Trong phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và nhiều bị cáo khác liên quan tới vụ án chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, chiều 16/1, đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình được HĐXX yêu cầu tham gia phần thẩm vấn.
Mâu thuẫn giữa Sở Nội vụ và Sở Y tế Hòa Bình
Ngoài việc đề cập đến vấn đề pháp lý thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo (hay còn gọi là Đơn nguyên thận lọc máu) thuộc khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, HĐXX, đại diện Viện kiểm sát cùng các luật sư cũng đưa ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc xử lý sau khi sự cố xảy ra, có nhất thiết phải xét nghiệm AAMI sau khi sửa chữa hệ thống RO hay không.
Tại tòa, bà Bùi Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, sau khi xảy ra sự cố chạy thận, Sở Y tế Hòa Bình đã có cuộc họp Hội đồng chuyên môn do bà Hằng là chủ tịch. Cuộc họp này có 7 người, gồm các cán bộ có liên quan, có hiểu biết về lĩnh vực chạy thận, trong đó có 4 chuyên gia của BV Bạch Mai.
|
Bà Bùi Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình. |
“Hội đồng chuyên môn khi đó chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân, nhưng khẳng định đây không phải là sốc phản vệ, sốc phản vệ không thể xảy ra hàng loạt như thế. Sau này, theo kết luận của Hội đồng chuyên môn, quy trình chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đúng theo quy trình BV Bạch Mai đã chuyển giao. Nguyên nhân là ngộ độc qua đường máu, liên quan đến chất lượng nguồn nước RO”, bà Hằng nói và cho rằng, việc xử lý sự cố của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là “phù hợp và có nhiều cố gắng”.
Đáng chú ý, khi trả lời về việc ông Trương Quý Dương (lúc làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) đã ra quyết định thành lập Đơn nguyên nhân tạo là đúng hay sai.
Bà Hằng cho biết, trước thực tế mỗi năm có khoảng 15 nghìn lượt chạy thận trên địa bàn toàn tỉnh, các bệnh nhân phải rất vất vả khi phải về Bệnh viện Bạch Mai mới có thể chạy thận; Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 1816 về chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới để bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại tuyến dưới.
Căn cứ vào yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai đã khảo sát và chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đồng thời cử 3 cán bộ lên hỗ trợ BVĐK tỉnh trong 3 tháng đầu.
“Dựa trên điều kiện thực tế, Giám đốc Bệnh viện hoàn toàn có quyền thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo. Việc thành lập khoa thì phải báo cáo Sở Y tế, nhưng thành lập những Tổ, Đơn nguyên thì không phải báo cáo. Không có quy định nào bắt buộc phải báo cáo,” Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình khẳng định.
Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh đã công bố Công văn số 6466 năm 2018 của Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Việc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tự ý thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo là không đúng với quy định của pháp luật”.
Bà Bùi Thu Hằng cho biết, sự mâu thuẫn giữa hai Sở thuộc cùng một địa bàn tỉnh là do mỗi ngành có một đặc thù riêng.
“Sở Nội vụ căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, tuy nhiên ngành y tế cũng có những quy định đặc thù riêng. Tôi không trả lời về căn cứ pháp lý mà trả lời trên căn cứ thực tế,” Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình trả lời.
Bà Hằng tiếp tục khẳng định: “Với góc độ của ngành, với nhiệm vụ và điều kiện thực tế, chúng tôi khẳng định việc triển khai nhiệm vụ như vậy. Chúng tôi cũng đã cấp chứng chỉ và rà soát Thông tư 41, và thấy Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo là hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ được giao”.
Cũng theo bà Hằng, căn cứ kết quả đào tạo và chuyển giao cũng như điều kiện thực tế, bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hợp đồng với Công ty Thiên Sơn là hoàn toàn phù hợp với Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện liên doanh liên kết trong khám chữa bệnh.
Không nhất thiết phải xét nghiệm AAMI
Trả lời câu hỏi về việc thanh tra đối với Bệnh viện tỉnh Hòa Bình, bà Hằng cho biết, theo định kỳ hàng năm Sở Y tế tỉnh Hòa Bình tiến hành thanh tra thường xuyên 2 lần, có thể có kiểm tra đột xuất. Bà Hằng cho biết có 1 lần thanh tra liên quan đến việc chạy thận vào năm 2014 và có kết luận thanh tra.
