Ngày 4/8, như báo chí đã đưa tin, ông Oki Toshiyuki (83 tuổi, người Nhật Bản) đi dạo quanh khu vực trung tâm quận 1 (TP.HCM) vào chiều 3/8 thì có một người đạp xích lô đẩy xe theo mời đi.
Khi gần đến chợ Bến Thành, ông Oki Toshiyuki đồng ý thuê người đàn ông này chở về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside trên đường Tôn Đức Thắng.
Khi tới nơi ông Oki Toshiyuki trả cho người đàn ông 500 ngàn đồng, tuy nhiên anh này tỏ ý đòi thêm. Dù vậy, khi ông Oki chưa kịp rút thêm tiền thì bị người đàn ông bất ngờ thò tay vào bóp lấy thêm các tờ tiền mệnh giá 500 và 200 ngàn rồi bỏ đi.
Theo ghi chú trong cuốn sổ mang theo, ông Oki đã phải trả 2,9 triệu đồng cho chuyến xích lô dài khoảng 1,5km. Dù vậy du khách lớn tuổi này vẫn cho rằng, lỗi là của mình vì đã không hỏi giá trước khi lên xe.
Trước nạn "chặt chém" đang hoành hành trên nhiều địa điểm du lịch, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM, không ít ý kiến cho rằng đã đến lúc các cơ quan quản lý cần phải mạnh tay hơn nữa để cải thiện bộ mặt du lịch với bạn bè quốc tế.
|
Ông Oki Toshiyuki chia sẻ về việc bị xích lô "chặt chém". |
Trao đổi với
Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật - Đoàn LS TP HCM) cho biết hành vi của lái xe xích lô có đủ điều kiện để truy cứu hình sự.
"Hành vi này làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của các địa điểm du lịch nói riêng và Việt Nam nói riêng. Dù báo chí đã phản ánh sự việc này rất nhiều, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc nhưng cảm tưởng mọi thứ vẫn chưa thể dứt điểm. Vấn nạn chặt chém, hét giá, mồi chài du khách... vẫn tồn tại một cách ngang nhiên.
Hãy thử đặt tình huống nếu mình đi du lịch nước ngoài bị như thế hoặc bị trộm cắp, cướp giật thì sẽ ra sao? Việt Nam đẹp, người dân mến khách thân thiện. Nhưng còn có một thực trạng đáng buồn khác như đã nêu làm cho rất nhiều khách du lịch không bao giờ trở lại Việt Nam" - luật sư Bình nêu quan điểm.
|
Ông Oki Toshiyuki chụp ảnh cùng gia đình trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. |
Theo phân tích của luật sư Diệp Năng Bình, trên bản đồ, từ chỗ ông Oki thuê xích lô và đến khách sạn là 2,1 km. Đó là một đoạn đường khá gần. 500.000 đồng là quá lời cho một cuốc xích lô. Tuy nhiên, hành vi tự ý thò tay vào ví của ông cụ, lấy hết 5 tờ 500 ngàn và 2 tờ 200 ngàn của cụ rồi bỏ đi của anh xích lô trong trường hợp này đã đủ yếu tố cấu thành nên tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác, còn nếu dùng vũ lực uy hiếp phải giao tiền thì đó là tội Cướp tài sản.
Tại Khoản 1, Điều 172 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản: Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng (...), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tội này có dấu hiệu sau: Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, không cần che giấu, được thực hiện trước mặt bị hại và những người khác. Việc thực hiện hành vi chiếm đoạt này thường là do người phạm tội biết bị hại không dám hoặc không có đủ khả năng tự vệ (như biết bị hại là người già yếu, người bị hại là trẻ em, người từ nơi khác đến…).
Mặt khác, có thể thấy việc thực hiện hành vi chiếm đoạt xảy ra bình thường, không nhanh chóng, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như đối với tội cướp giật tài sản. Đối với hành vi công nhiên chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên ( sau khi trừ đi 500.000 đồng mà cụ đã đồng ý trả ban đầu ) thì đã đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
>>> Xem thêm: Bị chặt chém khi đi du lịch - du khách cần làm gì?
Quý An