Chị Quyên quê Vĩnh Phúc, lấy chồng Thái Bình. Nhưng chị đã kéo được chồng về Vĩnh Phúc lập nghiệp, cùng nhau gây dựng gia đình ở đó vì chị đã "trót" ổn định công việc trước anh, "biên chế hẳn hoi, mà mãi mới vào được trong khi chồng tôi học công nghệ thông tin, xin đâu chẳng được việc. Nếu về Thái Bình thì tôi lại dở dang, long đong, nên hai vợ chồng quyết định ở lại quê vợ", chị Quyên chia sẻ.
Chị Quyên bảo, gia đình chị, mọi người vẫn thường đùa không phải là "một chốn đôi nơi mà là một chốn bốn nơi. Chị ở cách nhà mẹ đẻ 30 km, không xa nhưng cũng không đủ gần để ở cùng bố mẹ. Khi chị sinh con, cơ quan cấp cho một gian nhà tập thể 14m2, chị phải thuê người giúp việc theo giờ những khi chị đi làm. Chồng chị làm cách nhà 60 km, cuối tuần mới được về. Kinh tế thiếu thốn, hoàn cảnh neo đơn, vất vả khiến hai vợ chồng chị thường xuyên nảy ra mâu thuẫn, cãi vã. "Nhưng chủ yếu là vì cái tính gia trưởng của anh ấy", chị Quyên nói.
Điển hình nhất là chuyện chồng chị bắt vợ phải về nội ăn Tết, "bỏ qua" nhà ngoại. Chị Quyên kể: "Anh ấy viện cớ là đi lại vất vả, không tiện đường. Hơn nữa là nhà ngoại thi thoảng chúng tôi lại về thăm, còn nhà nội cả năm mới về một, hai lần nên hai vợ chồng sẽ chỉ về ngoại trước Tết sau đó ở nhà nội. Nhưng tôi lúc đó thì thấy anh ấy ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình. Ngày thường khác, ngày Tết khác. Em gái tôi ở miền Nam, chỉ có dịp Tết mới về nhà, chị em hàn huyên... Tôi là con gái đi lấy chồng, nhưng vẫn là con của bố mẹ tôi, Tết tôi cũng muốn đoàn tụ gia đình mình chứ".
Bất bình, nhưng sợ về ngoại một mình thì "ê mặt", chị Quyên đành ngậm ngùi theo chồng về Thái Bình. Tuy nhiên, lên xe, hai vợ chồng chị tiếp tục cãi vã và đỉnh điểm là "anh ấy giáng cho tôi một cái bạt tai nảy lửa trước sự chứng kiến của biết bao người trên xe", chị Quyên ngượng nghịu.
|
Chị Quyên bảo, cố chăm con cho khoẻ để Tết về ông bà mừng. |
"Tôi đã ngộ ra rồi"
Suốt mấy năm liền, chuyện ăn Tết ở nội hay ngoại luôn là nguyên nhân đẩy cao thêm những mâu thuẫn trong gia đình chị Quyên. Nhưng rồi, có một chuyện khiến chị "sực tỉnh". "Đó là khi anh trai tôi cưới vợ, có con, mẹ vợ anh xuống chăm con cho anh, anh và vợ cũng thường xuyên về ngoại, nhà nội thì cả năm về được vài lần. Thế nhưng tới 29 Tết vợ chồng anh mới về nội, mùng 2 đã đi rồi. Nhìn vẻ mặt ngẩn ngơ, buồn bã mà không dám can thiệp của bố mẹ tôi, tôi bỗng nghĩ tới bố mẹ chồng mình".
Chị Quyên bảo, lúc đó chị như người được "giác ngộ", chợt nghĩ thông suốt mọi chuyện. Trong đầu chị chợt hiện ra hình ảnh bố mẹ chồng tuổi cao, rơi nước mắt khi đón con cháu về. Ông bị tai biến chân run rẩy vẫn đẩy xe cút kít cho cháu cười vang quanh sân... "So với ông bà, bố mẹ tôi tuổi trẻ hơn rất nhiều. Có thể ông bà chẳng sống được bao lâu nữa... tôi bỗng thấy chồng tôi nói đúng, anh không ích kỷ, thậm chí tôi còn thấy mừng vì anh đã thể hiện là một người con có hiếu".
Từ đó, 5 năm qua, Tết nào gia đình chị cũng về nội "trong hòa bình". Và thật bất ngờ, chính điều đó đã khiến tình cảm giữa hai vợ chồng gắn kết hơn. "Tết này 28 chúng tôi cũng sẽ về Thái Bình. Được cái ông bà ngoại cũng thông cảm cho các con, dặn ra giêng lúc nào rảnh về cũng được. Nhưng năm nay chắc khoảng mùng 6 là chúng tôi về ngoại rồi, mùng 8 đi làm", chị Quyên vui vẻ.
Tâm lý chung Tết ai cũng muốn được về nhà mình, nhưng còn tùy hoàn cảnh và cái chính là mỗi người cần phải nghĩ cho nhau. Nếu ai cũng cố gắng giật phần thắng về mình, khiến vợ chồng lục đục, cãi vã thì kết quả thế nào cũng đâu còn ý nghĩa gì. Dù có ăn Tết ở đâu cũng chẳng còn vui nữa. |
TIN LIÊN QUAN
TIN ĐỌC NHIỀU
Mai Loan