Ngày 26/12, TAND TP HCM mở phiên xử ông Nguyễn Hữu Tín cùng 4 đồng phạm sai phạm trong việc giao đất ở số 15 Thi Sách (quận 1) cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 do Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” làm chủ tịch HĐQT.
Theo cáo trạng, hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" liên quan đến khu đất số 15 Thi Sách của ông Nguyễn Hữu Tín và các đồng phạm đã khiến Nhà nước thất thoát số tiền hơn 6,7 tỷ đồng do Công ty Bắc Nam 79 được hỗ trợ trái pháp luật và 802 tỷ đồng giá trị tiền sử dụng đất chưa thu hồi được.
Dư luận đặt câu hỏi, số tiền thiệt hại hơn 800 tỉ đồng trên liệu có thu hồi được hay không và các bị cáo trong vụ án này có phải khắc phục hậu quả?
|
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín tại tòa. |
Trao đổi với PV
Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, ông Nguyễn Hữu Tín và các bị cáo trong vụ án này bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219, Bộ Luật hình sự năm 2015).
Tại điều 219 Bộ Luật hình sự quy định: “Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm…”. Tại các khung hình phạt khác thì hình phạt tù là hình phạt chính (cao nhất là 20 năm tù).
Tại khoản 4 điều này quy định về hình phạt bổ sung là “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Vậy theo quy định tại tội này thì việc áp dụng hình phạt bổ sung là không bắt buộc, do đó việc các cơ quan tố tụng đặc biệt là Tòa án không đề cập đến việc giải quyết trách nhiêm dân sự trong vụ án này là có cơ sở.
|
Luật sư Hoàng Tùng. |
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, tại Điều 48 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về trách nhiệm trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại nêu rõ: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra..”.
Như vậy, người nào chiếm đoạt tài sản thì sẽ chịu trách nhiệm trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại.
“Trong vụ án này hậu quả thiệt hại của vụ án nêu trên đã được tòa án các cấp xem xét, giải quyết tại vụ án Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo trong vụ này là vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước dẫn đến thất thoát lãng phí chứ không phải là người chiếm đoạt được số tài sản này. Vì thế các bị cáo trong vụ án này không phải chịu trách nhiệm khắc phục thiệt hại”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Đồng thời cho rằng, việc các bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả trong khi không bị bắt buộc thì có thể được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi tòa án xem xét ra phán quyết về hình phạt.
Luật sư Hoàng Tùng cũng cho hay, việc hơn 800 tỉ tiền thất thoát do hành vi phạm tội của các bị cáo thì sẽ căn cứ vào việc thi hành bản án vụ án của Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm trước đó. Phần trách nhiệm dân sự trong bản án sẽ được cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thi hành theo thủ tục của pháp luật.
Gia đình các bị cáo đã nộp 3,4 tỉ đồng để khắc phục:
Theo cáo trạng, hậu quả thiệt hại của vụ án nêu trên đã được tòa án các cấp xem xét, giải quyết tại vụ án Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cơ quan pháp luật không đề cập việc giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án này.
Tuy nhiên, tại phiên xét xử ngày 26/12, HĐXX thông tin, gia đình bị cáo Nguyễn Hữu Tín đã nộp nộp 1,5 tỉ đồng tại Cục Thi hành án dân sự TP HCM.
Tại tòa, ông Tín cho biết, bản thân nhận thức việc ký cho thuê đất dù mục đích là gì cũng đã gây ra thiệt hại cho Nhà nước và cần có trách nhiệm đền bù tài sản cho nhà nước. Do đó, bị cáo và gia đình thống nhất nộp khoản tiền khắc phục.
Ngoài gia đình bị cáo Tín, gia đình các bị cáo Trương Văn Út, Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương cũng nộp lại 500 triệu đồng/gia đình. Gia đình bị cáo Đào Anh Kiệt - nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM nộp 400 triệu đồng.
Theo bị cáo Trương Văn Út nói rằng, trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án thuộc về Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79. Song, công ty này chưa thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, gia đình bị cáo tự nguyện nộp trước. Bị cáo mong rằng gia đình sẽ nhận lại khoản tiền trên khi công ty thực hiện nghĩa vụ khắc phục.
Bị cáo Đào Anh Kiệt cho biết, bị cáo không biết chuyện này nhưng quan điểm của bị cáo là không đền bù.
>>> Mời độc giả xem video Ông Nguyễn Hữu Tín "không khỏe" ngày hầu tòa:
Hải Ninh