“Nóng” khai thác cát sỏi lòng sông Bứa: Cty Sông Biển bị tố dấu hiệu sai phạm? [kỳ1]

Google News

Khu vực sông Bứa thuộc địa bàn xã Tân Phú, Mỹ Thuận, Minh Đài, Văn Luông-huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ diễn ra hoạt động khai thác mỏ cát, sỏi của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Sông Biển, được cho có nhiều dấu hiệu sai phạm?

Phản ánh tới Báo Tri thức và Cuộc sống, người dân xã Mỹ Thuận cho biết, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Sông Biển (Công ty Sông Biển) khai thác cát, sỏi với công suất và tần suất lớn… đã làm “biến dạng” đôi bờ sông Bứa trở nên nham nhở, thậm chí vùi lấp một phần lòng sông để làm “con đường huyết mạch” nhằm thuận tiện vận chuyển khoáng sản đi chế biến, tiêu thụ.
“Xe tải rầm rộ ra vào, nguy cơ phá huỷ hạ tầng giao thông liên xã, kết hợp cát, sỏi thường xuyên rơi vãi… gây ô nhiễm môi trường”, người dân xã Mỹ Thuận bức xúc nói.
Ngang nhiên vùi lấp một phần lòng sông Bứa để… làm đường vận chuyển khoáng sản?
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống vào ngày 17/2 và những ngày giữa cuối tháng 1 năm 2025 cho thấy, có nhiều dấu hiệu bất cập, quan ngại liên quan hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản tại khu vực sông Bứa trên địa bàn các xã Tân Phú, Mỹ Thuận, Minh Đài, Văn Luông - huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Tại khu vực sông Bứa - đoạn qua khu Tân Lực (xã Mỹ Thuận) có con đường nhựa liên xã liền mạch thì một ngày… bỗng dưng “đeo” thêm đoạn đường đất “nhân tạo” khoảng 1km, được xây dựng trái pháp luật; mặt đường gồ ghề, nhưng chạy thẳng tắp xuống dòng sông Bứa để phục vụ vận chuyển khoáng sản.
“Sông Bứa chảy dài và uốn lượn với nhiều khúc rộng, hẹp khác nhau. Đoạn qua khu Tân Lực có chiều rộng lớn nhất với mực nước sâu. Công trình ‘con đường huyết mạch’ này do Công ty Sông Biển tạo lập, có vị trí nằm giữa sông và bám theo bờ phải sát đường nhựa liên xã; có chiều rộng chừng 10m, độ cao chênh với mặt nước khoảng 60cm”, người dân địa phương thông tin.
“Nong” khai thac cat soi long song Bua: Cty Song Bien bi to dau hieu sai pham? [ky1]
"Con đường máu" được Công ty Sông Biển nhân tạo giữa lòng sông Bứa đề vận chuyển khoáng sản. Ảnh: Hữu Tuấn.
Ông Hà Văn Mến, người đánh cá trên sông Bứa hơn 30 năm, chia sẻ: “Sự xuất hiện đoạn đường nhân tạo của Công ty Sông Biển đã làm thay đổi địa hình và dòng chảy khu vực này. Vì thế, dù bản thân kinh nghiệm thả lưới bắt cá, thông thạo con nước, nhưng nhiều tháng nay, tôi phải vật lộn với các đoạn nước xoáy, chảy siết”.
Theo “lão ngư” Hà Văn Mến, thực trạng đào xới, lấp hẳn một đoạn sông dài làm đường còn gây sạt lở bờ trái sông Bứa. Nếu không cẩn thận, thuyền bè qua lại rất dễ bị lật.
Khai thác cát, sỏi vào ban đêm… bất chấp lệnh cấm?
Theo phản ánh của người dân khu Thuận (xã Mỹ Thuận), từ tháng 12/2024, họ luôn trong tình cảnh vừa canh tác vừa túc trực bên bờ sông để ngăn cản, xua đuổi máy xúc, xe tải nếu cào xới vào bãi đất bồi trồng cây của gia đình. Tuy nhiên, lực bất tòng tâm do Công ty Sông Biển hoạt động khai khoáng ban đêm.
Trao đổi với PV, ông Hà Ngọc Kha, Bí thư khu Thuận nói: “Chúng tôi đã phản ánh đến UBND xã Mỹ Thuận về việc khai thác cát, sỏi ảnh hưởng hai bên bờ sông Bứa và tình trạng xe cơi nới, chở quá tải tại khu vực khai thác, tập kết ra các tuyến đường giao thông, gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và hư hỏng đường sá”.
“Nong” khai thac cat soi long song Bua: Cty Song Bien bi to dau hieu sai pham? [ky1]-Hinh-2
