Tiền nào của nấy?
Câu nói “Tiền nào của nấy” phổ biến hàng ngày trong suy nghĩ nhiều người, nhất là trong một xã hội kinh tế thị trường mà kẻ ngớ ngẩn thì ít và người khôn thì nhiều, bởi vậy lấy đâu ra một món hàng hời. Thế nhưng trong lĩnh vực xe hơi tại Việt Nam thì câu nói ấy nhiều khi phải xem lại, đặc biệt trong phân khúc xe sang đã qua sử dụng.
Trên thực tế, nhiều người bán và mua những chiếc xe này biết rất rõ giá trị sử dụng còn lại của nó, thế nhưng trong những cuộc giao dịch, phần hời luôn nghiêng về phía kẻ mua nếu có chút kỹ năng đàm phán, nghĩa là người mua bỏ số tiền thấp hơn giá trị thực của chiếc xe (mà đáng lẽ ra với khoản tiền đó chỉ mua được một chiếc xe thua kém về trang bị và công nghệ). Ngược lại kẻ bán biết rất rõ chiếc xe giao dịch dưới giá trị thực nhưng vẫn tặc lưỡi vui vẻ thầm trong lòng “thôi thế là tốt rồi”.
Một chiếc xe hạng trung BMW 325i đời 2005 giá tầm hơn 430 triệu VND, hoặc chiếc Mercedes-Benz C200 đời 2005 cũng chỉ tầm 450 triệu VND. Nhưng nực cười ở chỗ giá của những chiếc xe trên lại thấp hơn một chiếc Corolla Altis đời 2005 vài chục triệu trên thị trường xe cũ, trong khi nếu so sánh giá mới ở thời điểm trước thì BMW 325i hoặc Mercedes C200 có giá gần gấp đôi Toyota Altis. Về độ an toàn, trang bị lẫn cảm giác lái thì có sự chênh lệch khá lớn, ấy thế mà những chiếc xe sang cũ vẫn được liệt vào loại hàng khó bán, dễ tồn kho, nhận được sự thờ ơ từ người tiêu dùng và cứ thế dẫn thân vào đường mòn xe sang mặc nhiên phải mất giá nhiều khi đã cũ.
Một chiếc xe Camry LE hoặc XLE đời 2013 nhập khẩu được bán với giá hiện tại cao hơn từ 200 - 300 triệu VND so với những chiếc BMW 320i hoặc Mercedes-Benz C250 đời 2013. Và nếu so sánh những chiếc xe đã qua sử dụng kể trên thì Camry vẫn giữ được phong độ về giá khi nó vẫn nhỉnh hơn từ 200 - 250 triệu VND so với các xe cùng đời 2009.
Ở một phân khúc khác của dòng SUV, Mercedes- Benz ML350 đời 2013 có giá bán 3,39 tỷ VND, còn Honda CR-V 2013 bản 2.4L có giá bán 1,14 tỷ VND, suy ra hai chiếc xe có giá chênh nhau 3 lần. Tuy nhiên, khi lấy hai chiếc xe này đã qua sử dụng để so sánh giá thì lại rất thú vị vì CR-V 2008 sở hữu mức giá khoảng 820 triệu VND, trong khi Mercedes ML350 đời 2008 giá cũng chỉ gần 1,3 tỷ VND.
Một số so sánh trên đã cho chúng ta thấy giá trị của xe sang sau khi sử dụng, rất là đặc trưng kiểu Việt Nam. Nghịch lý này tất nhiên được hình thành và chịu tác động của nhiều vấn đề trong quá trình sử dụng, sửa chữa bảo trì, tâm lý tiêu dùng, chính sách nhập khẩu,... để rồi chúng ta cứ đưa ra câu hỏi rằng bao giờ mới hết nghịch lý này.
|
Về độ an toàn, trang bị lẫn cảm giác lái thì có sự chênh lệch khá lớn, nhưng những chiếc xe sang cũ vẫn được liệt vào loại hàng khó bán |
Đi tìm lời giải
Đối với phần lớn người sử dụng xe hơi ở Việt Nam, xe hơi là một tài sản lớn, mặc dù nó được liệt vào loại tiêu sản (giá trị giảm theo thời gian cộng với chi phí thường xuyên cho chiếc xe). Rất ít người coi nó là một phương tiện đi lại phổ dụng. Cũng chính vì lý do này mà phần đông những người muốn sở hữu một chiếc xe hơi đều tính toán sao cho chi phí đầu tư cho nó phải kinh tế, nghĩa là sự hao hụt giá trị theo thời gian sau khi sử dụng cộng chi phí sử dụng phải là thấp nhất.
Cũng do đó mà giá trị hữu dụng của một chiếc xe đã qua sử dụng nhiều lúc lại do tính thanh khoản cao của nó quyết định, chứ không phải là những thứ công nghệ tiện ích và an toàn được gắn trên một chiếc xe tuy nó đã cũ nhưng vẫn còn hoạt động tốt. Người tiêu dùng ai cũng biết chất lượng của những chiếc xe đến từ Đức, Mỹ hoặc châu Âu “ăn đứt” chất lượng và độ an toàn của những hãng xe châu Á. Ấy vậy mà khi những chiếc xe đã qua sử dụng lại có giá mềm đến độ thua kém cả những chiếc xe phổ thông xoàng xĩnh.
