Xử phúc thẩm vụ Lâm Quyết: Đường Nhuệ có bị “khui tội“?

Google News

(Kiến Thức) - Đường Nhuệ xuất hiện tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vợ chồng Lẫm - Quyết với cương vị là nhân chứng. Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Đường vẫn có thể bị khui tội dù là nhân chứng của vụ án.

Đường Nhuệ được triệu tập đến tòa làm nhân chứng trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ vợ chồng chủ Công ty TNHH Lâm Quyết (Thái Bình) là ông Nguyễn Văn Lẫm (58 tuổi) và vợ Phạm Thị Quyết (53 tuổi, trú TP Thái Bình) tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) cũng có thể bị khui tội dù là nhân chứng. Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết: Trong vụ án này có hai vấn đề cần làm rõ là dấu hiệu oan sai đối với việc kết tội vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết và dấu hiệu những sai phạm của nhóm Đường Nhuệ trong việc chiếm giữ, uy hiếp phải lấy đi tài sản của công ty này.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy việc vay nợ chỉ là quan hệ dân sự, không có yêu tố gian dối, không bỏ trốn. Việc vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết lâm vào tình trạng khó khăn, lẩn tránh do sợ bị nhóm côn đồ đánh đập chứ không phải nhằm chiếm đoạt tài sản, bị lấy mất giấy tờ thì có thể vụ án này là oan sai, đồng thời nhóm đối tượng đã đến đánh người, đe doạ uy hiếp người nhà ông Lẫm rồi lấy tài sản thì có dấu hiệu của tội cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Trong phiên xét xử này không giải quyết hết được các vấn đề nên tòa án cấp phúc thẩm có thể hủy bản án sơ thẩm để tiến hành điều tra lại đồng thời làm rõ sai phạm của nhóm Nguyễn Xuân Đường để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu tại phiên tòa có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu của tội cướp tài sản, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng... thì tòa án cấp phúc thẩm có thể khởi tố vụ án hình sự về các tội danh trên và giao cho cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Xu phuc tham vu Lam Quyet: Duong Nhue co bi “khui toi“?
Vợ chồng Lẫm - Quyết tại phiên tòa phúc thẩm 
Theo quy định của pháp luật thì trong quan hệ dân sự, người này nhận tài sản của người khác thông qua giao dịch dân sự chỉ có thể chuyển thành tội phạm hình sự nếu như người nhận tài sản gian dối, bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản.
Trong vụ án này cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết có hành vi gian dối hay không? Các giao dịch dân sự về việc vay tiền, thế chấp bằng ô tô, tài sản có đăng ký quyền sở hữu có hợp pháp hay không?
Theo quy định của pháp luật thì trường hợp thế chấp đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu như bất động sản, ô tô, xe máy... thì phải thực hiện thủ tục công chứng và đăng ký theo quy định của pháp luật.
Nếu trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ các quy định về hình thức, thủ tục, điều kiện có hiệu lực thì giao dịch sau đó có thể có hiệu lực pháp luật.
Đối với ô tô, xe gắn máy, nhà đất thì việc giao dịch phải có công chứng và đăng ký mới hợp pháp, pháp luật mới bảo vệ. Còn trường hợp các bên chỉ viết tay với nhau thì không có giá trị pháp lý, khi có tranh chấp thì hai bên tự chịu rủi ro, pháp luật sẽ không bảo vệ với giao dịch dân sự vô hiệu.
Về nguyên tắc, giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, Tòa án có quyền tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, khi đó sẽ giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu theo nguyên tắc bên nào nhận của nhau thứ gì thì phải trả lại, bên nào có lỗi phải bồi thường.
Xu phuc tham vu Lam Quyet: Duong Nhue co bi “khui toi“?-Hinh-2
 Nguyễn Xuân Đường làm chứng tại phiên tòa phúc thẩm vợ chồng Lẫm - Quyết
Nếu giao dịch dân sự trước đó hợp pháp, người có tài sản lại gian dối để lấy tài sản để thực hiện giao dịch dân sự thứ hai dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản thì hành vi đó mới có thể cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Hành vi mua bán xe ô tô bằng giấy viết tay hoặc đặt cọc thế chấp ô tô bằng giấy viết tay thì không có giá trị pháp lý, về pháp lý thì không thể mất được tài sản trong trường hợp này bởi thủ tục chuyển quyền sở hữu và thực hiện biện pháp đảm bảo không đúng quy định pháp luật.
Còn đối với hành vi bỏ trốn, cũng cần lưu ý là “bỏ trốn” khác với “đi khỏi nơi cư trú”. Hành vi bỏ trốn là trốn tránh mối liên hệ đối với “người có quyền” (chủ nợ) nhằm chối bỏ nghĩa vụ trả nợ. Còn nếu vắng mặt khỏi nơi cư trú do bị đe dọa, uy hiếp, vì bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình mà người ta buộc phải lánh mặt đi một thời gian thì hành vi này không có cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bởi vậy, trong vụ án này TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ rất thận trọng trong việc xem xét đánh giá từng hành vi của các bị cáo, những yếu tố tác động đến hành vi và ý thức chủ quan của các bị cáo trong việc trả nợ. Nếu hành vi chỉ ở hình thức quan hệ dân sự, chưa có dấu hiệu gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc hủy bản án sơ thẩm phải trả hồ sơ để làm rõ các hành vi, làm cơ sở để giải quyết triệt để vụ việc theo quy định của pháp luật.
Xu phuc tham vu Lam Quyet: Duong Nhue co bi “khui toi“?-Hinh-3
Luật sư Đặng Văn Cường 
Hiện nay Nguyễn Xuân Đường được triệu tập trong vụ án này với tư cách là người làm chứng nhưng tòa án sẽ làm rõ hành vi, vai trò của người này, những tác động của người này đối với vụ án. Nếu có căn cứ cho Nguyễn Xuân Đường cùng đồng bọn đã đe dọa uy hiếp khiến vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết khiến họ phải bỏ trốn. Nếu nhóm đối tượng này có hành vi chiếm đoạt tài sản, giấy tờ của Công ty Lâm Quyết thì Nguyễn Xuân Đường sẽ bị xử lý đồng thời có thể minh oan cho vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết.
Hành vi tự ý đến trông giữ tài sản của nhóm Nguyễn Xuân Đường đối với công ty Lâm Quyết theo hình thức “bảo vệ tài sản” như lời khai của Đường, dẫn đến doanh nghiệp này tan hoang, không còn chút tài sản nào, mọi đồ đạc bị đập phá, xáo trộn, cả doanh nghiệp bị phá sản hoang tàn như vậy thì hành vi có dấu hiệu của tội danh trong nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu, gây mất an ninh trật tự. Bởi vậy cơ quan tố tụng cũng sẽ làm rõ hành vi, hậu quả để xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Có lẽ trong bối cảnh này thì mọi việc sẽ được giải quyết một cách thận trọng, công bằng. Ai sai đến đâu phải xử lý đến đó. Hành vi đánh người có tổ chức, đe dọa, uy hiếp người khác để lấy tài sản phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
>>> Xem thêm video:Cơ quan dân cử Thái Bình đùn đẩy trách nhiệm trả lời vụ Đường Nhuệ

Nguồn VTC News


Xuân Diệp