Dân chơi nổi loạn với xe máy “khủng” không giấy tờ

Google News

Xe "no PP" - (không giấy tờ - PV) đang là thú chơi mới của dân chơi Hà thành. Nó không chỉ có giá bèo mà còn là của hiếm.  

Ra đường, chỉ cần nhìn hình dáng, nghe tiếng nổ bô của những con xe "dị", dân sành biết ngay đó là xe chính chủ hay xe "nhảy". Giới "nghiền" xe độc cho rằng, chỉ trong dòng xe "no PP" thì họ mới khai quật được những chiếc mô tô đã biến mất ở Việt Nam hàng chục năm qua. Tuy nhiên, bất chấp vi phạm pháp luật, những tín đồ của thú chơi này vẫn muốn "lên đai" đẳng cấp cùng xe không nguồn gốc.

  Một xe không giấy tờ được rao bán.

Những ổ xe không "giấy khai sinh" trên mạng

Trong giới chơi xe không giấy tờ, ai cũng biết đến hai trang web, muare… và xomco.cn. Hàng ngày, có hàng ngàn  thành viên thản nhiên rao bán xe không giấy tờ trong đó có những chiếc xe nhập lậu. Đây được coi là hai "trung tâm mua sắm" của những tín đồ mê xe "no PP". Theo một số điện thoại liên hệ trên trang xomco.vn, chúng tôi tìm cách liên hệ với một "chủ thớt" (người rao bán - PV) đang quảng cáo chiếc xe cổ Honda CD125. Từ đầu dây bên kia, một nam thanh niên với giọng ngái ngủ bắt máy. Khi thấy PV hỏi về chiếc xe Honda CD125, người này bỗng giật mình. Anh ta hỏi dồn dập vì sao chúng tôi biết đang cần bán xe mà quen thành viên nào trên diễn đàn. Sau phần tra hỏi, thấy an toàn, người này mới cho địa chỉ, bảo chúng tôi đến "check hàng" vào ban đêm.

Theo lời chỉ đường tận tình của thanh niên kia, chúng tôi tìm đến con ngõ nhỏ trên đường Định Công (Thanh Xuân, Hà Nội). Có lẽ để thử thách sự "chân thành" của PV, sau hai lần lỡ hẹn, người này mới đồng ý gặp PV. Trước mặt chúng tôi là người đã rao bán chiếc xe không phép trên mạng. Khi chúng tôi vừa ngồi xuống ghế, gã đặt vấn đề: "Em tên Minh, đang đặt mua "con" Vespa 100 từ "bển" về nên cần bán gấp "em" này để gom tiền lấy hàng. Tính em mua nhanh, bán nhanh, các anh không cần mặc cả. "Hàng" thì tí nữa các anh sẽ được tận mục sở thị. Đây là hàng độc ở Việt Nam. Nó "tuyệt chủng" gần 10 năm nay rồi. Từ khi mua về, em chỉ "độ" lại cái đèn cho sáng chứ chưa phải sửa sang gì cả".

Minh dẫn chúng tôi vào trong buồng ngủ của gã rồi bật điện để cho khách "check hàng". Ở chính giữa căn phòng là một chiếc xe màu đen, bạc được đánh chân chống giữa vẫn còn mới. Minh bảo: "Xe còn nguyên bản đấy anh à. Một vết xước cũng không có. Em đi giữ xe lắm. Nếu anh "kết" thì em lấy 60 đồng (60 triệu đồng - PV). Thanh toán nhanh em sẽ giảm cho một ít gọi là tiền xăng xe, thuốc nước". Tôi hỏi chiếc xe này mua ở đâu, Minh thủ thỉ: "Muốn mua những chiếc xe "độc" tận nơi xuất không phải là chuyện dễ. Hầu hết nhưng chiếc xe như thế này đều nhập từ Lào về. Sau khi có "ảnh" xe gửi về, anh chọn con nào theo mã số rồi gửi gmail qua cho họ. Chỉ mấy ngày sau, "hàng" sẽ có mặt ở phố xe Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội). Xe hầu hết được vận chuyển qua đường tiểu ngạch". Tôi ngỏ ý muốn Minh cho số điện thoại của mấy gã đầu nậu ở biên giới thì gã này nhìn bằng ánh mắt dò xét: "Phải là khách quen thì họ mới nghe điện thoại và đồng ý "bắt" hàng".

