Ngày 17/7, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Văn Kính Dương và 9 đồng phạm về hành vi sản xuất, buôn bán trái phép chất ma túy. Đây là đường dây sản xuất ma túy lớn nhất cả nước từ trước đến nay do Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với công an các tỉnh thành triệt phá.
Tại phiên xét xử ngày 16/7, dư luận đặc biệt quan tâm về việc ông Văn Trọng Thái,
bố “trùm” ma túy Văn Kính Dương thừa nhận con trai mình từng liên hệ với gia đình trong thời gian trốn nã để hỏi vay tiền.
Thấy con nhanh nhạy nên ông tin tưởng và đã đưa cho Dương 2 lần tổng cộng hơn 4 tỷ đồng để đầu tư mở nhà hàng, cà phê và nhờ mua nhà chung cư ở TP.HCM. Tại phiên tòa, Dương và bố đề nghị được trả lại hơn 4 tỷ đồng.
Dư luận đặt câu hỏi, ông Thái biết con là tội phạm bị truy nã nhưng không tố giác, liệu ông có phạm tội che giấu, không tố giác tội phạm hay không?
|
Ông Văn Trọng Thái, bố trùm ma túy Văn Kính Dương. Ảnh: Zing. |
Trả lời hội đồng xét xử về việc, nghĩ thế nào khi bị cáo Dương đang bị truy nã mà vẫn đưa tiền cho bị cáo mua nhà?
Ông Thái cho biết, ông chỉ có mỗi Dương là con trai. Do đó, khi nghe Dương nói ở TP.HCM làm ăn nên ông không nghi ngờ. "Tôi không biết cháu bị truy nã đặc biệt, chỉ nghĩ là cháu trốn trại”, ông Thái giải thích và bày tỏ mong muốn lấy lại số tiền 4 tỷ đồng vì tài sản của ông chỉ có bấy nhiêu.
Từ lời khai trên của ông Thái, dư luận yêu cầu cần làm rõ số tiền trên. Làm rõ số tiền đó do ông Thái gửi cho Dương nhờ mua nhà thật sự hay là hành vi tẩu tán tài sản của Văn Kính Dương.
Trước đó, TAND TP HCM từng trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền làm rõ vai trò của ông Văn Trọng Thái trong vụ án. Theo tòa án, bố Văn Kính Dương có thể có hành vi che giấu tội phạm. Bởi vì, ông này không trình báo khi Văn Kính Dương liên lạc với gia đình trong thời gian trốn truy nã.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra không đủ căn cứ xác định cha bị cáo Dương phạm tội "Che giấu tội phạm".
Theo quy định tại Điều 18 của Bộ luật Hình sự về tội Che giấu tội phạm nêu rõ: Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Theo quy định tại Điều 19 tội không tố giác tội phạm là: Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của bộ luật này.
Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của bộ luật này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trùm ma túy hầu tòa cùng hotgirl Ngọc Miu, đối mặt án tử hình
Tâm Đức