Đến thời điểm này, trong khi các chuyên gia giáo dục, nhà giáo, nhà sử học vẫn còn đang có nhiều ý kiến tranh luận về việc môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia 2018 có phổ điểm thấp kỷ lục thì dư luận vẫn đặt ra câu hỏi, vì sao năm nào đưa môn Lịch sử vào kỳ thi THPT Quốc gia hay thi đại học, cao đẳng trước đây đều ghi nhận mức điểm thấp kỷ lục đến như vậy?
Theo phổ điểm của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2018, trong số 563.013 thí sinh dự thi môn Lịch sử thì có đến 468.628 thí sinh có điểm dưới trung bình, chiếm 83,24%. Mức điểm trung bình trên cả nước là 3,79. Số điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,25. Đáng chú ý, có đến 1.277 thí sinh bị điểm liệt (dưới 1 điểm), trong đó có 527 thí sinh bị điểm 0.
Trong đó, điểm thi Lịch sử tại TP HCM thấp kỷ lục, 80,9% thí sinh tại TPHCM đạt điểm dưới trung bình ở môn thi này và chỉ 19,1% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên. Đà Nẵng cũng được ghi nhận là nơi có điểm thi Lịch sử thấp nhất cả nước khi có đến 90% thí sinh điểm dưới 5.
|
Phổ điểm thi môn Lịch sử thấp kỷ lục. |
Phổ điểm thi môn Lịch sử thấp kỷ lục khiến không chỉ những người làm công tác giáo dục buồn phiền mà ngay cả những người làm công tác nghiên cứu Lịch sử, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cũng tỏ ra thất vọng. Tuy nhiên, tất cả đều không lấy làm bất ngờ, bởi môn thi Lịch sử từ lâu đã được liệt vào những môn thi có điểm số thấp trong các kỳ thi. Ngay trong kỳ tuyển sinh Đại học năm 2011, cả nước có đến hàng nghìn thí sinh đạt điểm 0 và từ đó đến nay, năm nào tỷ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình ở môn thi này cũng thấp và năm nay cũng không ngoại lệ.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, có nhiều nguyên nhân dẫn đến môn Lịch sử có phổ điểm thấp kỷ lục như phần lớn học sinh thi môn Lịch sử chỉ để xét tốt nghiệp nên chỉ cốt để tránh điểm liệt nên sao nhãng việc học tập, ôn luyện môn Lịch sử mà tập trung thời gian vào những môn để xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong thực tế, hiện nay, đa số các thí sinh lựa chọn những môn về khoa học tự nhiên để có thể học nhưng chuyên ngành về tài chính, ngân hàng, ngoại thương...Những ngành mà sau khi ra trường dễ tìm được việc làm, chế độ tốt hơn. Trong khi đó, tỉ lệ thí sinh theo học các ngành sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn cũng thấp hơn những năm trước rất nhiều.
Bên cạnh đó, có một nguyên nhân cần thẳng thắn nhìn nhận, phổ điểm môn Lịch sử thấp kỷ lục năm này qua năm khác đã cho thấy môn học này không còn được xã hội coi trọng như xưa. Trên thực tế, có không ít năm, người ta bỏ môn học này trong kỳ thi tốt nghiệp. Ngay cả các giáo viên giảng dạy học sinh cũng chỉ coi môn học Lịch sử là môn phụ, trong khi đó học sinh không chú trọng nhiều thời gian cho môn học này nên việc dạy và học thậm chí chỉ mang tính đối phó và ngay cả các en học sinh chọn thi ban Khoa học xã hội cũng không tỏ ra thích thú với môn Lịch sử. Chưa kể đến việc nhiều em lựa chọn ban Khoa học xã hội chỉ vì không đủ sức dự thi các khối, ngành khác. Thực tế cũng không có nhiều trường Đại học, cao đẳng dùng môn Lịch sử để xét tuyển. Dẫn đến hậu quả là điểm thi môn Lịch sử thấp cũng không khiến các phụ huynh và các em học sinh lo lắng.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia giáo dục, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là kỳ thi “kép” kiểu “2 trong 1” nên việc môn Lịch sử bị xem nhẹ cũng là việc bình thường khi các thí sinh dự thi cốt chỉ tránh sao cho khỏi điểm liệt môn thi này nên khó có thể có điểm số cao khi ngay các thí sinh chỉ học theo kiểu đối phó để xét tốt nghiệp. Nhiều ý kiến còn cho rằng, không chỉ năm nay và nhiều năm sau nữa, điểm thi môn Lịch sử sẽ rất khó được cải thiện khi môn Lịch sử không được coi trọng như hiện nay khi mà các trường đại học không mặn mà xét tuyển.
Nhưng đó chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” đẩy môn Lịch sử đến mức bị xem nhẹ. Trở lại cách đây hơn chục năm về trước, môn Lịch sử vẫn là môn học thu hút nhiều sự quan tâm của các em học sinh và được đánh giá là môn học có nhiều ấn tượng bởi giá trị của môn Lịch sử thì không gì đo đếm được khi cung cấp cho các em học sinh kiến thức về những cuộc chiến tranh giữ nước hào hùng, thể hiện ý chí quật cường của dân tộc trong hàng nghìn năm qua, từ đó ý thức được vai trò trách nhiệm của các em với quê hương đất nước. Như bác Hồ đã từng nói khi sinh thời: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Thế nhưng từ khi Bộ GD&ĐT có chủ trương và triển khai đưa môn Lịch sử tích hợp, lồng ghép vào những môn học khác đã khiến vị thế môn học này đi xuống trong mắt học sinh, thậm chí cả giáo viên, khiến các nhà khoa học, giáo viên dạy sử có nhiều tâm tư.
Đến giờ có thể thấy, môn Lịch sử đang bị xem nhẹ trong hệ thống giáo dục nước nhà nhưng vai trò của môn học này vô cùng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Hãy nhìn thế giới, trong thời đại của sự phát triển kinh tế, xã hội, họ vẫn ưu tiên môn Sử như Trung Quốc, Hàn Quốc...Thậm chí Mỹ và Canada cũng coi môn Lịch sử là một trong những môn bắt buộc ở các cấp phổ thông và đại học cùng với các môn học khác như Toán, tiếng Anh, Vật lý để thấy rằng, việc xem nhẹ môn học này sẽ là điều vô cùng đáng tiếc nuối.
Khi mà phương pháp dạy và học môn Lịch sử không có sự đổi mới, sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức.Khi mà nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, khi mà tính thực dụng của phụ huynh cao khi không muốn cho con học lịch sử vì học không có tiền đồ, có kiếm việc làm có thu nhập cao sau khi ra trường...vẫn còn tồn tại dẫn đến học sinh không mặn mà với môn học này thì việc điểm thi môn Lịch sử thấp vẫn sẽ mãi là điệp khúc không có lời giải đáp.
Bởi vậy, khi phổ điểm thi Lịch sử thấp mà chúng ta không có phương pháp đổi mới trong học tập thì đừng đừng nên kêu than và cũng đừng trách các em học sinh. Thay vào đó, toàn ngành giáo dục nên tự trách mình và tự cảm thấy xấu hổ với các bậc tiền nhân.
Thiên Nga