Giảm lệ phí trước bạ xuống 10-15%
Mới đây, một loạt các luật mới đã làm "nóng" thị trường ô tô Việt Nam. Giới chuyên gia dự báo sản lượng bán hàng toàn thị trường ô tô trong nước năm 2013 có thể đạt đến 108.000 xe, tăng 8.000 chiếc so với dự kiến ban đầu nhờ phản ứng tốt từ việc điều chỉnh lệ phí trước bạ của Chính phủ.
Theo đó, ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã ký ban hành Thông tư số 34/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 124/2011/TT-BTC ngày 31/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ. Theo thông tư số 34, kể từ ngày 1/4/2013, ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%. Tùy điều kiện từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung (tức là 15%).
Thực hiện quy định này, ngày 29/3, UBND TP Hà Nội đã có công văn về việc điều chỉnh lệ phí trước bạ. Cụ thể, kể từ ngày 1/4/2013, trên địa bàn thành phố sẽ áp dụng mức thu lệ phí trước bạ lần đầu là 15% đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe).
|
Ảnh minh họa: Internet |
Khi quy định này đi vào thực tế, tổng sản lượng
bán ô tô trên toàn thị trường tháng 5/2013 đạt 9.731 xe, tăng 11% so với tháng 4 và tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo sản lượng bán hàng tháng 6 sẽ tiếp tục khả quan, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Hầu hết các đại lý bán lẻ ô tô đều cho biết, sản lượng bán hàng trong tháng 5 tăng đột biến sau quyết định giảm lệ phí trước bạ xuống còn 10-15%. Giới kinh doanh ô tô cho rằng trong thời gian tới, sản lượng bán hàng có thể còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa, nhất là sau khi các địa phương áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%.
Giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% vào năm 2018
Trong cuộc họp về chiến lược phát triển công nghiệp ôtô từ nay tới năm 2020, tầm nhìn 2030, nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã thống nhất phương án về thuế và phí ôtô để trình lên Chính phủ xem xét.
Với phân khúc xe dưới 10 chỗ, giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký lần đầu. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dưới 10 chỗ, trừ loại chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện, năng lượng sinh học dao động từ 45-60%, cao nhất trong các dòng xe. Trong khi đó, lệ phí trước bạ với ô tô đăng ký lần đầu là 10-15%, từ lần thứ hai trở đi áp mức 2%.
Theo cam kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô con sẽ giảm về 0%. Hiện Bộ Tài chính đã công bố lộ trình giảm thuế đến năm 2014, trong đó năm 2013 sẽ còn 60%, năm 2014 là 50%. Đối với giai đoạn 2015 đến năm 2018, dự kiến phương án giảm dần đều là 35% vào năm 2015, 20% vào năm 2016, 10% vào năm 2017 và 0% vào năm 2018.
Một số chuyên gia lo ngại rằng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời và hợp lý, Việt Nam sẽ trở thành thị trường nhập khẩu ô tô khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong Asean về 0% vào năm 2018, dẫn tới gia tăng áp lực nhập siêu cho nền kinh tế. Do vậy, phương án giảm mạnh thuế phí nhằm phát triển dung lượng thị trường, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô rất cần được quyết định sớm. Các chuyên gia nhận định, với dung lượng thị trường có được từ việc thực hiện giảm mạnh các loại thuế, phí sẽ đủ sức "níu chân" các hãng xe lớn ở lại sản xuất thay vì chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn. Thậm chí Việt nam có thể đạt mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm sản xuất, xuất khẩu ô tô của khu vực Asean, chia sẻ với Thái Lan và Indonesia.
Tăng phí đường bộ đối với ô tô lên 3,5 lần
Theo dự thảo thông tư về phí đường bộ vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, lộ trình từ nay đến năm 2016, mức phí đường bộ đối với ô tô sẽ tăng dần từ 2 - 3,5 lần so với hiện nay.
