|
Ảnh minh họa. |
Phụ huynh ngày nay thật hết lòng hết sức vì sự nghiệp học hành của con. Một yêu cầu nhỏ của con cũng khiến cha mẹ dù bận đến đâu vẫn phải đáp ứng cho bằng được. Nhưng trong các sự đáp ứng vô điều kiện đó của các bậc cha mẹ, có một cái gì đó không ổn.
Như chị phụ huynh đi tìm sách cho con kia, chắc chắn đã vài lần cho con đi biển vậy tại sao phải đi tìm ảnh để con tả biển? Sao không gợi lại cho con những cảnh biển mà nó đã đến, bãi cát trắng ra làm sao, biển xanh thế nào, cảnh bình minh, mặt trời hồng rực nhô lên trên mặt biển, rồi tiếng biển ì ầm, tiếng hàng phi lao lao xao... như một bức tranh sống động và đẹp đến thế. Chứ nhìn vào một bức tranh liệu có gợi cho nó được những cảm xúc như vậy?
Nhưng vấn đề là liệu trong đứa trẻ đã có sẵn những cảm xúc đó chưa để mà gợi lại. Hay với nó biển nào cũng giống biển nào bởi vì mỗi lần đi nghỉ mát bố mẹ nó chỉ quan tâm đến khách sạn thế nào, ăn hải sản ở đâu ngon, có khu vui chơi giải trí nào, trung tâm mua sắm nào... Chẳng ai đánh thức nó vào lúc sáng sớm để ra bãi biển đi đón mặt trời, chạy chân trần trên cát, tìm nhặt những cái vỏ ốc đủ màu sắc...
Chẳng ai có thể làm văn hay nếu không được quan sát và tích luỹ cảm xúc. Ngay đến việc tả con gà, con lợn cũng cần phải cho trẻ được quan sát. Những lần về quê, đi chơi về các trang trại, nếu được người lớn chỉ cho thấy con gà trống khác con gà mái thế nào, gà con lông vàng xinh xắn, đáng yêu làm sao... thì khi phải làm bài nó sẽ nhớ lại những hình ảnh, những cảm xúc lúc đó. Đến ngay cả cơn mưa cũng vậy.
Một năm có biết bao trận mưa, nhưng nếu người lớn không dạy trẻ cách quan sát bầu trời lúc sắp mưa thế nào, giọt mưa rơi vào mái tôn ra làm sao, lá cây ướt nước mưa trông như thế nào... thì đến lúc làm văn nó chỉ còn biết dựa vào văn mẫu mà thôi.
Minh Anh