 Hoạt động khai thác khoáng sản trên dòng sông Bứa có dấu hiệu vượt mốc giới. Ảnh: Hữu Tuấn.
Tài liệu, chứng cứ thu thập của PV tại hiện trường bờ sông Bứa - đoạn khu Thuận vào khoảng 16h ngày 14/1/2025 cho thấy, máy xúc loại EX200 bắt đầu hoạt động, tiếng ồn động cơ và cào xới đất trong đêm gây “náo loạn” xóm Mường - vốn yên tĩnh trước đây.
“Gần đây, đội khai thác không làm ngày nữa, mà chuyển qua đêm”, anh Bùi Minh Lý, khu Thuận nhấn mạnh và dẫn PV ra hiện trường khai thác.
Theo quan sát, máy xúc phang những gầu múc sắc nhọn vào bờ sông Bứa, rồi xâm lấn vào hàng rào đất của người dân; sau hơn một giờ, khoáng sản khai thác được chất lên xe tải để di chuyển về bãi tập kết tại khu Lực - cách vị trí khai thác khoảng 800 m.
Khoảng 18h35 cùng ngày, trời tối dần, nhưng tiếng động cơ máy xúc vẫn inh ỏi khu Thuận. Xe tải đua nhau băng qua sông nhận hàng, đổ hàng và cứ thế lặp đi lặp lại “hành trình”, kéo dài tới hơn 21h đêm.
Sáng 15/1, sau một đêm chập chờn, PV đã chứng kiến “thành quả” của Công ty Sông Biển trên địa phận khu Thuận. Theo đó, từng thớ đất bãi bồi trồng trọt của người dân bị “gặm”, để lại những vết cào xới in hằn răng múc của máy xúc và vệt bánh xe tải hạng nặng; một đoạn khu vực bãi bồi sông Bứa đã bị lấn vào chừng 3m và sâu khoảng 5m, so với bề mặt nước sông.
“Nong” khai thac cat soi long song Bua: Cty Song Bien bi to dau hieu sai pham? [ky1]-Hinh-3
Hoạt động khai thác khoáng sản tại sông Bứa của Công ty Sông Biển diễn ra xuyên đêm, bất chấp lệnh cấm thời gian. Ảnh: Hữu Tuấn.
Đa số người dân thấp thỏm lo lắng: Hiện trạng khai khoáng kiểu này có gây ra tình trạng sạt lở bờ sông? Trong khi đó, PV băn khoăn: Lãnh đạo chính quyền địa phương đã biết sự việc này hay chưa? Chưa kể, hoạt động khai khoáng về đêm còn đe doạ an toàn lao động, trật tự mỏ theo quy định của pháp luật.
“Tài xế phải đối mặt với cảnh dò đường, băng sông nước siết trên con đường “nhân tạo” thẳng tắp, nhưng gồ ghề. Chỉ sơ sểnh, bánh xe tải có thể lệch vào hố sâu, hoặc đâm vào đá lớn… Xe tải chở nặng khoáng sản phải bám men theo bờ sông để di chuyển chừng 100m, rồi tiếp tục băng qua sông một lần nữa, trước khi leo dốc để đổ hàng vào bãi tập kết”, một người dân khu Thuận nêu vấn đề.
…. Công ty Sông Biển coi thường pháp luật?
UBND tỉnh Phú Thọ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 34/GP-UBND ngày 30/5/2019 và tiếp đó, cấp Giấy phép gia hạn thời gian khai thác số 10/GP-UBND ngày 18/1/2023 cho Công ty Sông Biển được khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông Bứa thuộc các xã Tân Phú Mỹ Thuận, Minh Đài, Văn Luông - huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Thời hiệu giấy phép đến hết ngày 30/11/2025.
Giấy phép số 34/GP-UBND ngày 30/5/2019 nêu rõ: Diện tích khu vực khai thác là 47,42 ha. Mức sâu khai thác thấp nhất từ cao trình +17,5m đến cao trình +52,3m. Trữ lượng khoáng sản dựa vào thiết kế khai thác: 1.232.991,0 m3 (gồm: Cát 553.900,0 m3, Sỏi 679.091,0 m3). Trữ lượng khai thác (tính đến cao trình thấp nhất) là 968.050,0 m3, trong đó: Cát 440.400,0 m3, Sỏi 527.650,0 m3. Công suất khai thác: 45.000,0 m3/năm.
Mục 4 Điều 2 Giấy phép số 10/GP-UBND ngày 18/1/2023 (là bộ phận không tác rời của Giấy phép số 34/GP-UBND) quy định: Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày từ 07h sáng đến 17h chiều, nghiêm cấm khai thác vào ban đêm… Ký các văn bản cam kết về trách nhiệm bảo vệ các khu vực xung quanh khu vực khai thác và khu vực bãi đất ven sông tiếp giáp với khu vực khai thác.

