Giáo sư Nguyễn Anh Trí chính thức không còn làm Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ 1/10/2017 để nghỉ hưu. Hơn 30 năm công tác trong ngành Y tế, ông đã trở thành người anh hùng của ngành huyết học và truyền máu Việt Nam.
|
GS Nguyễn Anh Trí tất bật với những công việc cuối cùng trên cương vị Viện trưởng trước khi giao lại vị trí cho người kế nhiệm.
|
Gặp GS Nguyễn Anh Trí trong một buổi chiều cuối tháng 9, ông vẫn tất bật với những công việc cuối cùng trên cương vị Viện trưởng trước khi giao lại vị trí cho người kế nhiệm. Ở vị bác sĩ tài ba ấy vẫn là sự nhanh nhẹn, quyết đoán nhưng đâu đó vẫn phảng phất một nét buồn, một sự bùi ngùi. Ông tâm sự: “Cảm xúc lúc này rất bồi hồi, khó tả xen lẫn nhau. Nhưng nhiều nhất vẫn là buồn. Tôi rất buồn vì tôi phải xa một tổ ấm, một tập thể mà ở đó tôi đã có 14 năm gắn bó, lăn lộn. Tập thể này đã cùng với tôi trong những năm tháng qua vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, rất nhiều trở ngại để có thể đạt được những thành công như ngày hôm nay”.
Tập thể Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương rất đặc biệt, một tập thể đoàn kết, thống nhất. 14 năm làm Viện trưởng, Giáo sư Nguyễn Anh Trí lãnh đạo bệnh viện đạt được nhiều thành tựu to lớn, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý. Cho đến bây giờ, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là một trong những đơn vị được đánh giá tốt nhất về mặt Y đức trong cả nước, là địa chỉ tin cậy để cho tất cả các bệnh nhân bị bệnh về máu, đặc biệt là bệnh nặng, bệnh khó, bệnh ác tính coi đây là một mái nhà, là nơi họ gứi gắm sinh mạng của mình.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí không giấu được niềm vui khi nói về tổ ấm của mình, ông tự hào kể: “Chúng tôi đã xây dựng được một văn hoá rất đặc trưng của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, từ lời ăn tiếng nói, mặc quần áo, đi thang máy, sử dụng những trang thiết bị… cho đến những vấn đề lớn hơn như nghiên cứu khoa học, về hội nhập quốc tế, rồi đến vấn đề đối xử với người bệnh, trong quan hệ tình đồng chí, đồng nghiệp… Nó đã đạt đến một văn hoá đặc biệt và đã được cộng đồng thừa nhận, bênh nhân thừa nhận, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thừa nhận và được khách quốc tế thừa nhận”.
Nói đến đây, giọng ông bất giác nghẹn lại “Một tập thể như thế, khi xa, tôi rất buồn, chúng tôi sống với nhau như anh em ruột thịt. Đoàn kết từ trong Đảng uỷ, trong lãnh đạo viện đến từng các khoa phòng, đến mỗi một nhân viên”. Cũng đúng thôi, bởi cả đời người, cho đến khi về hưu, ông đã dành quá nửa thời gian cho công việc này, cho bệnh nhân của mình.
|
Giáo sư đã dành một khoảng thời gian ngắn để trao đổi với các đồng nghiệp trong buổi họp cuối cùng với cương vị là Viện trưởng.
|
Ngày 29/9/2017, Giáo sư Nguyễn Anh Trí chủ trì buổi họp giao ban cuối cùng trên cương vị Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW, Giáo sư đã dành một khoảng thời gian ngắn để trao đổi với các đồng nghiệp. Ông nói: “Hơn 30 năm là giảng viên đại học rồi, nhưng cứ mỗi khi đứng trước tấm bảng để viết, để vẽ, để nói thì cảm xúc của tôi vẫn thăng hoa kỳ lạ”. Kết thúc buổi họp giao ban là những tràng pháo tay vang dội của học trò, đồng nghiệp và của mọi người và sau đó là một màn chia tay thấm đẫm những giọt nước mắt thương nhớ, mến yêu.
Trong hơn 30 năm công tác trong ngành y tế, 14 năm làm viện Viện trưởng, Giáo sư Nguyễn Anh Trí đã có những đóng góp to lớn cho ngành huyết học – truyền máu nói chung và Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nói riêng. Cá nhân ông cũng nhận được nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước: Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Công dân Thủ đô ưu tú, 2 lần được giải thưởng Vinh quang Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ, được Giải nhất Nhân tài Đất Việt, được kết nạp vào nhiều tổ chức Quốc tế và ghi được dấu ấn…
Vừa qua, nhân dịp sinh nhật tròn 60 tuổi của Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nhằm ghi nhận cho những đóng góp to lớn của ông, Liên đoàn Hemophilia thế giới đã trao tặng "Chứng nhận cống hiến” cho GS.TS. Nguyễn Anh Trí trong hoạt động nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân Hemophilia và các bệnh rối loạn đông máu di truyền khác tại Việt Nam. Ông Alain Weill - Chủ tịch Liên đoàn Hemophilia Thế giới đã sang Việt Nam trao tặng chứng nhận này, đồng thời, dành nhiều tình cảm và sự khâm phục đối với GS.TS. Nguyễn Anh Trí.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí nói, bên cạnh nỗi buồn vì phải xa nơi đã gắn bó từ lâu, ông cũng rất vui vì mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị là Viện trưởng. “Tôi mãn nguyện với những thành tích mình đạt được, mãn nguyện với tập thể này nhưng tôi còn mãn nguyện nữa là mình đã có một đội ngũ kế cận tốt, mãn nguyện là mình đã làm được những việc đã định từ những ngày đầu tiên tôi nhận quyết định bổ nhiệm trở thành Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương”.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho GS.TS.Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ giao cho.
