Sáng 31/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng đã báo cáo các nội dung tiếp thu, giải trình của dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Dự luật đề xuất hai phương án xử lý tài sản bất minh, kê khai không trung thực là: Đánh thuế 45% hoặc xử phạt 45% giá trị tài sản bằng tiền.
Ông Lê Minh Khái cho hay, việc thu thuế tài sản không giải trình được nguồn gốc không có nghĩa là loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai.
Thảo luận tại tổ chiều 31/5, ông Lê Minh Khái đã giải thích việc vì sao lựa chọn con số thu thuế 45% với tài sản kê khai không trung thực.
Theo ông Lê Minh Khái, hiện nay đang tiến hành sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng. Đây là luật có tính cơ bản nhất để đưa ra khung pháp lý giúp tăng cường hiệu quả trong phòng chống tham nhũng. Luật trước đây cũng có nhưng qua tổng kết 10 năm thực hiện thấy có những điểm chưa đúng, chưa đủ, chưa có tính khả thi, thậm chí chưa đủ mạnh mẽ nên phải sửa đổi một cách toàn diện.
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Quochoi.vn |
“Một trong những vấn đề hiện nay đang được xã hội quan tâm là vấn đề xử lý tài sản khi bị phát hiện không kê khai hoặc kê khai không trung thực. Tuy nhiên, từ trước tới nay chúng ta mới chỉ xử lý hành vi kê khai không trung thực, người bị phát hiện kê khai tài sản không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật hành chính, kỷ luật Đảng với những hình thức khác nhau, thậm chí trên thực tiễn có những người đã bị mất chức. Nhưng đối với phần tài sản chúng ta chưa có quy định để xử lý”, ông Lê Minh Khai cho biết.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, đây là tài sản kê khai không trung thực hay là không kê khai chứ không phải là tài sản tham nhũng.
Thảo luận tại tổ về vấn đề trên, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc có nghĩa tài sản đó không minh bạch, bất minh. Còn theo đại biểu Tạ Văn Hạ, cán bộ cần phải phải chứng minh nguồn thu ở đâu ra, còn những tài sản không chứng minh được có nghĩa là bất minh, mà bất minh thì pháp luật sẽ tịch thu.
"Chứng minh nguồn gốc là chứng minh với cơ quan, với những người có trách nhiệm, thế nhưng nguồn gốc đó có được chấp nhận hay không phải rõ ràng. Có nghĩa anh phải chịu sự kiểm soát, phải giải trình cho tôi, nhưng lúc anh giải trình tôi bảo không được, ông giải trình thế này không ổn, khoản này không được chấp nhận rõ ràng, thì đấy là tài sản không minh bạch, không có nguồn gốc", đại biểu Tạ Văn Hạ nói và cho biết, chứng minh nguồn gốc tài sản cũng phải được làm cẩn thận và rõ ràng từ nhiều phía.
"Xã hội minh bạch, công khai là không có khái niệm tham nhũng ở đây nữa. Nếu nói hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hợp tác.. thì được xem xét giảm nhẹ trong quá trình xử lý hình sự hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được. Tham nhũng từ 1 đồng đến 1 triệu đồng cũng là hành vi tham nhũng, Bởi vậy, chúng ta đưa ra thế này thì tôi vẫn lo lắng chuyện chúng ta vẫn mở ngoặc công nhận nó là có chuyện đó. Chúng ta phải chặn tệ nạn này từ trong ý thức, nhận thức rồi đến hành vi", đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng: “Việc chứng minh tài sản bất minh thuộc cơ quan tố tụng. Thông qua điều tra, khởi tố vụ án, xét xử mới khẳng định được tài sản bất minh. Đồng thời đã gọi là bất minh rồi thì phải tịch thu chứ không thể đánh thuế hoặc xử phạt hành chính. Nếu được thực hiện thì vô tình hợp thức hóa tài sản bất minh do phạm tội hoặc tham nhũng mà có”, đại biểu Đặng Thuần Phong nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) băn khoăn về việc có khả năng trước khi luật này được thông qua thì cán bộ sẽ ồ ạt khai ra rất nhiều tài sản cho là được thừa kế, tặng cho.
"Có thể thời điểm trước khi đạo luật này ra đời lại là cơ hội nâng đỡ cho sự cất cánh của tham nhũng ở giai đoạn trước", ông Nhưỡng nói.
Theo đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng), nếu đó đúng là tài sản tham nhũng, việc đánh thuế 45% tức là “hợp pháp hóa” 55% số tài sản tham nhũng còn lại. Còn nếu không phải tài sản tham nhũng, lý do gì phải chịu đánh thuế và cơ sở nào để xác định mức thuế 45%?
Trong khi đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu ý kiến, việc đánh thuế 45% tài sản bất minh là biện pháp xử lý nửa vời vì nếu tài sản đã xác định là bất minh thì phải tịch thu chứ sao lại chỉ lấy 45%. Phương án này phá vỡ cả lý luận và thực tiễn.
“Sao có thể nói tài sản bất minh thì chỉ 45% là do tham nhũng còn lại 55% thì không nên có thể được giữ lại?", đại biểu Lợi nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc đã nhắc lại lịch sử khi mới thành lập Nhà nước, Hồ Chủ tịch đã sớm nhìn ra các yếu tố có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình phát triển. Theo ông Luật phòng chống tham nhũng đang đáp ứng yêu cầu rất lớn nhất là trong bối cảnh hiện nay đang có hiệu ứng xã hội lớn nên người dân kỳ vọng rất nhiều. Tuy nhiên, trong phòng, chống tham nhũng điều quan trọng là phải đạt mục tiêu cuối cùng.
“Tôi nghĩ chúng ta đang rất hào hứng với hình tượng lò cháy ngùn ngụt, nhưng chúng ta cũng phải mong muốn ngày nào đó lò phải vào bảo tàng. Bởi lò nóng không chỉ thiêu cháy phẩm chất chính trị của những cán bộ hư hỏng mà đằng sau đó là khối tài sản lớn của người dân, điều đó mới là xót xa”, đại biểu Dương Trung Quốc nói và cho biết thêm, nhiều người vẫn nói, đó làm sao để cán bộ không dám tham nhũng, nghĩa là có chế tài mạnh mẽ; thứ hai không thể tham nhũng, nghĩa là có sự quản lý chặt chẽ; thứ ba không muốn tham nhũng, nghĩa là cán bộ có đời sống đảm bảo.
Hải Ninh