Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mới nhằm vào Triều Tiên do Mỹ soạn thảo. Những lệnh trừng phạt mới này được đánh giá là sẽ giáng một đòn mạnh vào kinh tế Triều Tiên.
Nguyên nhân là vì nghị quyết 2397 sẽ cắt giảm tổng cộng 89% những mặt hàng xăng dầu và dầu tinh chế khác được xuất khẩu sang Triều Tiên, đồng thời cấm các nước xuất khẩu thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải và kim loại công nghiệp cho Bình Nhưỡng.
Những lệnh trừng phạt mới được đưa ra do Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa, trong đó gần đây nhất là ngày 29/11, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15. Với vụ phóng tên lửa này, Bình Nhưỡng tuyên bố tên lửa của họ có thể chạm tới mọi thành phố lớn của Mỹ.
|
Tàu chở dầu của Triều Tiên tại cảng ở Hàn Quốc. Ảnh: CNN. |
Trước vấn đề này, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho hay các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc giống như một cuộc phong tỏa kinh tế toàn diện nhằm chống lại Bình Nhưỡng.
Trước lệnh trừng phạt này, vào tháng 9 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng thông qua một nghị quyết trừng phạt tương tự. Cụ thể, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm Triều Tiên xuất khẩu các sản phẩm may mặc và hạn chế các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tới Bình Nhưỡng.
Theo đó, Liên Hiệp Quốc nhất trí không cấm xuất khẩu xăng dầu vào Triều Tiên mà thay vào đó đặt ra hạn ngạch. Vì vậy, Triều Tiên chỉ được phép nhập khẩu tối đa 2 triệu thùng dầu.
Chia sẻ quan điểm về việc cắt giảm những mặt hàng xăng dầu được xuất khẩu sang Triều Tiên, nhà phân tích Kent Boydston của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng, đây sẽ là bước ngoặt lớn trong nỗ lực quốc tế chống lại tham vọng vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
"Cấm vận xuất khẩu dầu sang Triều Tiên là điều chưa từng được thử qua trước đây. Đây sẽ là một hình thức xử phạt khác, gây ảnh hưởng lớn hơn đến nền kinh tế nước này”, nhà phân tích Boydston cho biết.
Mời quý độc giả xem video "du lịch hạt nhân" sắp nở rộ ở Triều Tiên (nguồn: VTC1):
Các chuyên gia tại Viện Nautilus nhận định việc ngừng hoặc giảm cung dầu cho Triều Tiên sẽ không thể có nhiều tác động lên chương trình hạt nhân và quân sự của Triều Tiên trong thời gian ngắn. Nguyên nhân là vì họ có thể tích trữ đủ lượng xăng dầu để dùng. Thay vào đó, tác động lớn từ những lệnh trừng phạt mới sẽ đổ dồn lên người dân Triều Tiên.
"Mọi người sẽ phải đi bộ, hoặc chẳng đi đâu cả. Các căn nhà sẽ có ít ánh đèn hơn vì thiếu dầu đốt", các chuyên gia Viện Nautilus cảnh báo.
Tâm Anh