Chi phí để nuôi và sửa chữa những chiếc xe sang ở Việt Nam là một trở ngại lớn. Điều này khiến các xe phổ thông dù cũ vẫn làm mưa làm gió về giá và khi đó số phận những chiếc xe hạng sang bị lép vế.
Thực tế là xe sang vẫn tiêu thụ tốt tại Việt Nam, nhưng chỉ là phân khúc xe mới được giới chủ doanh nghiệp, hoặc người có thu nhập khá mua và chỉ sử dụng trong khoảng 3 - 4 năm đầu, sau đó sẽ bán đi chứ không giữ lại sử dụng tiếp để tránh phải đổ chi phí vào những đợt bảo trì lớn (80.000 – 100.000km) với chi phí có thể rất tốn kém. Nhiều khi cầm bảng báo giá từ các hãng xe sang mà chủ xe hoa cả mắt, ngay cả giới có tiền đi chăng nữa cũng phải gãi đầu.
Chẳng hạn như lọc gió động cơ của mẫu E280 cũng có giá lên tới hơn 3 triệu VND, và một lần thay dầu hộp số của mẫu xe này cũng tốn tới gần 6 triệu VND, hoặc một lần thay cao su chân máy (2 chiếc) cũng ngốn của chủ xe gần 10 triệu VND… Trong khi đó, những chiếc xe phổ thông hoặc thuộc về những nhãn hiệu bình dân, trong thời gian bảo hành chi phí chủ xe phải bỏ ra là không đáng kể và ngay cả lúc hết bảo hành thì chi phí thay thế phụ tùng cũng không thuộc vào loại “ác mộng”.
Chi phí nhiên liệu ngày càng tăng cũng là một trong nhiều lý do tạo nên sự chênh lệch nhiều giữa các loại xe sang và xe phổ thông. Ví dụ cùng một dòng xe nhưng phiên bản sử dụng động cơ có dung tích lớn hơn thì có chi phí tốn kém hơn, đó là điều hiển nhiên và hợp lý đối với người có tiền muốn chạy xe mạnh.
Nhưng chính phần gia tăng dung tích động cơ này lại là một trở ngại khiến cho chiếc xe khi càng có tuổi sẽ càng bị mất giá. Một vấn đề khác nảy sinh là phụ tùng thay thế cho các loại xe sang rất đắt đỏ, và không thường xuyên có sẵn nếu như những đời xe đó không còn được bán trong showroom của hãng. Vì vậy, chủ nhân của những dòng xe này nhiều khi phải đánh cược đặt mua ở ngoài trong khi không chắc lắm về chất lượng.
Với nhiều xe sang, chi phí mua một món đồ thay thế cho xe đời thấp đôi khi lại có giá cao hơn với cùng món đồ đó ở một xe đời cao. Đơn cử như một đôi gương của Mercedes-Benz C-class đời 2005 có giá khoảng 15 triệu VND, trong khi đôi gương của C-class đời 2012 chỉ khoảng 10 triệu VND.
Nếu hỏi 10 người về cảm nhận của họ khi điều khiển dòng xe sang thì đều có chung câu trả lời là rất tuyệt, nhưng khoản sửa chữa và bảo trì thì kinh khủng. Riêng với dòng xe phổ thông thì khoản sửa chữa, bảo dưỡng khá hợp lý, bất chấp còn bảo hành hay không. Vì vậy, nó vẫn được số đông chấp nhận sử dụng vì tính phổ biến và có tính thanh khoản tốt.
Phần lớn những dòng xe sang cho dù đời thấp từ 2000 trở lên mà có hư hỏng liên quan đến động cơ, hệ thống điện,... thì đều phải tìm vào hãng sửa chữa và bảo trì, chứ nhiều gara ngoài chưa đủ trình độ để khắc phục những hỏng hóc này (chỉ có thể làm đồng và sơn). Chính vì vậy, đã có không ít trường hợp “sống dở chết dở” chỉ vì cứ sửa được bệnh nọ thì lại phát sinh tật kia mà không thể giải quyết triệt để.
Những vấn đề trên là ngọn nguồn của việc tại sao xe sang ở Việt Nam sau khi sử dụng trên 2-3 năm lại mất giá hơn những dòng xe phổ thông, ngược lại những dòng xe phổ thông sử dụng chán chê mà khi bán chỉ lỗ một khoản nhỏ không đáng so với sự phục vụ của nó. Cá biệt có những mẫu xe sau khi sử dụng 1-2 năm bán còn huề hoặc có lời.
Nghịch lý xe sang mất giá rồi sẽ theo quy luật mai một dần khi thị trường có sự cạnh tranh và tham gia của nhiều nhà cung cấp dịch vụ và phụ tùng. Hơn ai hết, người tiêu dùng khi đạt đến một ngưỡng khó tính và ý thức được giá trị thực sự của một chiếc xe hơi, thì khi đó giá trị của xe sang sau khi sử dụng sẽ được giao dịch đúng với giá trị thực của nó.
Còn hiện tại, những ai am hiểu và nhạy bén thì việc có một chiếc xe sang giá bèo là hoàn toàn nằm trong tầm tay, miễn là bạn chấp nhận sống chung với những chi phí cho nó, và ngược lại sự phục vụ của nó đối với bạn thì hơn hẳn những chiếc xe hạng phổ thông.
Quốc Huy (Autocar)