Ngày 11/12, thông tin từ TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, ngày 25/12 sẽ diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đặng Anh Tuấn, cựu Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. Bị cáo Đặng Anh Tuấn bị đưa ra xét xử vì liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ do hai cựu tướng công an "bảo kê".
Lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, để phục vụ công tác xét xử cho phiên tòa này, tòa sẽ tiếp tục triệu tập cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trước đó vào ngày 25/11, TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án nói trên. Tuy nhiên, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa vì ông Trương Minh Tuấn có đơn xin vắng mặt. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng cần phải có lời khai tại tòa của ông Trương Minh Tuấn liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Đăng Anh Tuấn.
|
Ông Trương Minh Tuấn. |
Theo cáo trạng, vào tháng 10/2016, ông Trương Minh Tuấn khi ấy là Bộ trưởng TT&TT ký quyết định 1718/QĐ-BTTTT về việc thành lập Đoàn kiểm tra gồm 5 người, do ông Đinh Tiến Dũng (Phó chánh thanh tra Bộ TT&TT) làm trưởng đoàn, với mục đích rà soát các "game" trực tuyến có dấu hiệu cờ bạc. Khi Đoàn kiểm tra đang hoạt động hiệu quả, có 3 báo cáo nêu về các "game" cờ bạc, đề nghị xử lý thì Đặng Anh Tuấn, Chánh thanh tra Bộ TT&TT bất ngờ nhắn tin cho ông Đinh Tiến Dũng, yêu cầu rút báo cáo lại và đề xuất giải thể đoàn kiểm tra.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi giải thể đoàn kiểm tra của ông Đặng Anh Tuấn, để cho games bài cờ bạc tiếp tục hoạt động có dấu hiệu của tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ". Do vậy, cựu Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Đặng Anh Tuấn bị truy tố ở khung hình phạt có mức án từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong vụ án này vắng mặt người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tùy từng trường hợp cụ thể mà tòa án có thể hoãn phiên tòa hoặc tiếp tục xét xử và dẫn giải người làm chứng nếu xét thấy cần thiết.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quy định tại điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Nếu người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt và họ sẽ phải chịu thiệt về quyền lợi, nghĩa vụ của mình nếu như không thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng.
Cũng theo quy định tại điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình; Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.
Việc áp giải là một biện pháp cưỡng chế trong hoạt động tố tụng hình sự. Và theo khoản 2 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, dẫn giải chỉ có thể áp dụng đối với: Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Việc hoãn phiên tòa hay tiếp tục xét xử dù vắng mặt người liên quan, nhân chứng sẽ do HĐXX quyết định, nếu xét thấy việc vắng mặt của những người này không làm ảnh hưởng đến vụ án. Trường hợp quá trình thẩm vấn, tranh luận công khai, nếu thấy cần thiết tòa án có thể triệu tập lại hoặc yêu cầu dẫn giải đối tượng bị dẫn giải ra tòa khi họ không chấp hành quyết định triệu tập.
Tại điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Tòa án hoãn phiên tòa khi có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này...
Một điều trùng hợp là ngày 16/12 tại TAND TP Hà Nội sẽ diễn ra phiên xử vụ đại án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Phiên xử dự kiến diễn ra đến 31/12. Trong phiên tòa này, hai cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị triệu tập với tư cách bị cáo. Như vậy, ông Trương Minh Tuấn không thể cùng một lúc có mặt ở tòa Phú Thọ và tòa Hà Nội.
Mời độc giả xem thêm clip Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn sắp hầu tòa:
Tâm Đức