Theo dự thảo thông tư của Bộ Tài chính, các tuyến đường đầu tư theo hình thức liên doanh (nhà nước kết hợp tư nhân), BOT được phép thu phí. Đáng chú ý, trường hợp dự án đầu tư xây dựng một tuyến đường mà tuyến đường này có ít nhất một tuyến khác song song, nhà đầu tư còn được tự quyết định mức thu phí hoàn vốn dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo lộ trình, năm 2013 sẽ áp dụng mức thu tối đa không quá 2 lần mức thu tối thiểu khung; năm 2014 mức thu tăng lên 2,5 lần mức khung (riêng nhóm xe container không quá 2 lần); năm 2015 tăng lên 3 lần (nhóm container không quá 180.000 đồng/vé lượt) và từ năm 2016 trở đi áp dụng mức thu kịch trần (3,5 lần).
Cụ thể, xe chở người dưới 10 chỗ mức thu từ 10.000 đồng/lượt hiện nay sẽ lần lượt tăng lên 20.000 - 25.000 - 30.000 - 35.000 đồng/lượt theo lộ trình đến năm 2016. Chịu phí nặng nhất là nhóm xe tải, xe chở hàng bằng container và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên với mức phí tăng kịch khung là 200.000 đồng/vé/lượt vào năm 2016.
Các chuyên gia nhận định, nếu mức thu phí được áp dụng như dự thảo thông tư này, thì doanh nghiệp cả nước càng thêm khốn đốn, bởi mức thu chung áp dụng cho tất cả các trạm BOT sẽ tăng lên đồng loạt. Một số chuyên gia cũng cho rằng, nên xem xét giãn các thời điểm tăng phí đường bộ, vì mức phí tăng lên dần theo các năm như lộ trình thông tư đưa ra là quá gần và dồn dập. Việc thu hút BOT để đầu tư xây dựng hạ tầng là cần thiết, tuy nhiên, cần phải giám sát chặt chẽ với việc thực hiện các dự án BOT, xác định rõ suất đầu tư, từ đó xác định mức thu hợp lý đảm bảo cho nhà đầu tư hoàn vốn và có lãi. Theo luật sư Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TP.HCM, không nên đặt nặng lợi ích riêng của nhà đầu tư BOT mà chấp thuận mức thu phí giao thông quá cao vượt quá khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp. Về lâu dài, cũng chỉ nên tăng phí giao thông đường bộ ở mức hợp lý, khoảng 1,5 lần so với hiện nay để giúp cho doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.
Siết chặt ô tô hồi hương
Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính công bố ngày 10/6 về quản lý việc nhập khẩu ô tô, mô tô theo dạng “hồi hương” nhằm siết lại loại hình nhập khẩu này.
|
Ảnh: Pháp luật TP.HCM |
Theo dự thảo này, Việt kiều được nhập về nước một chiếc ô tô, mô tô. Xe ô tô phải đăng ký lưu hành ở nước ngoài trước thời điểm Việt kiều hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam; xe ô tô sản xuất không quá năm năm tính đến thời điểm về đến cảng (với mô tô là ba năm). Đặc biệt, dự thảo này siết lại chính sách nhập khi yêu cầu Việt kiều phải tự mình làm thủ tục nhập xe “hồi hương” chứ không được ủy quyền cho người khác.
Trường hợp ô tô, mô tô nhập khẩu theo dạng “hồi hương” mà bị phát hiện không đủ điều kiện nhập khẩu thì Việt kiều phải tái xuất xe. Nếu muốn tiếp tục để xe ở Việt Nam thì Việt kiều phải nộp đủ các loại thuế như khi nhập xe ô tô đã qua sử dụng.
Trao đổi với báo giới, Phó tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, với những trường hợp nhập xe siêu sang về Việt Nam dưới danh nghĩa Việt kiều hồi hương cơ quan phụ trách trực tiếp xử lý là Cục Điều tra chống buôn lậu. Nếu chủ xe nhập khẩu không đúng tiêu chuẩn, giả mạo giấy tờ để được nhập khẩu theo tiêu chuẩn Việt kiều hồi hương sẽ bị xử lý nghiêm. Các tang vật là ô tô nhập sai quy định sẽ xem xét tịch thu, truy thu thuế. Các đối tượng làm giả mạo, buôn lậu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Minh Phương (Tổng hợp)