Có độ nó rộ lên thành một trào lưu, hầu như quận nào cũng có. Nhưng giữa thời đại thực phẩm ê hề này, thật sự, tôi và mấy đứa bạn vẫn nhớ mãi cái gánh bún đậu mắm tôm đơn giản chỉ bún, mắm và đậu rán chứ không thịt, chả gì, được bán mỗi trưa ở trước cổng Thư viện Khoa học-Kỹ thuật Hà Nội những năm 90 cũ.
Riêng tôi, vốn mê xôi, thậm chí từng có thời được bạn bè trêu là "thần xôi" sau một bữa làm 6 suất liền ở Lò Đúc, lúc nào cũng thèm món xôi xéo. Hai mươi năm trước vào Nam lập nghiệp, lạ nước lạ cái, chẳng kiếm đâu một chỗ bán xôi xéo đúng theo nỗi thèm của mình, tôi còn từng nghĩ rằng miền Nam không có xôi xéo. Rồi cũng đến lúc kiếm ra, nhưng vẫn chưa bao giờ được thưởng thức xôi xéo như mình mong nhớ. Đó là thứ xôi đơn giản, có thể gọi là xôi chay cũng được, gói trong lá sen như của bà lão bán ở phố Hàn Thuyên mỗi sáng, từ thuở tôi còn học phổ thông. Thứ xôi gói lá sen ấy giờ hiếm rồi. Đi đâu cũng thấy hộp giấy, hộp nhựa. Rồi cái thơm của mỡ, của đậu, của hành phi đã bay biến cả khi hộp xôi phủ đầy thêm nào trứng, nào chả, nào thịt, nào gà...
Đến một bữa, hẹn cafe ăn sáng với một ông anh thân, tôi mới được trải lại cái xôi xéo đơn giản đúng nghĩa kia. Ông anh này biết tôi mê xôi, đặc biệt là xôi xéo, nên hôm ấy đã mang tới cafe 2 gói xôi lá sen đúng nghĩa làm tôi mắt tròn mắt dẹt vì ngạc nhiên. Nhưng hỏi ông ấy địa chỉ bán, dứt khoát không bao giờ ổng nói. Ổng cứ ráo hoảnh "Để anh với chú còn có cớ ngồi cafe với nhau. Hê hê... Chú cứ thèm xôi xéo thì chú gọi anh. Anh kêu "ship" đến tận nhà". Cái tính ông này kỳ quặc lạ. Tôi đã thuộc diện "khẳn" rồi, ông ấy còn "khẳn" hơn tôi tới mấy lần. Bởi thế, biệt danh của ổng là "khẳn" luôn và món xôi xéo ổng mời, tôi gọi là xôi xéo ông "khẳn" chứ thực ra, giữa thành phố này, chẳng có hàng xôi nào lấy tên ấy cả.
Bữa sớm nay, ngồi cafe với ông "khẳn", lại thèm món xôi. Thế là bâng quơ nhắc "đểu" rằng "anh hẹn em cafe mà không mang xôi xéo theo là như thế nào? Tình anh em dạo này xuống dốc quá". Ổng cười hi he "chú thích xôi thì 30 giây nhé". Nói là làm, ông ấy đặt xe trên một ứng dụng phổ biến. Và cũng chỉ chừng hơn chục phút sau, ổng đã đặt gói xôi trước mặt tôi đàng hoàng. Chứng tỏ, chỗ mua xôi bí hiểm của ổng cũng ở gần nơi chúng tôi cafe thôi. Kiểu gì tôi cũng sẽ điều tra ra. Làm sao giấu mãi được?
Ngồi nhẩn nha với gói xôi, với cafe sáng, với chuyện trên trời dưới bể rồi lại quay về với chuyện... mua xôi. Vốn hay thích trêu chọc anh lớn, tôi thả thính nhẹ "anh mới có bồ mới hay sao mà bữa nay nhã nhặn với cu "shipper" thế? Xưa nay, tính anh "mắm tôm" bỏ xừ, có đứa "shipper" nào làm anh ưng ý đâu?. Ai ngờ, ổng thả nhẹ hơn: "Ừ, thật ra, bữa rồi xem vụ cậu Mạnh giao hàng cứu em bé rơi từ tầng 12 ở Hà Nội, tự dưng anh thấy mình khó tính quá. Họ cũng chỉ là người giao hàng, kiếm miếng cơm. Ngày nào cũng gặp vài thằng "khẳn" như mình, chịu sao nổi".
