Em gái chồng tôi năm nay 23 tuổi, đã đi làm. Khi cưới, vợ chồng chúng tôi tích cóp có mua được một căn hộ tập thể nhỏ. Chồng tôi bàn với tôi rủ cô em về sống chung, em vừa đỡ tiền thuê nhà, tình cảm gia đình thắt chặt. Nhưng cô em chồng tôi rất lười, hầu như không đụng tay vào việc gì. Đã thế em còn có tính ăn cắp vặt.
Tôi mất nhiều thứ, toàn những thứ lặt vặt, rồi vô tình lại thấy trong túi xách của em (từ đây tôi cho rằng những lần tôi mất tiền em cũng là thủ phạm). Nhưng chồng tôi lại luôn bênh em, bảo rằng tôi vu khống, phủ nhận tất cả những gì tôi nói khiến tôi rất uất ức. Hiện tôi rất muốn em chồng tôi dọn ra ngoài ở, nhưng không biết làm thế nào để vợ chồng không xung đột và tôi cũng không mang tiếng đuổi em? - Nguyễn Cẩm Thúy (Hà Nội).
|
Ảnh minh họa. |
Trả lời: Cẩm Thúy thân, trong trái tim mỗi người luôn có một góc thiêng liêng dành cho những người ruột thịt. Tình cảm này khiến người ta dễ rơi vào việc thiếu khách quan khi nhìn nhận những lỗi lầm người thân của mình. Với một người thương em gái như chồng bạn thì điều này càng dễ xảy ra.
Hơn nữa, khi mời em gái về sống chung nhà, mục đích của anh ấy là để thắt chặt thêm tình cảm gia đình, cho nên, sự phản ứng của anh ấy với lời "tố cáo" của bạn một phần còn xuất phát từ nguyên nhân sợ sự đổ vỡ mối quan hệ anh chị em trong nhà.
Chính vì vậy, bạn không nên cố gắng hơn - thua, buộc anh ấy phải thừa nhận những tính xấu của cô em gái và đẩy em ra khỏi nhà. Bạn hãy thể hiện sự bao dung của một người chị, tìm những bằng chứng chứng minh với chồng là bạn không nói dối. Tuy nhiên, hãy để cho anh ấy quyết định xem nên làm gì, có góp ý thẳng với em không hay tìm cách khác.
Và đặc biệt không nên coi đây là cái cớ để đuổi em ra khỏi nhà, sẽ khiến chồng bạn cho rằng bạn là người ích kỷ, hẹp hòi, mối quan hệ vợ chồng xấu đi.
Tri Giao