Bà Hằng cho biết, thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế nhưng không thể nhớ hết được. HĐXX sau đó đề nghị bà Hằng cung cấp kết luận thanh tra năm 2014 ngay trong tuần này.
Trả lời câu hỏi của VKS về việc, theo kết quả điều tra thực tế, quy chế của bệnh viện và Đơn nguyên thận nhân tạo, quy định vị trí việc làm phải có kỹ thuật viên. Dù vậy từ năm 2014 đến khi xảy ra sự cố y khoa là 3 năm, đơn nguyên này không có kỹ thuật viên, có nghĩa là Đơn nguyên lọc máu không đầy đủ vị trí việc làm, trách nhiệm này có liên quan đến Sở Y tế không?, bà Hằng cho biết, bản thân cơ quan này không thể đi bố trí được mà là sự đào tạo, bố trí của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
|
Bác sĩ Hoàng Công Lương. |
Khi trả lời câu hỏi của Luật sư Trần Hồng Phúc – người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương về việc trong sự cố ngày 29/5, Lương có sai sót gì về chuyên môn không?, đại diện Sở Y tế khẳng định, Lương và các bác sĩ khác đã thực hiện phù hợp với diễn biến của bệnh nhân đang chạy thận lọc máu, không sai về quy trình. Còn các vấn đề khác có đúng quy trình hay không còn phải phụ thuộc vào phân công của lãnh đạo Bệnh viện.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, bác sĩ điều trị thì chỉ phải chịu trách nhiệm ra y lệnh, chữa trị. Ngoài ra, điều dưỡng cũng phải kiểm tra nguồn nước, tuy nhiên triển khai như thế nào do BV phân công.
Đại diện Sở Y tế cho rằng, không nhất thiết phải tiến hành xét nghiệm AAMI sau sửa chữa hệ thống RO. Bởi đây là tiêu chuẩn của Mỹ, việc xét nghiệm cần từ 10 đến 14 ngày nên không Bệnh viện nào có thể chờ được.
Trần Văn Sơn bất ngờ với lời khai của Hoàng Công Lương
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phòng Vật tư BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình khi trả lời câu hỏi của Kiểm sát viên về lời khai của bị cáo Hoàng Công Lương cho rằng bị cáo Sơn là người phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước? đã nói bị cáo rất bất ngờ.
“Bị cáo bị bất ngờ khi nghe nói bị cáo phải chịu trách nhiệm về nguồn nước vì bị cáo không có chuyên môn…. Việc nhân viên kỹ thuật phải chịu trách nhiệm vì nguồn nước thì đúng là hôm qua bị cáo mới nghe lần đầu”, bị cáo Trần Văn Sơn nói.
Trong khi đó, trả lời các câu hỏi của đại diện VKS, bị cáo Trần Văn Sơn cũng thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố và đồng ý với tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". “Bị cáo thừa nhận lỗi vì đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Trần Văn Sơn thừa nhận.
Về Hợp đồng số 315 được ký ngày 25/5/2017 giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Sơn cho hay bị cáo không biết và không tham gia soạn thảo hợp đồng này.
Một chi tiết khác trong cáo trạng cũng được Sơn thừa nhận tại tòa, đó là việc biên bản bàn giao thiết bị được lập sau khi sự cố chạy thận xảy ra.
Theo cáo trạng, Trần Văn Sơn là Kỹ thuật viên Cao đẳng y, được tập huấn tại Bệnh viện Bach Mai và được cấp chứng chỉ về quản lý và bảo dưỡng trang thiết bị y tế. Trần Văn Sơn được Trưởng phòng vật tư là Trần Văn Thắng giao nhiệm vụ quản lý, sửa chữa thiết bị y tế của Đơn nguyên lọc máu, là người lập đề nghị mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng thay thế phụ tùng và trao đổi với Bùi Mạnh Quốc thực hiện việc sửa chữa máy RO số 2.
Tuy nhiên, trong quá trình Quốc sửa chữa máy RO số 2, Sơn đã không có mặt để giám sát, chỉ trao đổi qua điện thoại. Sơn biết rõ Quốc chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng sáng ngày 29/5/2017, khi có mặt tại Đơn nguyên lọc máu, Sơn vẫn để cho Đơn nguyên lọc máu đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Hải Ninh