|
Ảnh minh họa. |
Không phải ác đâu, mà chỉ là họ cảnh giác thôi. Ngay bây giờ cũng vậy, nếu có người trông dữ tợn như thế mà đến gõ cửa xin ngủ nhờ thì chắc chắn chẳng ai dám cho vào. Vẫn biết như thế là tàn nhẫn, là không tốt với đồng loại, nhưng biết làm sao được, trước hết ta phải lo đến sự an toàn cho mình. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết "đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng..." đấy thôi.
Cứ bảo thời nay con người vô cảm, hoá ra thời nào cũng thế cả, người ta cũng phải vô cảm để mà sống.
Đi qua một đám đánh nhau, bạn có dám xông vào can không? Thấy kẻ trộm móc túi người bên cạnh, bạn có dám kêu lên? Nếu bạn dám làm, bạn là người thật dũng cảm. Còn nếu không, bạn là người bình thường, mọi người vẫn hành xử như thế cả. Nhưng khổ nỗi chúng ta luôn muốn hành xử như những người dũng cảm, còn trong thực tế lại hành động như những người khác. Hay thành thực mà nói thì nhiều khi ta muốn người khác phải dũng cảm, còn ta có rất nhiều lý do để đứng ngoài. Thành ra ta bị kẹt giữa cái mong muốn và cái thực tế không làm được như thế. Mà trách cứ mình thì khó nên tốt nhất là cứ lên án xã hội.
Vậy xã hội là ai? Xã hội là ta, là những ấn tượng của ta về con người và thế giới xung quanh, là những việc ta làm. Bạn đến một thành phố lạ, nếu chẳng may bị mất trộm hay bị chặt chém, bạn sẽ bảo nơi này thật tồi tệ. Nhưng nếu cũng thành phố đó mà khi đến bạn gặp một người tốt... thì ấn tượng của bạn sẽ khác hẳn. Vì vậy, tốt hay xấu là do những ấn tượng mà ta gặp phải.
Vậy thì, thay vì ngồi than vãn về sự vô tình của người đời, cái điều mà ai cũng có thể thấy, hãy làm những việc tốt mà mình có thể: Từ những việc nhỏ bé như nhặt hộ người đi trước cái mũ bị rơi, đỡ một đứa trẻ bị ngã, nhường chỗ cho một cụ già... cho đến những việc lớn hơn như nhận đỡ đầu cho một đứa trẻ mồ côi để nó có thể đi học tiếp, thăm nom một cụ già neo đơn không con cái... Bạn sẽ thấy trong lòng thanh thản, sẽ thấy người đời không vô cảm.
Minh Anh