Thoạt nghe có vẻ thấy chưa được thuận tai cho lắm nhưng cứ ngẫm nghĩ cho kỹ thì thấy có vẻ như lời khẳng định đó cũng có nguồn cơn chứ không phải ngẫu nhiên mà vị đại diện ấy thản nhiên phát ra. Trước hết, cây cầu dài như vậy bao gồm rất nhiều trụ thì vết nứt trên một hoặc hai, ba trụ đi nữa cũng chẳng nói lên điều gì cả.
Hơn nữa, lại chỉ là những vết nứt bé như thế thì khác gì “muỗi đốt cột điện” như dân gian vẫn thường ví von! Thứ hai, tuổi thọ của cây cầu dự báo có thể lên đến mấy chục năm mà bây giờ mới chỉ đi vào sử dụng có mấy năm, lo gì chả an toàn, có lẽ đến khi vị đại diện ấy cũng như nhiều vị có trách nhiệm khác đủ tuổi nghỉ hưu rồi mà cây cầu vẫn an toàn ấy chứ! Vậy nên mới có câu rằng: “Vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy/Nứt mà bé thế vẫn đi an toàn”.
Nói vậy thôi vì đây là một thứ tài sản của chung chứ chẳng phải của riêng ai cả. Nếu đi mua một cái ô tô hoặc một cái xe máy hoặc bất kỳ một thứ tài sản nào khác thì ai cũng phải xem xét thật kỹ về chất lượng của nó, có lẽ chỉ trầy xước một tí sơn thôi là không lấy rồi mặc dù nó vẫn an toàn chứ chưa nói đến có vết rạn nứt trên một bộ phận nào đó của cái xe. Còn nếu nhà riêng của mình mà bị nứt, thấm dột thì chắc không thể yên tâm được mà phải đau đầu để tìm ra nguyên nhân và giải pháp xử lý.
Nói dại, nếu giả sử không an toàn nữa, xảy ra chuyện gì đó thì những người không may lúc đó đi trên cây cầu phải chịu hậu quả và Nhà nước khi đó cũng sẽ phải bỏ ra thêm nhiều chi phí để khắc phục. Chứ chờ đến khi làm rõ được trách nhiệm thuộc về ai chắc cũng còn dài.
Còn có nên tin vào lời của vị đại diện trên mà cứ qua cầu vô tư, hay tự tìm hiểu tính toán xem đến thời điểm nào cầu không an toàn mà tránh sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào trí thông minh của những người tham gia giao thông!
Quý Văn