Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã có gần 40 năm nghiên cứu về lịch sử. Trước thực trạng môn Lịch Sử bị "xem nhẹ", ông đã viết "tâm thư" gửi đến thế hệ trẻ, những người làm chủ tương lai của đất nước.
Báo Người Đưa Tin trân trọng đăng tải những dòng tâm huyết của vị giáo sư đầu ngành.
|
GS.TS KH Vũ Minh Giang. |
Phần 1: Ý nghĩa của việc học lịch sử…
“Học lịch sử để biết dân tộc mình đang ở đâu”
Lịch sử là những chặng đường đã qua của cộng đồng người. Ở đó có chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, đời sống, có những khuôn mặt, cá nhân, quần chúng, nghĩa là tất cả diễn ra tron quá khứ, câu định nghĩa tổng quát nhất là như vậy.
Thế còn Sử học mà chúng ta đang bàn là một môn học tiếp cận thực thể khách quan quá khứ ấy, để tái tạo nó lại, tìm ra các bài học, rút ra các quy luật để chúng ta có thể hiểu được cái quá khứ và lý giải được những gì đang diễn ra ở hiện tại và từ đó thì rất nhiều cái mình có thể dự báo được tương lai, thậm chí tham gia vào những cái dự án hoạch định tương lai, xây dựng tương lai.
Với cái ý nghĩa đó, lịch sử mà chúng ta đang nói là khoa học lịch sử nó quan trọng hơn một môn học rất nhiều. Cái quan trọng là như thế này, tức là anh muốn đi lên thì anh phải hiểu chính anh, có sức mạnh gì, có điểm yếu gì, nói theo cách khác gọi là sở trường, sở đoản của một dân tộc là gì?
Những cái vất vả trong lịch sử là gì, những cái thành công do đâu mà có, những cái điều gì cần phải tránh, những gì mà chúng ta bỏ lỡ bây giờ chúng ta không thể lặp lại, chúng ta phải khôn lên thì cái bộ môn khoa học giúp ta tự nhận thức, dạy khôn chúng ta thì đấy chính là lịch sử.
Cho nên tại sao những nước người ta phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, người ta coi trọng lịch sử đến như thế. Tóm lại Sử học hay theo cái nghĩa gọi là môn học giúp chúng ta tự nhận thức, đánh giá về mình, hiểu đúng về mình là vô cùng quan trọng.
Nó phải là một tham số hàng đầu khi chúng ta xây dựng bất cứ một cái kế hoạch gì cho một dân tộc. Chứ không phải một dân tộc đi lên bắt đầu từ tiền và tài nguyên đâu. Châu Phi mới là nước giàu tài nguyên còn Nhật Bản là nước cực nghèo về tài nguyên, đến mức không có gì người ta còn bảo chỉ có con người Nhật Bản.
Tài sản quý giá nhất của Nhật Bản chỉ là con người, thế nhưng mà họ đã biết khai thác cái vốn quý nhất đó của họ, trước cái đó họ còn biết họ là ai nữa. Từ những món ăn ông bà họ để lại, từ những kiểu nấu rượu sake người ta bây giờ cũng hiện đại hóa mà vẫn trân trọng cái quy trình tích lũy hàng nghìn năm, cho nên đầu tiên là phải hiểu là cái môn học, khoa học giúp cho một dân tộc tự nhận thức.
Đó đâu phải chỉ các nhà Sử học mới cần! Quan niệm dạy cái này kĩ, dạy cái này sâu dành cho các người về sau thi khối C, cho về sau đi làm nhà Sử học, nhầm! Đấy là quan niệm cực kì sai lầm, mà tiếc rằng có một thời kỳ gần đây thôi cái người quản lý nghĩ như thế, một cái sai hết sức cơ bản.
“Học lịch sử sẽ giúp chúng ta bắc một “ống nhòm” nhìn ra thế giới”
Ngoài ra, việc học lịch sử sẽ giúp chúng ta bắc một “ống nhòm” nhìn ra thế giới, có một lịch sử thế giới, không phải chỉ nhận thức mình mà là học điều khôn tránh điều dại của thế giới. Mình phải biết tại sao cách mạng Minh Trị thành công đem lại như thế, thì phải nghiên cứu nó, nghiên cứu cách mạng Minh Trị.
Tại sao mà những dân tộc kia lầm lũi không phát triển được thì phải nghiên cứu những bài học đó để mà tránh, những cái hay cái khôn, văn minh của nhân loại ấy là chúng ta cũng phải tích hợp vào mình.
Nếu như lịch sử Việt Nam là cái môn học tự nhận thức mình thì lịch sử thế giới là học cái khôn của mọi người, tránh cái dại của mọi người, có cần không quá cần, thế có quay trở lại cần cho ai, cần cho tất cả mọi người.
Anh đi làm toán rồi cũng cần tới nó, anh đi làm kinh tế càng cần cái đó, anh làm chính trị không thể không có cái đó, chứ đâu có phải chỉ dành cho riêng nhà Sử học. Nếu nghĩ ra những kiến thức này chỉ cần cho các nhà sử học lại là một quan niệm cực kỳ sai. Ý nghĩa của môn học này là cần thiết vô cùng cho mỗi một công dân sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Cho nên phải xem xét, nhận xét, nhận định nó, dưới vị trí ấy, góc độ ấy. Chứ đây là môn học, môn học khác cũng quan trọng nhưng không có môn học nào so sánh được với nó như vậy đâu.
Cho nên tại sao tôi mới nói là có 3 môn học rất cần cho việc giáo dưỡng ở cấp phổ thông. Tôi không nhắc nhẹ môn nào nhưng 3 môn không thể không có.
Thứ nhất là Toán, dạy cho người ta tư duy logic biết phản biện chứ không phải dạy cho người ta làm nhà Toán học.
Thứ hai, dạy cho người ta biết nhận thức về bản thân mình, hiểu được thế giới là như nào mở cho người ta một cái tầm nhìn và đặc biệt là dung dưỡng ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước cho một công dân thì đấy là môn Sử.
Thứ ba, là Ngữ văn dạy cho người ta biết nói biết viết, biết thể hiện , diễn đạt. Ba môn đấy là quan trọng hàng đầu là nền tảng không thể môn nào khác chen vào đây được đó là quan điểm của tôi trước sau như một, kể cả nói trước cả nhà lãnh đạo tôi cũng nói như vậy.
Ngoại ngữ mà cho là quan trọng hàng đầu là sai, cả dân tộc này nói tiếng Anh để làm gì? Không bao giờ cả một dân tộc nói tiếng Anh giỏi trong điều kiện như nước ta mà là đấy là chưa kể tạo ra mặt bằng nói tiếng Anh giỏi đấy là không dễ.
Ở trên vùng cao các em học tiếng kinh đã khó rồi, thế mà ra đề thi chung cho cả nước là phải chiếu cố miền núi, thì Hà Nội coi cái đề đấy chẳng là cái gì cả mà nâng cao lên một chút thì kia người ta không làm được. Thế nên tạo ra mặt bằng tiếng Anh là một quan niệm ấu trĩ.
>>> Mời quý độc giả xem video về tuyển sinh quân sự (nguồn Youtube):
Theo Người Đưa Tin