|
Ảnh minh họa. |
Bạn bảo, vất vả thì không sợ nhưng sợ nhất là lúc nào cũng phải sống trong tâm trạng lo lắng, đêm ngủ không yên vì chỉ lo có điện thoại bên nhà ông bà gọi sang.
Vẫn biết cái chết là một điều không thể tránh khỏi, nhưng cứ nghĩ đến là thấy hoảng hốt. Giờ bố còn nằm đây, không làm gì được, nhưng ít nhất sáng chiều còn nhìn thấy mặt, còn trò chuyện, còn được nắm lấy bàn tay khô gầy kia. Còn nếu chuyện đó xảy ra (bạn tôi không dám nói thẳng ra là cái chết) thì không biết sẽ ra sao, chẳng lẽ sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau nữa? Cứ nghĩ đến đấy là khiếp, là không dám nghĩ tiếp nữa.
Cái chết luôn là điều đáng sợ. Cứ hình dung ta đang nắm tay một người rồi bỗng người đó bị kéo tuột mất vào một vùng tăm tối, biến mất hoàn toàn, vĩnh viễn khỏi cuộc sống của ta, bỏ ta lại trong sự hoang mang, khiếp sợ. Cái chết đáng sợ bởi nó là một cái gì đó không thể hiểu nổi. Ta không thể nào biết được sau cái chết sẽ là cái gì. Chính Lev Tonxtoi cũng từng bế tắc, từng khủng hoảng đến mức muốn tự tử khi cố tìm hiểu cho được sau tất cả những thành công, những danh tiếng, những điều ông đã từng phấn đấu, từng tự hào... là cái gì, thì chỉ thấy một khoảng trống kinh hoàng của cái chết.
Mỗi tôn giáo có một cách giải thích về cái chết, về cuộc sống sau cái chết... để an ủi, để người ta yên tâm, để sống cuộc sống trần thế cho tốt lành. Tôi rất thích cách lý giải cái chết thế này: Chết cũng giống như giọt nước tan vào đại dương. Khi đó không còn bản thân cái giọt nước kia nữa mà chỉ còn cái chung là đại dương. Nghe cũng hiểu được tí chút, cũng thấy đỡ sợ về một sự biến mất tăm chăng để lại dấu vết gì.
Chế Lan Viên có câu thơ:
Mai sau... mai sau khi chẳng còn ta nữa...
Một chút nắng xao ở đầu ngọn gió
là ta đấy mà ai có biết đâu
Cái ta cụ thể chẳng còn nữa. Nhưng ta để lại cái dấu ấn của ta trong những việc đã làm, đặc biệt trong chính những đứa con ta đã sinh ra và dạy dỗ nên người. Vì thế, chết đâu phải là hết.
Minh Anh