Có hay không những toan tính để thâu tóm V-League? Những biểu hiện thì đã có, tiếc thay sự ngăn chặn vấn nạn trên là mờ nhạt, nếu không nói là bất lực từ những người có trách nhiệm.
Tài phiệt bóng đá
Lợi thế sở hữu 2 đội bóng cùng chơi một giải đấu đã phát huy tác dụng thế nào, mọi người đã rõ. Nếu tình hình như thế này, chắc chắn phải thời gian không ngắn nữa, 2 đội bóng nhà bầu Hiển (thậm chí là 3, nếu như năm sau QNK.Quảng Nam thăng hạng) mới có nguy cơ tuột chức vô địch V-League. Việc SLNA năm 2011 đăng quang, điềm tĩnh nhìn lại có yếu tố may mắn nhiều hơn, cùng lúc năm đó, cầu thủ SHB.ĐN đỏng đảnh vì những quyền lợi không được đáp ứng. Những đội như B.BD hay thiếu gia mới nổi SG.XT chạy theo 2 đội bóng bầu Hiển bở hơi tai, để rồi vỡ mộng.
|
Bầu Thụy... |
|
...được bầu Hiển (bên trái) truyền cảm hứng để cải biến “một ông chủ 2 đội bóng” thành “một gia đình 2 đội bóng”? |
Chúng tôi lại phải nhắc lại, bầu Hiển không có lỗi, bởi ông đã được tạo cơ chế riêng biệt để đứng trên cả Quy chế và Điều lệ. Cơ chế tâm lý thông thường, ai chẳng muốn được hưởng lợi? Sự buông lỏng trong việc cấm một người sở hữu nhiều đội bóng, đã khiến bóng đá nội đã chuyển dịch sang một giai đoạn mới, rất phức tạp.
Nhiều người bảo giờ đây bóng đá nội đang chịu phủ bóng của bầu Hiển, ĐTQG thì tràn ngập nhân sự của SHB.ĐN và HN.T&T, từ quân cho tới tướng. U23 thì nghe đâu HLV Hoàng Văn Phúc sẽ nắm. Thực ra, khả năng của HLV Hoàng Văn Phúc cũng thường thường bậc trung. Có lẽ, trong bối cảnh này, khó thể sánh với Lê Huỳnh Đức hoặc Nguyễn Hữu Thắng. ĐTQG từ xưa đến nay, trong từng giai đoạn, thường gắn với một “đế chế”, như Thể Công, SLNA, CATP.HCM, ĐT.LA. Nhưng, để dấu ấn sâu đậm như bầu Hiển là không thể sánh, nói vui, chỉ thiếu việc bầu Hiển làm trưởng đoàn nữa, là “đẹp đội hình”!
Bầu Hiển vẫn sẽ tài trợ cho SHB.ĐN, ai làm gì được ông? Đã tài trợ thì thiếu gì cách để SHB.ĐN vẫn được bầu Hiển rót số tiền tương đương, hoặc ít hơn chút đỉnh so với tiền lệ, mà hệ thống luật hiện nay không thể với tới.
Trường hợp bầu Thụy cũng thế. Ông (hoặc người thân) chỉ đứng trên danh nghĩa tài trợ cho N.SG (hoặc Hà Tĩnh nếu địa phương này nhận N.SG), thì đồng nghĩa đạt mục đích như bầu Hiển với SHB.ĐN. Chỉ mỗi việc tìm ra chức danh của ông Thụy để phạt kỷ luật (ông bầu này dùng lời lẽ không đẹp để mắng mỏ tổ trọng tài trận SG.XT-SHB.ĐN), VFF và ban Kỷ luật phải vò đầu, bứt tai.
Sân chơi của bầu Thụy và bầu Hiển?
Chủ ý của bầu Thụy đã rất rõ ràng: phải tạo ra đối trọng với bầu Hiển. Vậy thì, khác gì cả V-League là sân khấu chính của 2 ông? Đặt lên bàn cân, bầu Thụy mùa tới chưa hẳn lép vế bởi sau lưng có “cò” Đại, người có khả năng làm cho tinh thần của cầu thủ đối phương “mềm nhũn ra”, khi cần thiết.
|
Các ông bầu đang biến V-League thành sân chơi riêng? |
Trách nhiệm của BTC giải và VFF là phải tạo ra một hành lang pháp lý đủ chặt chẽ, đủ kỷ cương để cuộc chơi công bằng, thông qua các văn pháp bản pháp quy chạy theo kịp thực tiễn. Nếu thấy bất cập, phải bổ sung vào Quy chế, Điều lệ giải. Cuộc gặp với 28 CLB vào ngày 3/11 tới, nếu nghiêm túc phải cày xới và bổ sung thêm nhiều vấn đề, không riêng gì nguy cơ V-League đang là “trận đấu” của 2 ông chủ nói trên.
V-League có đến 14 đội, bao nhiêu doanh nghiệp, địa phương đổ cả đống tiền mỗi năm. Vậy nhưng, họ biết đích xác nguy cơ sẽ phải làm “quân xanh” cho 4 đội bóng của vài ông bầu là quá cao, vậy thì đá làm gì cho mệt mỏi, tốn tiền?
Thời gian qua, người ta nói nhiều về lợi ích nhóm, nguy cơ thâu tóm ngân hàng. Thực ra, lĩnh vực nào cũng có thể xảy ra 2 nguy cơ trên, bóng đá không là ngoại lệ, nếu không có quản lý, sự giám sát với tinh thần trách nhiệm cao, của bộ phận vĩ mô.
Bóng đá nội giờ lệ thuộc cả vào các ông bầu, đấy là điều không cần phải chứng minh. Vai trò của lãnh đạo địa phương cũng mờ nhạt. Vậy thì, khoảng cách lệ thuộc đến bị chi phối, thậm chí thao túng cả một giải đấu, là nỗi ám ảnh mà những người có trách nhiệm cần nhìn thẳng.
Theo Thể thao & Văn hoá