Nếu đàm phán liên Triều thành công, ai được lợi nhất?

Google News

(Kiến Thức) - Đàm phán liên Triều hiện là một trong những vấn đề "nóng" trên chính trường thế giới và được dư luận quan tâm. Taimur Baig, chuyên gia kinh tế thuộc Công ty DBS Group Holdings. nhận định về cuộc đàm phán này.

Ngày 13/1, Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tổ chức đàm phán liên Triều cấp chuyên viên vào ngày 15/1 tại Tongil Pavilion thuộc làng đình chiến Panmunjom.
Phát biểu với báo giới ngày 15/1, Trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc và cũng là Vụ trưởng Vụ Chính sách văn hóa và nghệ thuật của Bộ Văn hóa nước này, ông Lee Woo-sung cho hay phái đoàn của ông sẽ tham gia cuộc đàm phán với cách cư xử bình tĩnh nhằm đạt được các kết quả tốt đẹp.
Theo Trưởng đoàn Lee, hai miền Triều Tiên sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến kế hoạch cử các vận động viên biểu diễn nghệ thuật của Triều Tiên tới Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc.
Hai nước sẽ thảo luận về quy mô của đoàn nghệ thuật Triều Tiên, lộ trình mà đoàn này sẽ đi và kế hoạch biểu diễn chi tiết.
 Trưởng phái đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son Gwon (phải) bắt tay người đồng cấp Hàn Quốc Cho Myoung-gyon trong cuộc đàm phán liên Triều ngày 9/1. Ảnh: Reuters.
Do vậy, đây là cuộc đàm phán lần thứ 2 chỉ trong 1 tuần giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Trước đó, đàm phán cấp cao liên Triều lần đầu tiên được tổ chức ngày 9/1.
Sau cuộc đàm phán đầu tiên, Triều Tiên đã đồng ý cử một đoàn các vận động viên, cổ động viên, biểu diễn nghệ thuật cùng đoàn quan chức cấp cao, đoàn Ủy ban Olympic quốc gia Triều Tiên... tham dự Olympic mùa Đông dự kiến diễn ra từ ngày 9 - 25/2 ở Hàn Quốc.
Theo đó, quy mô đoàn Triều Tiên tham dự Olympic mùa Đông 2018 dự kiến có thể lên tới 400 - 500 người. Nếu mọi việc thuận lợi thì Olympic mùa Đông PyeongChang sẽ là kỳ Olympic đầu tiên tại Hàn Quốc có sự góp mặt của Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng từ chối tham dự Thế vận hội mùa Hè 1988 tại thủ đô Seoul.
Mời quý độc giả xem video "du lịch hạt nhân" sắp nở rộ ở Triều Tiên (nguồn: VTC1):
Chia sẻ về cuộc đàm phán liên Triều, Taimur Baig, chuyên gia kinh tế thuộc Công ty DBS Group Holdings (Singapore) đã có những chia sẻ đáng chú ý với Bloomberg.
Theo chuyên gia Baig, việc nối lại đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ giảm thiểu mối đe dọa xung đột. Đàm phán cũng giúp giảm thiểu nguy cơ gây ra tình trạng trì trệ nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới.
Chuyên gia kinh tế Baig nhận định quy mô chuỗi cung ứng sản xuất của châu Á tại Hàn Quốc lớn tới mức toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tổn thất nếu như xung đột giữa Seoul và Bình Nhưỡng nổ ra.
“Một phần chuỗi cung ứng châu Á tại Hàn Quốc quan trọng tới mức nó có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới nếu vì bất kỳ lý do nào đó mà bạo lực nổ ra”, ông Baig cho biết.
Tâm Anh