Chỉ một câu ấy thôi cũng đủ khiến tôi yên lặng. Ngẫm lại, mình nhiều lúc cũng hay cáu bẳn với những người giao hàng. Đặc biệt là hôm nào đang làm việc dở tay, có điện thoại báo người ta giao đồ tới, cậu nào mà ăn nói không mạch lạc, y như rằng kiểu gì tôi cũng thái độ này nọ. Rồi ngẫm về cả cái sự "bom hàng" vẫn thỉnh thoảng được báo chí đưa tin đó đây, tự dưng thấy con người nhiều khi quá tàn nhẫn. Không hẳn tất cả những người giao hàng đều tốt tính nhưng không phải tất cả những người làm nghề đó đều kém cỏi, thấp hèn, và thái độ dịch vụ tồi. Thế gian người này người nọ. Nghề nào cũng kẻ này kẻ kia. Xấu tốt không bàn, nhưng trong một mối liên hệ, dù chỉ là duy nhất một lần, nhiều khi thuận hay không là do thái độ từ cả hai phía chứ đâu đơn thuần chỉ từ phía một người, mà cụ thể ở đây là những người giao hàng.
Rồi từ những nghĩ suy kia, tôi nhớ về chuyện của Mạnh, của sự xoay chiều trên thế giới mạng về hành động của cậu. Đúng là kể từ khi có mạng xã hội, rất nhiều câu chuyện "trào lưu" thường diễn ra theo một kịch bản rất chung. Đó là đầu tiên thì khen hoặc chê. Sau đó bắt đầu có dòng chảy ngược chiều mạnh mẽ không kém. Rồi cãi nhau. Rồi nhạt dần khi bắt đầu có một tâm điểm thu hút khác.
Tôi sẽ không bàn đến chuyện của Mạnh vì đã quá nhiều người bàn luận rồi mà tôi chỉ muốn nói đến thái độ của chính mỗi chúng ta thôi. Có phải rằng cái việc "nói ngược" lại chỉ đơn thuần là muốn chứng minh chân lý? Hay nó là tâm lý bắt đầu cảm thấy bực bội khi bỗng dưng ai đó được tôn vinh? Hoặc, có khi nào nó chính là cái tập quán chung là muốn "bóc trần" người khác để rồi mai mỉa?
Tự dưng, tôi nhớ đến hồi lũ lụt năm qua. Cũng từ một người được cộng đồng nể phục, ngợi khen, Thuỷ Tiên bắt đầu trở thành nơi để người ta thi nhau "bóc phốt". Sự thật là gì chúng ta liệu có biết? Trong khi đó, thứ sự thật mà đa số chúng ta được chứng kiến chỉ là việc cô ấy đi vào vùng lũ, sống trong vùng lũ là có.
Nhắc đến Thuỷ Tiên, lại nhớ cả chuyện của chồng cô, Công Vinh. Năm 2008, bàn thắng của Vinh giúp ĐTQG Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup. Thế nhưng, đằng sau những tôn vinh cũng có cả một đám đông khác mỉa mai cậu. Cho tới tận hôm nay, 13 năm trôi qua rồi, vẫn còn đầy kẻ nhắc tới bàn thắng đó với luận điệu "bóng tự dưng từ đâu rơi vào lưng". Công Vinh có làm gì xấu với cá nhân mỗi chúng ta, có làm hại cá nhân mỗi chúng ta không? Tại sao lại có những người thù ghét cậu ấy vô cớ đến thế?
Và nếu mỗi người nhìn lại những điều mình thường trải qua, mình thường gặp, rất có thể ta sẽ nhìn thấy thái độ chê bai, mỉa mai này phổ biến lắm. Đời sống đúng là rất cần phê bình, phê phán, nhưng sự phê phán công tâm khác rất xa và có giá trị rất lớn so với kiểu chê bai, dè bỉu tầm thường. Mai mỉa thay, càng những gì tốt đẹp thì lại càng dễ bị sa vào bẫy dư luận xấu xa ấy. Có lẽ nào, vì người ta bị bủa vây bởi cái xấu xa nên người ta không tin vào điều tốt đẹp, và do đó, người ta phải dìm điều tốt đẹp xuống cho nó đồng đều với xấu xa?
Suy cho cùng, cái đáng sợ nhất không phải là con người không dám đứng lên chống lại cái xấu, cái ác; không phải là con người không dám lên tiếng phê phán cái xấu, cái ác; mà là cái thái độ ngờ vực điều tốt, lòng thiện, và cả cái tâm nhân bản, vị tha.
Tự dưng, dư vị của gói xôi xéo sáng nay nó đắng lạ. Không phải vì cafe, không phải vì ông "khẳn" kia còn bí mật mãi cái địa chỉ. Nhưng đó là cái dư vị đắng mà tôi quá cần lúc này. Tôi cũng sẽ không đi tìm kiếm địa chỉ bán xôi xéo kia nữa làm gì. Bởi tôi vẫn cứ để ông "khẳn" là người mua xôi cho mình. Bởi mỗi lần ấy, như bữa nay, nghe ông ấy dịu dàng lại một chút với người giao hàng kia, tôi cũng học được ít nhiều. Sự thay đổi chính mình, từ những gì nhỏ nhất ấy, thật ra không phải là dễ, mà đến từ chính những cái thiện, đẹp của cuộc đời; những cái thiện, đẹp mà ta may mắn khi đặt nó vào lòng mình vẹn nguyên, không để bị dính bẩn bởi những thị phi trơ tráo bên ngoài.
Theo CAND