Ngày 12/2, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi các Sở, ban ngành Thành phố về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải, an toàn giao thông và trật tự đô thị.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở Giao thông Vận tải xác định các chỉ tiêu, mục tiêu định hướng và các giải pháp giảm phương tiện cá nhân trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2014 – 2015 và đến năm 2020, trình UBND Thành phố ngay trong quý II/2014.
|
Hà Nội sắp có dịch vụ xe đạp công cộng. |
Sở này cũng được Phó Chủ tịch Thành phố giao nhiệm vụ nghiên cứu áp dụng các phương thức, mô hình phù hợp và các cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa như xe buýt, v.v.. trình UBND Thành phố trong quý II/2014, đồng thời nghiên cứu, xây dựng Đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố. Kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm Thành phố; đề xuất báo cáo UBND Thành phố trong tháng 3/2014, UBND Thành phố sẽ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải trong tháng 4/2014, thực hiện từ quý III/2014.
Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải được phó Chủ tịch giao nhiệmvụ nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm Thành phố, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 5/2014, đồng thời phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Giao thông Vận tải để triển khai Đề án hoàn thiện mô hình tổ chức cơ quan quản lý vận tải công cộng của địa phương để thống nhất điều tiết giữa các phương thức vận tải; Báo cáo UBND Thành phố trong quý II/2014.
Ông Khôi cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải khẩn trương lập quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND Thành phố phê duyệt nhiệm vụ. Song song với đó, kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ phương tiện, lái xe vi phạm trong kinh doanh vận tải, vi phạm trật tự an toàn giao thông và an ninh đô thị.
Cũng liên quan đến vấn đề giao thông và trật tự đô thị, Phó Chủ tịch Thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về việc giải quyết các thủ tục địa điểm để thực hiện giải pháp di dời một số cơ sở sản xuất, trường học, cơ sở y tế theo quy hoạch; phối hợp với các Sở, ngành giải quyết các địa điểm để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải theo mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch.
Trong khi đó, Sở Xây dựng có nhiệm vụ xây dựng tiêu chí cụ thể cho các tuyến đường phố văn minh đô thị; làm việc với các quận, huyện để lập danh mục các tuyến đường phố văn minh đô thị, trình UBND Thành phố trong tháng 2/2014.
Công an Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải; tổ chức thực hiện việc xử lý vi phạm được phát hiện qua hệ thông camera giao thông; trình Đề án thí điểm về quản lý phương tiện theo công nghệ mới trên một số tuyến đường phố.
Trước đó, hôm 27/1, theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ xác định các chỉ tiêu, mục tiêu định hướng cho việc giảm phương tiện cá nhân trên địa bàn, đồng thời nghiên cứu áp dụng các phương thức, mô hình phù hợp để đẩy mạnh xã hội hóa như xe buýt, camera giao thông…
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với Bộ Giao thông xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm Thành phố, trong đó có việc triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong trung tâm Thành phố.
Theo VNmedia