Xét xử vợ chồng Đường “Nhuệ”: Tiến “trắng” tố bố mẹ nuôi tại tòa

Google News

Ngay đầu phiên tòa, Bùi Mạnh Tiến tỏ ra nóng nảy và liên tục xin tòa xử mình 20 năm tù. Bị cáo cho nói rằng, bị bố mẹ nuôi đối xử tệ bạc.

Sáng 17/11, TAND tỉnh Thái Bình xử sơ thẩm vụ cưỡng đoạt tài sản đối với vợ chồng bị cáo Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”, SN 1971, trú TP Thái Bình), Nguyễn Thị Dương (SN 1980) cùng 5 bị cáo Bùi Mạnh Tiến (Tiến “trắng”, SN 1995, trú tại huyện Vũ Thư), Ninh Đức Lợi (SN 1974), Quách Việt Cường (Cường “Sơn La”, SN 1974), Phạm Văn Úy (SN 1989, cùng trú TP Thái Bình), Nguyễn Khắc Nin (SN 1979, trú huyện Kiến Xương) về tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.
Đáng chú ý, ngay đầu phiên tòa, khi Hội đồng xét xử tiến hành tra hỏi lý lịch các bị cáo, bị cáo Bùi Mạnh Tiến (Tiến "trắng") tỏ ra nóng nảy và liên tục xin tòa xử mình 20 năm tù.
Xet xu vo chong Duong “Nhue”: Tien “trang” to bo me nuoi tai toa
 Bị cáo Nguyễn Xuân Đường tại tòa.
Bị cáo Bùi Mạnh Tiến từ chối các luật sư được mời bảo vệ quyền lợi cho mình. Đồng thời, bị cáo không khai báo nhân thân, căn cước và nói rằng "muốn nói việc khác, xong sẽ chấp hành".
Bị cáo Tiến cho rằng, bản thân bị bố nuôi Nguyễn Xuân Đường và mẹ nuôi Nguyễn Thị Dương đối xử tệ bạc. "Tôi chẳng nợ nần gì ông bà ấy cả, chỉ có ông bà ấy nợ tôi"- Bùi Mạnh Tiến nhấn mạnh tại toà và tiếp tục nói rằng, bị cáo chỉ được cái mác con nuôi cho oai.
“Từ sau ngày 20/8, thì tôi đã biết mình bị lừa, chẳng qua là tôi giả vờ không biết để tương kế tựu kế thôi, ông bà ấy đã bất nhân thì không thể trách tôi bất nghĩa”- Tiến liên tục nói tại tòa. Bị cáo này gay gắt: “Tôi xin tòa xử 20 năm và không tranh luận gì thêm”.
Khi chủ tọa cho biết, ý kiến tranh luận sẽ được trình bày sau, giờ mới kiểm tra căn cước nhưng Tiến giơ lên tờ giấy lên tiếp tục nói: "Phải cho tôi nói hết, chữ này bé khó đọc".
Tại phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Xuân Đường đề nghị triệu tập các bị hại, nếu tòa triệu tập nhưng các bị hại không có mặt thì phải áp dụng biện pháp mạnh hơn.
"Bây giờ Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát truy tố bị cáo phạm tội cưỡng đoạt nhưng bị cáo không cưỡng đoạt ai. Vậy nên tòa phải triệu tập đến đây những người được cho là bị hại, những người đấy phải có mặt để tranh luận, đối chất. Nếu không, bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa"- bị cáo Đường nói.
Đồng thời, bị cáo Đường đề nghị chủ tọa thay kiểm sát viên Phạm Danh Phong vì "bị cáo không được nghe, không được giao cáo trạng".
Tại phiên tòa sáng 17/11, chỉ có 4/25 bị hại tham dự phiên toà sơ thẩm. Do vắng mặt nhiều bị hại cũng như người làm chứng, các luật sư của bị cáo đề nghị hoãn phiên toà và triệu tập bị hại trong phiên toà khác để luật sư đối chứng nội dung vụ án.
Luật sư cũng đề nghị TAND làm rõ việc thông báo xét xử Nguyễn Thị Dương (vợ Đường "Nhuệ") tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự. Bởi, theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thái Bình truy tố Nguyễn Thị Dương tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo khoản 2, Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Hà Trọng Đại, luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Đường cũng đề nghị triệu tập ông Trần Đình Giao - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long (gọi tắt là Công ty Hoàng Long), bà Vũ Thị Kim Quy - Giám đốc đại diện pháp luật Công ty Hoàng Long và ông Trần Ngọc Tân - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Hoàng Long. Đây là những người có vai trò quan trọng đối với vụ án này.
Ngay sau đó, bị cáo Nguyễn Xuân Đường lại bất ngờ đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xử.
"Bị cáo mong tòa vẫn cứ xử, việc triệu tập bị hại vẫn cứ tiến hành. Bị cáo chờ ngày này lâu lắm rồi. 2 năm qua bị cáo sống trong cay đắng. Mang tiếng cả gia đình bị cáo “ăn trên xác chết”. Trong khi bị cáo khẳng định không cưỡng đoạt tiền của ai..." - bị cáo Đường nêu ý kiến.
Bị cáo Nguyễn Xuân Đường cũng "thiết tha được khai tất cả sự việc xảy ra trong vụ án này".
Trước yêu cầu này của Nguyễn Xuân Đường, một luật sư bào chữa khuyên Đường bình tĩnh. Luật sư này cho rằng, các luật sư đề nghị hoãn phiên toà và triệu tập người bị hại xuất phát từ lợi ích của bị cáo.
Tại phiên tòa, kiểm sát viên Phong cho biết, đã giao cáo trạng cho Đường "Nhuệ" ký, ghi ý kiến vào biên bản giao nhận ngày 25/6. Kiểm sát viên không có nghĩa vụ phải đọc cáo trạng khi giao nên ý kiến của bị cáo không có căn cứ, đề nghị tòa tiếp tục xét xử.
Đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị HĐXX tiếp tục phiên toà sơ thẩm. HĐXX xét thấy sự vắng mặt của bị hại không ảnh hưởng tới phiên toà nên phiên xét xử vẫn tiếp tục. Đồng thời, yêu cầu thay đổi kiểm sát viên của Đường “Nhuệ” không được HĐXX chấp thuận.
Sau phần thông báo của HĐXX, một số luật sư bào chữa cho 2 bị cáo Đường và Dương đã bỏ ra ngoài phòng xử án.
>>> Mời độc giả xem thêm video Góc khuất đằng sau vụ án Đường "Nhuệ" và các đồng phạm liên quan:

Nguồn: VTV24

Tâm Đức