Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa đưa ra đề xuất nghỉ học vào thứ Bảy, dành thời gian này cho việc khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động của gia đình và cộng đồng.
Nêu lý do đưa ra đề xuất này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu rõ, hiện nay, thời gian học tập của học sinh phổ thông được thực hiện theo số tiết/năm học, số tiết/tuần; tùy theo điều kiện của từng địa phương, cơ sở để sắp xếp các ngày học trong tuần bảo đảm tổng số tiết học theo quy định.
Tuy nhiên, việc sắp xếp lịch học vào thứ bảy ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của gia đình người học và giáo viên do ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian chung của gia đình khi đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào thứ bảy và chủ nhật.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ. |
Đề xuất trên nhanh chóng thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh, các giáo viên, học sinh, chuyên gia giáo dục và đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian gần đây. Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất trên bởi hiện nay trẻ đang học quá nhiều, đánh mất tuổi thơ và cần có khoảng thời gian cuối tuần sinh hoạt bên gia đình.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn khi cho rằng, học sinh ở nước ta vẫn học ít hơn so với các nước trong khu vực và thế giới và hiện nay học lực của học sinh Việt Nam cũng không được đánh giá cao và việc cho học sinh nghỉ học thứ Bảy sẽ khó khả thi bởi hiện nay thời gian học tập của học sinh phổ thông được thực hiện theo số tiết/năm, số tiết/tuần và điều kiện trường lớp cũng chưa đảm bảo việc thay đổi. Nhiều ý kiến khác cho rằng, nên để các trường tự quyết căn cứ vào tình hình cụ thể. Bởi với những trường học 2 buổi/ngày thì thứ 7 hoàn toàn có thể cho học sinh nghỉ học, còn trường học 1 buổi/ngày mà nghỉ thứ 7 thì không thể đảm bảo được chương trình.
Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn như trên nhưng thực tế đa số các phụ huynh và học sinh đều đồng thuận ủng hộ và cho rằng đề xuất trên là cần thiết. Một minh chứng rõ ràng theo khảo sát trên báo điện tử VTV về việc có đồng tình với đề xuất nên cho các em học sinh nghỉ học thứ 7 để nghỉ ngơi và có cơ hội tăng các hoạt động trải nghiệm thực tế đã có 1015542 bình chọn. Trong đó có tới, 997.277 bình chọn ủng hộ đề xuất trên.
Trên thực tế, đội ngũ công chức, viên chức và các cơ quan nhà nước đều được nghỉ ngày thứ Bảy còn riêng trường học các giáo viên vẫn phải làm việc và học sinh vẫn phải đi học sẽ tạo tâm lý không phấn khởi cho các giáo viên và ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều gia đình.
Hơn nữa, hiện nay có tình trạng học sinh phải học quá nhiều kiến thức hàn lâm trong khi đó lại thiếu kiến thức về kỹ năng sống. Bên cạnh đó, thời gian qua, áp lực học tập được cho là quá lớn lên các em học sinh trung học cơ sở từ thời gian học tập, ôn luyện thi cử và khối lượng bài vở lớn, ngoài ra áp lực vô hình được tạo ra từ nhà trường, giáo viên và phụ huynh khi muốn học sinh và con em mình đạt thành tích tốt khiến nhiều em học sinh không có thời gian vui chơi giải trí, sinh hoạt cùng gia đình.
Trên thực tế hiện nay khối trường tiểu học cũng đã không tổ chức cho học sinh học thứ Bảy dù chưa đánh giá được hiệu quả nhưng đa số phụ huynh và giáo viên đều cảm thấy hài lòng. Trong khi đó, nhiều trường THPT cũng nói không với việc học chính khóa vào ngày thứ Bảy như trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), học sinh đều được nghỉ học chính khóa vào thứ 7 và thay vào đó là các hoạt động thể chất, ngoại khóa theo sở thích của học sinh nên hiệu quả học tập của các em rất cao.
Vài ví dụ như trên để thấy rằng việc đề xuất học sinh trung học cơ sở không phải học ngày thứ Bảy là khả thi nếu thực hiện những giải pháp đồng bộ kẻm theo như đổi mới sách giáo khoa theo cách giảm tải, cải tiến cơ sở vật chất nhà trường…
Thiên Nga