|
Ảnh minh họa. |
Anh đi một cái xe máy cũ, biển ngoại tỉnh, lúc nào cũng kè kè thêm 2 cái mũ bảo hiểm để đón con, nên rất hay bị nhầm là xe ôm. Có lần qua ngã tư, đèn xanh còn 2 giây, anh đã dừng xe, đôi nam thanh nữ tú đi ngay sau, vượt lên còn quay lại chửi một câu: Lão già nhà quê! Vậy mà anh toét miệng cười sung sướng, bảo: Vậy là mình vẫn là mình. Bao nhiêu năm lên thành phố, vẫn còn giữ được mình. Đó mới là điều quan trọng.
Ngày nay những người như anh hiếm lắm. Bởi vì giờ người ta sợ nhất bị gọi là nhà quê. Ăn mặc không hợp thời trang: nhà quê. Không có iPhone, iPad, dùng điện thoại đời cũ: nhà quê. Không đi xe ga, đi xe máy cũ: nhà quê. Không biết Facebook: nhà quê... tuốt tuồn tuột những gì không hiện đại, sành điệu, hợp thời... đều bị coi là nhà quê. Có quê thật, người ta vẫn phải giấu đi bằng mọi cách. Thế nên mới có những chàng trai, cô gái công ăn việc làm chưa có, túi thì rỗng tuếch, vẫn xin tiền bố mẹ, vay tiền người thân để mua xe, mua điện thoại xịn, sắm quần áo hàng hiệu... để khỏi mang tiếng nhà quê.
Nhiều người đổ cho xã hội, vì xã hội chuộng hình thức nên người ta mới phải thế. Nhưng tôi thấy, có thể một số người, thậm chí nhiều người chuộng sự hào nhoáng bề ngoài đi, thì mình cũng cần phải biết mình là ai. Không thể vì chạy theo người ta, chạy theo những cái vượt quá tầm, quá sức, quá khả năng tài chính của bản thân mà đánh mất đi bản chất của mình.
Anh bạn tôi không sợ bị gọi là nhà quê bởi vì anh biết mình là ai, biết mình quê thật. Quần áo thì vài ba bộ đơn giản, hết thì may, không phải bận tâm tới thời trang, không hàng hiệu, không phát rồ lên khi hãng nọ, hãng kia mới ra mốt này mốt nọ mà mình chưa có.
Xe thì vẫn cái xe cũ từ chục năm nay, không phải vì không có tiền mua xe xịn mà vì đi thế thấy thoải mái, đi đâu cũng nhẹ nhàng vì để đâu cũng không phải canh cánh lo mất cắp, có bị va chạm sứt mẻ cũng không phải xuýt xoa, rú rít lên vì xót ruột. Điện thoại cũng loại tàm tạm, không phải mất ngủ vì chưa mua được loại mới ra... Đời thế là sướng.
Minh Anh