Một năm đổ 200 triệu đồng làm trực thăng nhích được... 50cm
Sau những phiền toái khi bị công an tới lập biên bản về việc chế tạo trực thăng, người thợ sửa xe đam mê chế tạo trực thăng cho biết, sắp tới, anh vẫn rót tiếp 100 triệu đồng để tiếp tục chế tạo trực thăng sau khi đã có giấy phép.
Gió ù ù thổi, gió rít lên từng cơn, cả khoảng không bị bạt đi bởi gió. Trong đám cỏ bị gió thổi bạt nhìn rõ từng rễ cây cỏ trắng toát - đấy là khi chiếc trực thăng có buồng lái chỉ vỏn vẹn bằng chiếc bàn đang khởi động cánh quạt. Chỉ vài phút sau, khi cánh quạt đã chuyển động nhanh hơn thì đầu chiếc trực thăng được nhấc bổng lên cách mặt đất khoảng 50cm. Rồi trong tích tắc, nó bất ngờ đổ rầm xuống.
Đây là lần thứ ba chiếc trực thăng mini của anh Thắng được đưa ra thử nghiệm. Hai lần trước đã thất bại, lần này vẫn… chưa thành công!
“Giấc mơ bay” của anh Nguyễn Văn Thắng (phố Gia Quất, Long Biên, Hà Nội) được hình thành cách đây một năm.“Trực thăng của tôi cao 2,6m, dài 6,8m, có trọng lượng 185kg, với động cơ 38kW vốn là động cơ ôtô cũ. Vận tốc cất cánh của máy bay là 700 vòng trên phút, sải cánh dài 5,6m” - chủ nhân của chiếc trực thăng nói.
|
Anh Thắng ngồi trong chiếc trực thăng do mình chế tạo. |
Nhìn từ bên ngoài, buồng lái của chiếc trực thăng chỉ vỏn vẹn bằng chiếc bàn con dựng đứng, đủ cho một người chui vào. Phía trước mặt buồng lái là ba chiếc đồng hồ, hai bên tay là hai cần gạt. Anh Thắng nói, ngoài động cơ của ôtô cũ thì tất cả các bộ phận khác của trực thăng đều chế tạo thủ công.
“Trong 3 tháng kể từ khi có ý tưởng làm, phải mất nhiều công đoạn, hàng trăm chi tiết khác nhau. Trước tiên tôi đã phác họa hình ảnh chiếc trực thăng ra giấy, sau đó liệt kê các dụng cụ cần mua, nhiều thứ không mua được thì phải tự gò, hàn”, anh Thắng cho biết.
Sau 3 tháng miệt mài, chiếc trực thăng đã hoàn thiện với tổng chi phí gần 200 triệu đồng. Khi được hỏi về việc ôm tiền túi đốt gần 200 triệu đồng để có được “một động cơ bay nhác nhác giống chiếc trực thăng”, anh Thắng chia sẻ: “Ai gặp cũng hỏi tôi định làm gì với chiếc trực thăng này. Tôi thì nghĩ, mình thích thì làm thôi, tôi tự bỏ tiền ra, chẳng đi xin ai để làm. Còn sau này thành công để làm gì à? Hiện tại vẫn chưa thành công nên chưa nói được. Còn trực thăng dân dụng thì ứng dụng nhiều thứ lắm, khi nào bay được rồi tính tiếp".
Xin cấp phép xong sẽ rót tiếp 100 triệu đồng
Anh Nguyễn Văn Thắng mới học hết lớp 9, vốn là thợ sửa và buôn xe máy cũ. Số tiền để đầu tư vào giấc mơ bay là khoản tiền kiếm được từ xưởng sửa xe nhỏ ở ngay trong sân nhà. Sự việc anh Thắng làm trực thăng đã được biết đến từ lâu. Lần gần nhất, vào mồng 7 Tết đại diện của bên Quân chủng Phòng không Không quân cũng đến nhà anh chúc tết và có gợi ý anh viết dự án để được hỗ trợ. Nhưng anh từ chối.
Mọi chuyện đang diễn ra bình thường với chiếc trực thăng đang chế tạo dang dở thì bất ngờ cuối tháng 2, công an khu vực xuống kiểm tra chiếc trực thăng của anh Thắng. Sau đó một ngày, công an quận cũng xuống lập biên bản và bắt anh Thẳng viết cam kết “không nghiên cứu và thử nghiệm chế tạo máy bay nữa”.
Nói về lần kiểm tra đột xuất của công an quận, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, công an quận không cấm chuyện chế tạo máy bay, nhưng khi muốn thử nghiệm bay trên không, bắt buộc anh Thắng phải có giấy phép của Quân chủng phòng không không quân. “Khi nào có đủ hồ sơ, được cấp giấy phép lúc đó anh Thắng hoàn toàn có quyền được chế tạo, thử nghiệm mà không ai cấm”, ông Quân nói.
Trao đổi với PV Lao Động sau lần bị công an tới lập biên bản, anh Thắng cho biết bên Quân chủng Phòng không Không quân cũng đã liên hệ với anh về việc xin cấp phép chế tạo và thử nghiệm bay. “Bên Phòng không bảo tôi làm hồ sơ để cấp phép chế tạo. Hồ sơ phải có bản vẽ thông số kỹ thuật, rồi thuyết trình về hồ sơ nữa. Tôi từ trước tới nay chỉ biết đến máy móc, chưa bao giờ làm những việc thế này nên cũng chưa biết tiến hành thế nào. Sắp tới tôi sẽ gặp bên Phòng không Không quân để hỏi rõ hơn”.
Vừa nhìn chiếc trực thăng đang nằm im lìm trong góc nhà xưởng khi cánh quạt đã bị tháo xuống sau lệnh cấm của công an, anh Thắng vừa tiếp tục câu chuyện chế tạo với giọng điệu đầy đam mê như thể ngay ngày mai, khi lắp cánh quạt là nó sẽ bay lượn kiêu hãnh trên bầu trời. Người thợ sửa xe máy chế tạo máy bay cho hay sau khi xin được giấy phép chế tạo xong, anh sẽ đổ vào hơn 100 triệu đồng nữa để thay động cơ cho máy bay, sau đó sẽ tiếp tục bay thử nghiệm.
“Tôi tính rồi, chỉ cần chiếc trực thăng giữ thăng bằng lơ lửng được 15 đến 20 phút là đã thành công. Còn việc chỉnh hướng bay thực ra rất đơn giản”.
Thông Chí (theo LĐ)