TS: Liên quan đến phản ánh của anh Nguyễn Khắc Chiến (Thị trấn Đoan Hùng – Phú Thọ) về sự cố xe Honda SH 125C của anh không được bảo hành tuy vẫn còn chế độ. Sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam lên tiếng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại lý chính hãng Honda nơi anh Chiến mua xe SH đã chấp nhận khắc phục lỗi, sửa chữa xe cho anh…
Theo dõi thông tin diễn biến sự việc từ đầu trên báo Giáo Dục Việt Nam, độc giả Nguyễn Kh.H người tự giới thiệu từng là trưởng cửa hàng tại một đại lý tại HEAD do Honda Việt Nam ủy nhiệm gửi đến tòa soạn bài viết chia sẻ câu chuyện bảo hành, bảo dưỡng xe mà chỉ người trong cuộc, giữa HEAD và Honda Việt Nam biết được. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích nguyên văn nội dung chia sẻ của độc giả Nguyễn Kh.H.
|
Qua sự cố xe Honda SH 125C, theo độc giả Nguyễn K.H: Nếu không làm "căng" khách hàng chịu thiệt, HEAD và Honda hưởng lợi. |
"Đọc và theo dõi thông tin diễn biến sự việc từ đầu trên quý báo, ở góc độ của mình, tôi không dám nhận xét về lỗi kỹ thuật của xe. Bản thân tôi trước đây là trưởng cửa hàng đại lý chính hãng của một HEAD do Honda Việt Nam ủy nhiệm, vì thể nhìn toàn bộ sự việc có thể thấy cả HEAD và Honda cùng muốn "ỉm" đi dịch vụ mà đáng ra khách hàng phải được hưởng.
Trong cơ chế điều hành giá của Honda Việt Nam, hãng đã để cho đại lý tự quyết định giá xe máy. Điều này có nghĩa bản thân đại lý sẽ có thêm nguồn thu không nhỏ và cũng lý giải tại sao cũng một mẫu xe nhưng giá bán ở các đại lý khác nhau trong một tỉnh lại chênh lệch cả triệu đồng.
Còn nhớ năm 2009, khi đó đang làm trưởng cửa hàng đại lý của HEAD Honda, giá một số xe xuất xưởng thấp hơn nhiều so với giá xe trên thị trường. Ví dụ như AirBlade khi đó giá xuất xưởng chỉ là 28,5 triệu đồng/xe, tuy nhiên giá thị trường dao động từ 34,5 đến 35,5 triệu đồng/xe, tương tự xe LEAD màu thường giá xuất xưởng 30,9 triệu/xe nhưng giá thị trường lại từ 35 triệu đến 36 triệu/xe…
Khi đó nhiều khách hàng đã đến đại lý của tôi để thắc mắc nhưng uổng công vì mỗi đại lý đều độc quyền trong một khu vực thị trường nhất định. Khách hàng chỉ có thể chấp nhận mua với giá đại lý bán ra hoặc đi cách đó cả trăm km để có giá chênh lệch hơn.
Sở dĩ Honda Việt Nam cho các đại lý được tự quyết định về giá vì bản thân Honda hay những đại lý như của tôi đều tự tin vào sản phẩm, thương hiệu của Honda. Chúng tôi luôn nhận được thông điệp của Honda sản phẩm tốt, thị phần nhiều vì thế giá nào (tất nhiên không phải quá cao) khách hàng vẫn có thể chấp nhận được.
Hơn thế, giữa Honda và đại lý ngầm hiểu trong cơ chế điều hành giá đó nhằm hỗ trợ đại lý trong việc thực hiện các dịch vụ như bảo hành bảo dưỡng cho khách hàng…
Như vậy trong câu chuyện xe SH được phản ánh đến quý báo, khách hàng nếu không làm căng sự việc sẽ không được bảo hành. Cách trả lời của HEAD cho rằng, Honda Việt Nam từ chối không bảo hành nhưng HEAD vẫn hỗ trợ 50% chi phí sửa chữa hay những lý giải kỹ thuật..v..v.. đó chỉ là cách mà đại lý vẫn thường làm.
Có trường hợp lỗi phải được bảo hành nhưng HEAD lấy lý do Honda từ chối vì vậy vẫn thu tiền của khách. Như vậy, đại lý đã lãi lại càng lãi lớn. Mặt khác, có những lỗi nghiêm trọng phải do chính Honda Việt Nam khắc phục nhưng Honda lại khéo léo “đá trách nhiệm” cho HEAD, khi đó HEAD phải tự bỏ tiền túi ra để bảo hành cho khách.
Ngày còn làm tại HEAD Honda, tôi có quen một số trưởng đại lý khu vực miền núi, đặc biệt tại các huyện xa. Trên đó đại lý bán xe số lượng không nhiều nhưng hầu như không phải bỏ chi phí dịch vụ. Vì dù xe có lỗi gì chăng nữa, đại lý trả lời khách Honda từ chối bảo hành, lỗi là do khách hàng… Khách hàng hầu hết là người dân tộc lại ở xa không hiểu biết thì việc khiến kiện, khiếu nại là chuyện ngoài tầm tay của họ.
Từng làm trong đại lý của HEAD nói ra điều này không phải “vạch áo cho người xem lưng” nhưng mong rằng Honda Việt Nam sẽ thay đổi cách hành xử với khách hàng, đặc biệt tăng dịch vụ sau bán hàng. Còn với các đại lý không nên vì tham lợi nhuận trước mắt mà mất đi khách hàng, bởi triết lý kinh doanh đơn giản "khách hàng luôn đúng'".
Kh.H (theo GDVN)