Phóng sự điều tra: Khai thác cát sỏi lòng sông Bứa của Công ty Sông Biển. 

Mục 4 Điều 2 Giấy phép số 34/GP-UBND cũng quy định đối với Công ty Sông Biển: Trong quá trình khai thác, thực hiện đúng, đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ; có biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan về an toàn trong khai thác mỏ.
Giấy phép số 34/GP-UBND và số 10/GP-UBND đề cập trách nhiệm của Công ty Sông Biển: Bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an toàn, trật tự mỏ theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm bảo vệ bờ, vờ sông, công trình đê điều trong phạm vi thực hiện dự án. Trường hợp có dấu hiệu không bảo đảm an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời, bồi thường thiệt hại (nếu có) và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở phản ánh của người dân và các chứng cứ thu thập tại hiện trường khu vực sông Bứa, PV đã làm phép so sánh, đối chiếu với các quy định nêu tại Giấy phép khai thác khoáng sản. Phải chăng Công ty Sông Biển đã quá lộng hành, coi thường pháp luật khi vùi lấp một phần lòng sông Bứa để làm đường vận chuyển, gây biến dạng địa hình, thay đổi dòng chảy; hoạt động khai thác cát, sỏi tới khoảng 22h đêm - tức vượt quá thời gian quy định kết thúc vào 17h chiều; rồi máy xúc xâm phạm vào phần đất được cho là của người dân; hay vận chuyển cát, sỏi ban đêm nguy cơ mất an toàn….?
Nhằm làm rõ điều này, trưa ngày 15/1, ông Lê Quang Vinh, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Sơn xác nhận: “Đoạn lòng sông Bứa có được đắp để làm đường và có sự chênh cao đáy”.
Ông Trần Việt Hưng, Phó giám đốc Công ty Sông Biển thừa nhận: Công ty tự đắp làm đường ở lòng sông Bứa để phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển khoáng sản. Có đoạn nằm trong khu vực mỏ, nhưng cũng có đoạn nằm ngoài. Đoạn đường đắp là tự phát, không nằm trong thiết kế mỏ và không được cơ quan chức năng nào cấp phép hay phê duyệt.
Theo ông Trần Việt Hưng, lý do đắp đường ở lòng sông là do trước đây Công ty vận chuyển khoáng sản qua đường bê tông dân sinh, bị người dân phản đối. Không còn đường nào khác để vận chuyển nên phải tự đào đắp đường.
Như vậy, thông tin từ Phó Giám đốc Công ty Sông Biển đã đủ đầy chưa? Có chăng dấu hiệu sai phạm của công ty còn hơn cả đề cập nêu trên?
Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Sông Biển có tên giao dịch SÔNG BIỂN C&T., JSC; mã số thuế 2600874860, do Cục Thuế tỉnh Phú Thọ quản lý. Công ty hoạt động từ tháng 1/2013, với nhiều nhóm ngành nghề kinh doanh trong đó có khai thác đá, cát, sỏi, đất sét.
Nghị định số 23/2020/ NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông
Điều 9. Nội dung Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông
1. Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm; quy định về thời gian khai thác trong năm.
2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được phép khai thác:
a) Xác định ranh giới khu vực khai thác; cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông;
b) Tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi và yêu cầu về đăng ký theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, pháp luật liên quan; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi;
d) Yêu cầu việc lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin Giấy phép khai thác, dự án khai thác cát, sỏi lòng sông với các nội dung: tọa độ, diện tích và sơ đồ phạm vi khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát, sỏi;
đ) Thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm về phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông
Không gây bồi lắng, xói, lở lòng sông, gây mất ổn định bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước…
Điều 15. Yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông
a) Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất, mức độ ổn định của bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định.
b) Độ dốc đáy của tuyến khai thác tương đương độ dốc tự nhiên của đáy đoạn sông khai thác và đảm bảo không làm thay đổi đột ngột độ dốc của toàn tuyến sông; độ sâu khai thác phải phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất của đoạn sông, bảo đảm không được hình thành các hố xoáy hoặc gia tăng nguy cơ gây mất ổn định bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định.
Điều 19. Yêu cầu đối với hoạt động xây dựng công trình thủy
1. Không làm cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông thủy trên sông, không làm giảm khả năng tiêu, thoát lũ.
2. Bảo đảm sự ổn định của bờ sông, không làm gia tăng nguy cơ xói, lở bờ sông.
Điều 31. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
2. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định của Chính phủ và các nhiệm vụ sau đây: c) Ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được báo tin xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật…
3. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định của Chính phủ và các nhiệm vụ sau đây: c) Ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên để xử lý theo quy định của pháp luật…
Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
Kỳ 2: Nghi vấn mập mờ mốc giới, không lắp trạm cân… Công ty Sông Biển trục lợi khoáng sản sông Bứa?

Thiên Tuấn