Xét xử Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: An ninh phiên tòa thắt chặt

Google News

Sáng sớm 19/9, an ninh phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 được thắt chặt, bên trong và ngoài TAND TP.HCM có rất nhiều chiến sĩ cảnh sát.

Sáng 19/9, TAND TP.HCM chính thức tổ chức phiên xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Từ lúc 5h sáng, nhiều chiến sĩ cảnh sát có mặt bên trong và ngoài trụ sở tòa án.

Xet xu Van Thinh Phat giai doan 2: An ninh phien toa that chat
 

Xet xu Van Thinh Phat giai doan 2: An ninh phien toa that chat-Hinh-2
Các lực lượng an ninh bên ngoài phiên tòa Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Ảnh: Chinh Hoàng 
Liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở giai đoạn 2, tòa đã có quyết định đưa ra xét xử đối với 34 bị cáo vào ngày 19/9 với các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" 
Phiên tòa dự kiến kéo dài 1 tháng, do bà Nguyễn Thị Hà làm chủ tọa. Trong vụ án này có 35.824 bị hại.

Theo cáo trạng xét xử giai đoạn 2, Viện kiểm sát xác định bà Trương Mỹ Lan có 3 hành vi phạm tội, nặng nhất là lừa đảo theo Điều 174 với khung hình phạt tù chung thân.

Bà Trương Mỹ Lan là chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đồng thời nắm trên 90% cổ phần tại Ngân hàng SCB. Người phụ nữ này còn lập hàng loạt công ty "ma", không hoạt động, thuê người thành lập công ty, ký khống tài liệu… nhằm phục vụ các hoạt động tài chính của Vạn Thịnh Phát.

Tính đến tháng 10/2022, tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tới 1.460 công ty (gồm 46 công ty nước ngoài) và gần 1.800 người để đứng tên doanh nghiệp, đứng tên các khoản vay.

Trong số các doanh nghiệp thuộc Vạn Thịnh Phát, có 656 công ty vay tiền của SCB, hiện 435 công ty còn dư nợ, đều thuộc nhóm 5 (không có khả năng thu hồi); 85 công ty được dùng để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và 63 công ty dùng để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về.

Từ năm 2018-2020, bà Lan cùng đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện mất khả năng thanh toán của 4 pháp nhân gồm: Công ty Bất động sản An Đông, Công ty Đầu tư An Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Dịch vụ Thương mại TP.HCM.

Việc phát hành trái phiếu được thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và nhân viên Ngân hàng SCB. Số 25 gói trái phiếu này có tổng giá trị 30.869 tỷ đồng và đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.

Ngoài việc lừa đảo 30.081 tỷ đồng nói trên, Trương Mỹ Lan còn tham ô hơn 415.000 tỷ đồng của ngân hàng SCB (đã bị xử lý ở phiên tòa hồi tháng 4), tổng hai khoản lên tới hơn 445.000 tỷ đồng.

Trương Mỹ Lan "rửa sạch" số tiền khổng lồ nói trên bằng cách sử dụng hàng nghìn pháp nhân, cá nhân để chuyển tiền lòng vòng, rút tiền mặt ra chi tiêu, đầu tư... Việc này diễn ra trong giai đoạn 2018-2022.

Với hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bà Lan bị cáo buộc cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỷ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật; tổng số được vận chuyển trái phép tương đương hơn 106.730 tỷ đồng. Bà Lan khai tiền chuyển về Việt Nam là đi vay, còn ở chiều ngược lại là trả nợ.

Trong vụ án này, tỷ phú Hồng Kông, Chu Lập Cơ (Chu Lap Kee Eric - chồng bà Trương Mỹ Lan) bị truy tố về hành vi rửa tiền trong vai trò đồng phạm với vợ là Trương Mỹ Lan. Ông Cơ trước đó bị phạt 9 năm tù do thông đồng, vay sai quy định để rút tiền của SCB và hiện đang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Chiều hôm qua (18/9), TAND TP.HCM đã chuẩn bị hoàn tất dựng rạp với hàng trăm ghế, màn hình chiếu cỡ lớn đặt phía bên ngoài lối đi vào chính diện để chuẩn bị cho phiên xét xử.

 

Theo Chinh Hoàng - Xuân Huy/Dân Việt