Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo về đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, với đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà đã ngay lập tức gặp sự phản ứng của dư luận và đông đảo người dân bởi đối tượng tác động rất rộng, lên đến hàng triệu người.
Trước tiên phải khẳng định, Luật thuế tài sản là cần thiết, bởi đây là sắc thuế cho sự phát triển khi thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước; Thực hiện cải cách hệ thống thuế, góp phần xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ; Góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, giúp đời sống kinh tế ổn định hơn và tạo công bằng cho mọi thành phần kinh tế, nhất là hiện nay, thuế bất động sản của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, để một dự luật thuế thực thi phải đảm bảo các khung pháp lý, có lộ trình và thỏa mãn các điều kiện để khi áp dụng được người dân đồng thuận. Trong khi đó, bản dự thảo Luật Thuế tài sản vừa được công bố, đã gặp sự phản ứng gay gắt của người dân. Lý do vì sao?
|
Ảnh minh họa. |
Tại sao ưu tiên ngưỡng 700 triệu để thu thuế?
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án đánh thuế nhà: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; Hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế là phần có giá trị vượt trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng định là 0,3% hoặc 0,4%. Nhưng theo ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ này lại nghiêng về phương án nhà ở hơn 700 triệu và mức thuế suất là 0,4%.
Đây là điều đông đảo người dân băn khoăn, tại sao Bộ Tài chính lại áp ngưỡng 700 triệu đồng để áp dụng mức thu thuế 0,4%? Nhiều người còn cho rằng, việc Bộ Tài chính thiên về ngưỡng chịu thuế trên 700 triệu đồng là hành động “quăng một mẻ lưới lớn, bắt đàn cá lớn”, bởi đối tượng trong ngưỡng này lớn hơn nhiều so với ngưỡng chịu thuế trên 1 tỷ đồng.
Ví dụ như ngay Bộ Tài chính trong báo cáo của mình đã dự kiến số thu thuế tài sản ngưỡng hơn 700 triệu nếu ở mức thuế 0,3% đã lên tới 23.300 tỷ đồng và ở mức 0,4% lên đến 31.000 tỷ đồng (mức trên 1 tỷ lần lượt là 22.700 tỷ đếm 30.300 tỷ đồng).
Bởi thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam khoảng 2.200 USD/người khá thấp so với nhiều nước trên thế giới, việc phúc lợi xã hội mà người dân được hưởng cũng thấp hơn nhiều các nước khác. Ngân hàng Thế giới đã từng khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP nhưng hiện nay, đã thu thuế lên đến 32% GDP.
Với mức thu nhập bình quân thấp nhưng thực tế giá nhà đất nhiều nơi bị thổi “bong bóng” lên rất cao gấp nhiều lần so với thực tế. Trong số hàng triệu người lao động, để mua được một căn nhà chung cư hay thổ cư ổn định cuộc sống, người dân phải làm nụng vất vả trong nhiều năm, thậm chí đi vay ngân hàng với lãi suất cao. Họ đã phải chịu quá nhiều gánh nặng về thuế phí như thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT cho vật liệu để làm nên căn nhà ấy, thuế sử dụng đất và nhiều loại thuế phí khác…
Trong muôn vàn khó khăn mà người dân đang phải trải qua khi thu nhập thấp, mỗi năm phải cõng nhiều loại thuế phí, việc triển khai thu thêm thuế tài sản với nhà ở sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và tất nhiên sẽ gặp sự phản ứng.
Bên cạnh đó, dư luận cũng băn khoăn bởi trước đây, có ý kiến đề nghị chỉ đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ 2 trở đi. Nay Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi mà đánh thuế ngay từ nhà ở đầu tiên. Dù Bộ Tài chính đã đưa ra những lý do của việc không đánh thuế với ngôi nhà thứ 2 như không đảm bảo công bằng như trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà, mỗi nhà có diện tích thấp hoặc giá trị thấp lại bị đánh thuế; Khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế và việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp; giảm mức hấp dẫn của thị trường BĐS.
Lý giải là vậy, nhưng Bộ Tài chính có đảm bảo việc đánh thuế với tất cả các căn nhà có giảm bớt được những tiêu cực, có không gặp khó khăn trong triển khai thực hiện, có đảm bảo được sự minh bạch công bằng và thị trường bất động sản sẽ không bị tác động?
Có một thực tế, hiện nay con số cá nhân sở hữu nhà thứ 2 nếu so với con số sở hữu nhà thứ nhất thì vô cùng ít ỏi. Vậy đây có phải là lý do cốt yếu dẫn đến đề nghị không thực hiện phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi?
Thu 31.000 tỷ đồng từ thuế nhà ở, lợi hay hại?
Để thuyết phục người dân, tạo sự đồng thuận với đề xuất trên, Bộ Tài Chính đã viện dẫn nhiều nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản và Bộ này cũng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế thì mức thuế tài sản thấp nhất là 0,2%.
Đa số các nước áp dụng mức thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%, Philippines 1% và 2%. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án: Một là áp dụng mức thuế suất tài sản chung là 0,3%; hai là áp dụng mức thuế tài sản chung là 0,4%.
Tuy nhiên, giải thích trên của Bộ Tài chính lại khiến nhiều người phản ứng. Ngay Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, thế giới thực hiện thu thuế tài sản đối với nhà ở được ủng hộ, vì họ không có khoản thu ngân sách đối với tiền sử dụng đất. Trong khi đó ở Việt Nam đang có khoản thu này. Tiền thu vào ngân sách lẽ ra được xem là một sắc thuế, thì nước ta lại không ghi nhận. Với tiền sử dụng đất Việt Nam đang thu dựa trên Luật Đất đai chứ không phải là các loại thuế phí.
Bởi vậy, thực tế nếu thu thêm loại thuế tài sản này, cần đánh giá xem một căn nhà, đất ở ấy đã từng phải gánh bao nhiêu loại thuế, phí? Có tình trạng “thuế chồng thuế” đẩy người dân đến đường cùng khi vắt kiệt sức lực của họ hay không?
Hơn nữa, hiện nay các nước thu thuế tài sản cao đa số là những nước có nền kinh tế phát triển, thu thuế cao cũng đồng nghĩa với phúc lợi xã hội cao nên khi đưa ra mức thuế suất cần phải tính toán điều tra số liệu cụ thể để đưa ra mức thu phù hợp với thực tế, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Trong suốt thời gian dài, để đáp ứng một phần nhu cầu còn rất lớn của người dân, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng trong việc phát triển nhà ở xã hội với mục tiêu hướng đến lâu dài người hưởng lợi chính là người dân. Tuy nhiên, việc thu thuế tài sản nhà ở như dự thảo sẽ khiến hàng chục triệu người lao động lâm cảnh khó khăn, làm mất đi ý nghĩa mà những chính sách ưu đãi của nhà nước đang hướng đến.
Vì thế, cần xem xét lại dự thảo để đưa ra những điều khoản phù hợp với thực tế, đánh giá nó trong mối quan hệ với các loại thuế phí khác, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khả thi khi áp dụng, được người dân đồng thuận, chứ không thể vừa dự thảo đưa ra đã gặp sự phản ứng dữ dội từ phía người dân…
Thiên Nga