Trước khi chuyển sang phần tranh tụng, đại diễn Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội đề nghị mức án với các bị cáo.
Viện kiểm sát đánh giá bị cáo Nguyễn Nhật Cảm vì động cơ vụ lợi đã thỏa thuận, câu kết với các bị cáo thuộc các công ty tư nhân kinh doanh trang thiết bị y tế để thỏa thuận, ấn định giá gói thầu số 15 trước khi chỉ định thầu thông thường.
Ông Cảm còn chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu, do đó có vai trò chủ mưu. Viện kiểm sát đề nghị Tòa tuyên bị cáo Cảm mức án từ 10-11 năm tù.
|
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có vai trò chủ mưu, Viện kiểm sát đề nghị Tòa tuyên bị cáo Cảm mức án từ 10-11 năm tù.
|
Các bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh - trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội - bị đề nghị 7-8 năm tù; Hoàng Kim Thư - kế toán trưởng và Lê Xuân Tuấn - cán bộ phòng Tài chính kế toán cùng bị đề nghị 2-3 năm tù; hai bị can Nguyễn Thị Kim Dung - trưởng phòng Tổ chức hành chính và Nguyễn Ngọc Quỳnh - trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ cùng bị đề nghị 5-6 năm tù.
Bốn bị cáo còn lại gồm: Đào Thế Vinh - giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) bị đề nghị 7-8 năm tù; Nguyễn Thanh Tuyền - nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông 5-6 năm tù; bị cáo Nguyễn Trần Duy - tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành và Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech cùng bị đề nghị 6-7 năm tù.
Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế trong việc đấu thầu hoạt động kinh tế của Nhà nước.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ CDC Hà Nội đã có hành vi gian lận, thông đồng với những bị cáo khác để nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh các bác sĩ, mất niềm tin của nhân dân vào công tác chống dịch.
Theo cáo trạng, để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, CDC Hà Nội được giao làm chủ đầu tư mua sắm gói thầu số 15 (gồm một hệ thống Realtime PCR tự động, một máy tách chiết DNA/RNA tự động, một số tủ lạnh và tủ mát) theo hình thức chỉ định thầu.
Nguyễn Nhật Cảm thay vì thực hiện các thủ tục và quy trình chỉ định thầu lại tìm đến các cá nhân và công ty kinh doanh thiết bị y tế để thỏa thuận giá. Kết quả, bằng việc mua bán lòng vòng, xuất hóa đơn khống qua nhiều công ty, CDC Hà Nội ký kết hợp đồng gói thầu số 15 với tổng giá trị 9,54 tỉ đồng. Trong đó, riêng hệ thống Realtime PCR tự động có giá 7 tỉ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động 1,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, kết luận định giá xác định tổng giá trị của gói thầu số 15 theo thị trường chỉ là hơn 4,14 tỉ đồng. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho ngân sách hơn 5,4 tỉ đồng.
Vụ án này bị cáo Cảm có vai trò chủ mưu. Cựu giám đốc CDC không những câu kết với các công ty để thỏa thuận giá mà còn chỉ đạo nhân viên dưới quyền thực hiện hành vi gian lận, hợp thức toàn bộ quy trình chỉ định thầu.
18 gói thầu có dấu hiệu hình sự
Ngoài gói thầu số 15 trị giá 9,54 tỉ đồng, từ năm 2019 đến tháng 3-2020, CDC Hà Nội còn thực hiện đấu thầu đối với 18 gói thầu liên quan đến mua trang thiết bị, vật tư tiêu hao, in tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch. Tổng trị giá 18 gói thầu là hơn 83 tỉ đồng, trong đó CDC Hà Nội đã thanh toán cho các nhà thầu hơn 71 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định các hoạt động đấu thầu trên có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng nên đã tách vụ án hình sự để tiếp tục điều tra, xử lý.
Kim Ngưu