Sát vách với… người âm
“Nghĩa trang mini” rộng khoảng 300m2 với gần 200 ngôi mộ, nằm trong khu dân cư thuộc phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Lối vào đây là con hẻm nhỏ rộng chừng 1m, đường đi chỉ vừa 1 xe máy.
|
“Nghĩa trang mini” nằm lọt thỏm giữa tứ phía nhà dân |
Khu mộ này là một phần còn sót lại của nghĩa trang thuộc làng Quan Hoa cũ, hình thành từ năm 1985 khi mở đường Nguyễn Khánh Toàn.
Trước kia, nơi đây là vùng đất hoang vu, chỉ có vài khu nhà trọ xập xệ dựng tạm cho sinh viên và người lao động thuê.
Khi làng lên phố, mật độ dân cư tăng, nhà dân ngày càng tiến gần với những phần mộ. Tới bây giờ, khoảng cách từ cửa nhà dân tới những ngôi mộ chỉ là…vài gang tay. Đó là lý do nơi đây được người dân đặt cho những cái tên: “Xóm nghĩa trang” hay “Xóm âm dương”.
Khoảng cách giữa “2 thế giới” chỉ cách nhau… vài gang tay
Là người dân ở "Xóm nghĩa trang", Bà Mậu, năm nay đã ngoài 80 cho biết: “Nghĩa trang này có hơn 30 năm nay, bất tiện nhiều lắm, mưa to là nước tràn ra ngõ đi, có khi tràn vào nhà dân, kéo theo cả rác rưởi với vài cái kim tiêm theo dòng nước ra đường”.
Ngoài những hộ dân được coi là thổ cư lâu năm, quanh đây còn có rất nhiều dãy nhà trọ của người lao động từ các nơi đổ đến và sinh viên của nhiều trường đại học lân cận. Họ về đây thuê trọ đồng nghĩa là chịu chấp nhận và tập thích nghi với cuộc sống bên cạnh… người âm.
|
Phần mộ và nhà dân... chung vách. |
Bà Nguyễn Thị Hoa, một người thuê trọ kể: “Những hôm đi làm đêm về ngang qua lối này lúc nào cũng rợn hết cả da gà bởi tiếng dế, tiếng cóc kêu vọng ra từ trong khu mộ. Hôm bữa, nửa đêm tiếng mèo hoang kêu liên hồi như tiếng trẻ con khóc, nhớ lại sáng hôm ấy có người đến thắp hương làm lễ cho người thân mà càng rợn tóc gáy”.
Nói đoạn, bà chỉ ra phía bờ tường khuất: “Biết mấy đứa con gái sinh viên yếu bóng vía, có hôm vài thanh niên đi chơi muộn nấp sau bờ tường đợi có con gái qua là nhẩy ra hù khiến chúng ré lên kinh hãi”.
Theo quan sát, ở đây có những ngôi mộ nằm sát với tường nhà dân, mở cửa là thấy bia mộ, bát hương. Những hôm nắng ráo, người dân bên đường còn tận dụng bờ tường, vòm mộ để phơi phóng và kê gác đồ đạc.
|
Mở cửa thấy mộ, hé cửa thấy bát hương. |
Võ Thành Nam - sinh viên năm cuối ĐH GTVT: “Mới đầu đến đây em cũng thấy lạ và sợ, có những hôm thức đêm ôn thi, mở cửa sổ là trông ra nghĩa trang, ánh lập lòe của đom đóm nhìn trông rất ma mị, nhất là hôm nào không có trăng hay ánh sáng hắt từ đèn nhà dân còn không dám mở cửa”.
Sống trong sợ hãi
Về đêm, những phiến bia, ngôi mộ trở thành địa điểm cho con nghiện tìm đến, kim tiêm vương vãi khắp nơi nhiều nơi dưới chân những ngôi mộ. Người dân sợ ma thật thì ít nhưng hãi “ma người” thì nhiều.
Một chủ trọ ở đây cho biết, có trường hợp cô sinh viên năm nhất yếu bóng vía mới về Hà Nội nhập học, nửa đêm thức giấc ngó ra cửa sổ thì giật mình hồn vía thất kinh khi thấy có bóng đen lúi húi. Sáng hôm sau một mực dọn đồ chuyển đi vì nghĩ đó là ma, thực ra là con nghiện ban đêm vào hút chích.
|
Kim tiêm của người nghiện bỏ lại, thỉnh thoảng người dân ở đây phải nhặt bớt đi. |
“Tôi đi tối muộn ngang qua đây còn sợ chứ không nói phụ nữ hay trẻ nhỏ. Trong này rất nhiều kim tiêm của con nghiện bỏ lại, thỉnh thoảng người dân ở đây phải nhặt bớt đi. Chúng tôi cũng phải dặn và thường xuyên để mắt tới lũ trẻ không được đùa nghịch trong khu này”. Ông Hùng, người dân ở đây chia sẻ.
Ông Hưởng có nhà ngay cạnh những ngôi mộ: “Người dân kiến nghị nhiều và từ lâu rồi, mong sao di dời được khu nghĩa trang này ra một nơi tập trung xa khu dân cư”.
Theo Đức Cảnh/Dân Việt