Theo lời gã này, ai đã có gan chơi loại xe này thì phải biết chấp nhận rủi ro. Nghĩa là ra đường được người khác lác mắt nhìn thì cũng phải đối diện với công an. Minh tiết lộ: "Đi xe "no PP", anh lúc nào cũng phải có mũ bảo hiểm trên đầu và tuân thủ luật giao thông. Chỉ cần vi phạm, bị bắt về đồn coi như mất xe. Tuy nhiên, với những công an dễ tính thì cũng không thành vấn đề. Khi bị bắt cứ nói em quên giấy tờ ở nhà, chịu nộp phạt là ok". Được biết chiếc Vespa 100 mà Minh đang đặt từ Campuchia về  có giá 95 triệu đồng. Gã trai này bảo, hiện nay ở Hà Nội chỉ có 3 chiếc xe này. Tuy nhiên, cả 3 đều bị "liệt" và đang làm cảnh ở những quán cà phê.

 Xe không giấy tờ rao bán nhan nhản trên mạng.

Bóc mẽ những chiêu lách luật của các dân chơi

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một cán bộ phòng Kỹ thuật Hình sự  (Công an Hà Nội) cho biết, các đối tượng làm giả giấy tờ xe máy thường sử dụng những chiêu trò như sử dụng "phôi" giấy tờ thật rồi dùng hóa chất tẩy xóa. Từ đó, họ điền nội dung mới. Cách thứ hai là sử dụng một mặt của giấy đăng ký thật, ghép với mặt sau là đăng ký giả. Còn những đối tượng chơi xe khủng chuyên nghiệp sẽ dùng đồ họa kết hợp thiết bị in ấn cao để làm giả hoàn toàn giấy tờ xe. Bằng mắt thường, cơ quan chức năng rất khó để có thể nhận biết được đâu là thật, đâu là giả.

Cũng theo cán bộ phòng Kỹ thuật Hình sự, trong giới dân chơi mô tô độc còn rỉ tai nhau độc chiêu một xe, hai giấy tờ. Có nghĩa là, một xe "xịn" sẽ "cõng" một xe "nhảy". Dân trong giới gọi là "bố cõng con". Người có xe "xịn" dùng một thời gian sẽ giả vờ báo mất giất tờ đăng ký xe rồi họ đi xin lại. Lúc này, cơ quan chức năng chắc chắn phải cấp cho họ đăng ký mới. Nhân cơ hội này, chủ xe "xịn" sẽ bán chiếc xe mình đang đi cho chủ mới. Thậm chí, người này chỉ cần bán một chiếc giấy đăng ký xe cho người sở hữu xe "nhảy" có cùng kiểu dáng cũng thu được bộn tiền.

Bên cạnh sử dụng chiêu "bố cõng con", hiện nay các dân chơi mê xe khủng lại đi "săn" những chiếc xe thanh lý hoặc biển nước ngoài. Theo các cơ quan chức năng, việc sử dụng xe thanh lý không giấy tờ, không nguồn gốc cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin về vấn đề này dưới góc độ pháp lý, luật sư Huy An (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, cơ quan chức năng cũng phát hiện ra khá nhiều trường hợp xe mô tô không giấy phép. Tôi đã từng tận mắt chứng kiến những trường hợp như vậy. Mấy hôm trước tại Cầu Giấy (Hà Nội), một thanh niên đi chiếc mô tô khủng biển tứ quý 2 đã bị lực lượng 141 "sờ gáy". Sau khi bị dừng xe, thanh niên này ra sức giải thích là bỏ quên đăng ký ở nhà và xin nộp phạt. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện đây là xe nhập lậu, không phép.

Luật sư Huy An cũng cho biết thêm, theo Nghị định 71 của Chính phủ, xe máy, ô tô mang biển kiểm soát giả có thể bị phạt từ 4-6 triệu đồng và bị tịch thu biển kiểm soát giả, tạm giữ bằng lái xe. Bên cạnh đó, nếu trường hợp nào chủ xe đục lại số khung, số máy, làm giả giấy tờ xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 267 Bộ luật Hình sự về hành vi làm giả con dấu. "Trong luật có quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ nhằm lừa dối cơ quan chức năng, tổ chức công dân thì bị phạt từ 5-10 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng  đến 3 năm. Bên cạnh đó, nếu chủ phương tiện đục số khung, số máy phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần thì bị phạt tù từ 2-5 năm", luật sư Huy An cho biết.                            

 Mua bán cả trăm triệu đồng bằng... nước bọt

Theo lời Minh, giới đam mê xe "độc" không giấy tờ chủ yếu giao dịch với nhau bằng miệng. Bởi vì xe không giấy đăng ký, không chính chủ thì có viết giấy cũng chẳng để làm gì. Người bán, kẻ mua mua bán theo kiểu "tin nhau là chính". “Cũng có nhiều trường hợp "chủ thớt" rao bán xe "no PP" trên mạng lĩnh quả đắng. Vì công an biết được số điện thoại, gọi điện đến giả vờ mua xe và "úp sọt". Chính vì thế, khi đã cung cấp số điện thoại lên mạng, mỗi cuộc gọi đến, người bán phải tra hỏi khách thật tỉ mỉ", Minh chia sẻ.  

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Người đưa tin