Bỏ qua lịch bảo dưỡng
Bỏ qua lịch bảo dưỡng định kỳ là một trong số những nguyên nhân có thể làm suy giảm tuổi thọ và sức mạnh của “xế yêu”. Bởi vậy, để phương tiện có thể hoạt động ở mức hiệu suất cao và hiệu quả, chủ xe cần tuân thủ theo đúng kế hoạch bảo dưỡng.
Khi chăm sóc cho xe, một số bộ phận không thể bỏ qua là hệ thống nhiên liệu, dầu động cơ... Mỗi khi đổ nhiên liệu, cặn bẩn trong xăng sẽ xâm nhập vào trong động cơ, tích tụ dần. Đến một thời điểm nào đó, chúng sẽ làm động cơ bị bó kẹt, hoạt động phân phối nhiên liệu bị sai lệch gây hao xăng. Vì vậy, khi xuất hiện những “triệu chứng” như động cơ rung hơn, tốn xăng hay tăng tốc kém là lúc động cơ có thể gặp vấn đề và cần được kiểm tra.
Theo thời gian, dầu động cơ sẽ bị oxy hóa và axit hóa, gây rắc rối cho các thành phần hoạt động trong xe. Hầu hết các hãng sản xuất khuyến cáo người dùng thay dầu xe mỗi 10.000 km đối với các xe chở khách và xe tải chạy xăng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nên thay mỗi 5.000 km vì mức độ bụi bẩn cao.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Lái xe khi hết dầu
Tình trạng này có thể xảy ra khi đèn báo dầu bật sáng lúc xe đang di chuyển hoặc có âm thanh lạ phát ra nhưng tài xế không kiểm tra mức độ dầu. Khi đó, động cơ sẽ mất năng lượng và ngừng hoạt động khiến người lái bị mắc kẹt trên đường. Để ngăn chặn sự cố này xảy ra, điều tài xế cần làm là dừng xe ở mức báo hiệu dầu đang thấp. Thông thường, nếu động cơ được tắt đúng lúc sẽ ngăn chặn được những thiệt hại lớn.
Lái một chiếc xe quá nóng
Khi đang đi trên đường, đồng hồ nhiệt độ có thể cảnh báo phương tiện đang trọng tình trạng báo động. Tuy nhiên, thay vì dừng xe lại và gọi một chiếc xe kéo, tài xế có thể vẫn tiếp tục lái với hy vọng sẽ tìm được một cửa hàng sửa chữa gần nhất. Lúc đó, động cơ sẽ bị nóng quá mức và ngừng hoạt động. Vô hình chung, người lái đã tự “giết chết” chiếc xe của mình.
Bỏ qua những “căn bệnh” của hộp số
Hộp số là một trong số những bộ phận quan trọng nhất trên xe nên sau một thời gian sử dụng, nó sẽ nảy sinh các vấn đề, như trượt số, không thể vào số hoặc quá nóng. Nếu thấy bất cứ một tín hiệu nào của các “triệu chứng” này, thay vì tiếp tục lái xe, tài xế nên dừng xe lại và kiểm tra, bao gồm kiểm tra mức độ của chất lỏng truyền dẫn bởi chất lỏng này ở mức thấp có thể làm tăng ma sát và nhiệt độ trong hộp số.
Cố gắng thoát khỏi bùn lầy
Bị mắc kẹt trong vũng bùn lầy là điều có thể xảy ra với bất cứ một lái xe nào. Tuy nhiên, thay vì “cầu cứu” một chiếc xe kéo, không ít người lại chọn cách tự mình thoát ra bằng việc cho xe liên tục tiến lên, lùi xuống và gầm rú động cơ. Trong một số trường hợp nó có thể phát huy tác dụng nhưng hộp số và hệ truyền động phải làm việc quá sức có thể làm những mối liên kết bị đứt gãy.
Rà phanh liên tục khi xuống dốc
Khi thả dốc, nhiều tài xế chọn cách rà phanh liên tục để có thể làm chủ tốc độ một cách an toàn nhất. Tuy nhiên, đối với những dốc dài, việc làm này sẽ khiến má phanh nóng lên và nhanh bị mài mòn. Vì vậy, cách tốt nhất là rà phanh rồi lại nhả ra. Khi đó, người lái vừa có thể kiểm soát được tốc độ, vừa bảo vệ được hệ thống phanh của xe.
Khởi động xe sai cách
Nghe thì đơn giản nhưng khởi động xe không giống như việc mở TV hay điều hòa. Không ít người có thói quen đi ngay khi xe vừa khởi động, như vậy sẽ làm động cơ nhanh bị hao mòn vì phải làm việc khi chưa thật “sẵn sàng”. Trong khi đó, một số người lại khởi động máy chỉ với mục đích là làm xe ấm lên vào mùa đông. Kết quả là, xe không những không ấm lên mà còn làm hại đến động cơ nếu để quá lâu. Lời khuyên là cho xe lăn bánh sau khi khởi động từ 30 giây đến 1 phút.
Theo Sống mới