với chuyện phải lo lót cho cán bộ lắm chứ. Nhưng có vẻ bỏ ra mấy chục, một vài trăm, thậm chí là tiền triệu để lo lót thủ tục thì nhiều người vẫn cắn răng làm được nên họ âm thầm chịu đựng. Chỉ khổ cho người nghèo thôi. Một xã hội mà phải lót tay mới được việc sẽ càng làm cho khoảng cách giàu nghèo rõ rệt. Thế thì công bằng xã hội làm sao được!".
Vũ Thủy (Thực hiện)