|
Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhận được rất nhiều tình cảm từ các bệnh nhân của mình.
|
Có lẽ hiếm một cán bộ y tế nào khi nghỉ hưu lại làm nhiều người tiếc nuối đến thế. Khi biết ông nhận quyết định nghỉ hưu, không biết bao nhiêu cuộc điện thoại, những tin nhắn gửi tới ông với những lời lẽ, hình ảnh đẹp nhất, sâu sắc nhất về tình cảm của thủ trưởng với nhân viên, giữa đồng đội, chiến hữu với nhau.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí luôn dành rất nhiều tình cảm cho những đồng nghiệp và bệnh nhân của mình: “Tôi yêu tập thể này! Họ là những đồng nghiệp, là đồng chí, là học trò, là nhân viên... và họ cũng là những người tôi rất đỗi thân thương và yêu quý! Bệnh nhân nữa, những người đã đưa lại cho tôi nỗi đam mê trong công việc, những thành công, thành tựu trong cuộc đời tôi - đứng chờ tôi để được bắt tay, để nói lời cảm ơn và còn để ôm tôi mà khóc! Tôi thương họ lắm!”.
|
Nhiều người không giấu được xúc động đã ôm chặt vị bác sĩ thân yêu của mình.
|
Cũng trong ngày làm việc cuối cùng trên cương vị Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhiều bệnh nhân không giấu được xúc động đã ôm chặt vị bác sĩ thân yêu của mình và khóc nức nở, GS Nguyễn Anh Trí đã nói: “Được cứu chữa cho bà con, được phục vụ cho nhân dân là niềm vui và hạnh phúc vô bờ bến của tôi!”
Sáng nay (2/10), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức buổi chia tay xúc động, hàng trăm bác sĩ, sinh viên và bệnh nhân đã chờ để được chào tạm biệt người lãnh đạo, người thầy, bác sĩ của mình. Không khó để bắt gặp những cái nắm nay bịn rịn, những cái ôm thật chặt hay những giọt nước mắt vương trên gương mặt những người ở lại.
Nói về những dự định sau khi nghỉ hưu, có lẽ ở Giáo sư Nguyễn Anh Trí sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề chưa bao giờ tắt: “Tôi là một người đam mê công việc, mà nhất là nghề Y, tôi yêu họ, tôi yêu nghề Y này, tôi muốn được cống hiến”. Giáo sư đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện để khi về hưu vẫn có thể tiếp tục cống hiến, với vai trò là một giáo sư đầu ngành về huyết học – truyền máu. “Ở mảng này, tôi có điều kiện để phát huy tất cả những kinh nghiệm, những kiến thức mà mình có được để phục vụ nhân dân, phục vụ những nỗi đam mê rất lớn lao khi tôi trở thành sinh viên y khoa tại trường Đại học Y Hà Nội”.
Bên cạnh vai trò là một Giáo sư đầu ngành, Giáo sư Nguyễn Anh Trí còn là một Đại biểu Quốc hội tự ứng cử và trúng cử. Ông cho biết khi tự ứng cử, ông đã cân nhắc rất kỹ, là mình tự nguyện để đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào trong nghị trường, vì nhân dân, vì Tổ quốc. Đây là một cơ hội rất tốt để Giáo sư cố gắng hoàn thành tốt vai trò của ĐBQH, xứng đáng với sự tín nhiệm của những cử tri đã gửi gắm.
Một công việc nữa rất riêng có, xuất phát từ chính ý tưởng của Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam (Heritist) được xây dựng và đây cũng là một địa chỉ để ông đến làm việc. Đây là nơi tiếp nhận, lưu giữ những tài liệu, hiện vật, kỷ vật của các nhà khoa học Việt Nam: “Nó xuất phát từ việc tôi muốn lưu giữ những kỷ niệm trước hết của các thầy tôi, nhưng nhà khoa học lớn mà tôi may mắn được học tập ở thầy, đó là Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Trung, GS Phạm Khuê, GS Phạm Mạnh Hùng… Tôi trân trọng tất cả các giá trị của các nhà khoa học của đất nước ta, mọi lĩnh vực qua các thời kỳ, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Cũng như những thành tựu mà các nhà khoa học Việt Nam chúng ta đã đưa một đất nước phải nói là nghèo nàn, lạc hậu, phát triển như ngày hôm nay và đạt được những thành tựu to lớn. Tôi rất muốn đắm mình vào trong những công việc đó”
Theo Hải Yến/VOV