Trong phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và 11 đồng phạm trong vụ án Ethanol Phú Thọ, đại diện viện kiểm sát cũng thẩm vấn các bị can để làm rõ những thủ đoạn của Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong việc dùng tiền dự án mua 3.400m2 đất rồi chuyển nhượng lòng vòng để hưởng lợi.
|
Trịnh Xuân Thanh tại phiên toà. Ảnh: TTXVN
|
Theo cáo buộc, năm 2009 bị can Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch HĐQT PVC) bàn bạc với bị can Đỗ Văn Hồng (Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Đào Viên) thành lập Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc).
Trong quá trình PVC Kinh Bắc thực hiện hợp đồng, Thanh bàn bạc với Đỗ Văn Hồng tìm mua đất để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng. Cả hai cùng đi khảo sát và đồng ý mua lô đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng bàn bạc thống nhất phương án chỉ đạo PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng để có tiền mua đất.
Để hợp thức số tiền 25 tỷ đồng dùng mua đất, Thanh và Hồng bàn bạc thống nhất chuyển tiền tạm ứng thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc.
Viện kiểm sát cáo buộc, với mục đích sở hữu khu đất 3.400m2, Trịnh Xuân Thanh đã đề nghị Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng lại cho mình với giá 23,8 tỷ đồng.
Bị cáo Hồng khai nhận việc mua 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc sau đó chuyển nhượng lại cho gia đình Trịnh Xuân Thanh với số tiền 23,8 tỷ đồng. Đến nay gia đình ông Thanh đã chuyển trả 20,8 tỷ đồng, hiện vẫn còn nợ 3 tỷ đồng.
Kiểm sát viên công bố lời khai của bị cáo Hồng tại cơ quan điều tra thể hiện bị cáo không dám đòi tiền Trịnh Xuân Thanh vì vị trí của người này quá cao.
Trả lời về việc dùng tiền tạm ứng để thi công mang đi mua đất, Hồng lý giải: "Việc chi tiêu doanh nghiệp hoàn toàn không có quy định rõ đồng nào mua cá, đồng nào mua rau. Bị cáo thực hiện hợp đồng với PVC bằng nguồn lực khác của công ty. Bị cáo chỉ sai khi không thực hiện hợp đồng".
Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc bàn bạc với Hồng dùng tiền dự án mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo.
"Năm 2010, khi ông Hồng làm Công ty PVC Kinh Bắc thực ra chỉ là công ty liên kết, ông có nói chuyện định đầu tư resort ở Tam Đảo để bán, kinh doanh. Tôi có nói họ đầu tư đi tôi mua một căn" - Thanh nói và khai, đến năm 2016, khi lên Tam Đảo chơi, biết việc công ty của Hồng gặp khó khăn chưa triển khai được dự án nên mới nói vợ mình huy động bạn bè mua giúp hoặc giới thiệu.
Theo lời khai của Thanh tại tòa, những người góp tiền mua là vợ mình cùng ba người khác, gồm một người ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Trịnh Xuân Tuấn (em ruột bị cáo) và một phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Dư luận đặt ra câu hỏi, 4 người mà bị cáo Thanh tiết lộ trong việc tham gia "góp sức" bằng tiền mua biệt thự để "giải cứu" lô đất 3.400m2 giàu cỡ nào? Nguồn tiền của những người này có thực sự rõ ràng, minh bạch?
PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng: "Đảng và Chính phủ luôn khuyến khích người dân làm giàu chính đáng, dân có giàu nước mới mạnh. Tuy nhiên, trường hợp có đột biến về tài sản, đặc biệt là đối với cán bộ đang làm trong nhà nước, mức lương và thu nhập chưa đáp ứng được như thế thì phải có giải trình, lý giải vì sao? nguồn tiền từ đâu? Điều này cần phải làm rõ vì nếu họ có nguồn tiền không rõ ràng thì phải xử lý nghiêm".
Theo cáo trạng, để thực hiện việc chuyển nhượng khu đất, Trịnh Xuân Thanh đã thành lập Công ty Mai Phương và nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên chủ sở hữu. Sau đó, Đỗ Văn Hồng đã ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 3.400m2 cho Công ty Mai Phương.
Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT PVC, có sự chi phối ảnh hưởng đến hoạt động của PVC Kinh Bắc nên chỉ trả tiền mua thửa đất trên 20,8 tỷ, còn 3 tỷ không trả.
Đến nay trên hệ thống sổ sách kế toán của PVC Kinh Bắc vẫn hạch toán số tiền 3 tỷ đồng là khoản phải thu của Công ty Mai Phương.
Sau khi nhận chuyển nhượng từ PVC Kinh Bắc, ông Trịnh Xuân Giới tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ Công ty Mai Phương gồm cả thửa đất trên cho vợ của Trịnh Xuân Thanh là bà Trần Dương Nga.
Đến tháng 6-2016, vợ Trịnh Xuân Thanh tiếp tục chuyển nhượng công ty cho ông Kiều Đào Lâm (trú Vĩnh Phúc) với giá 45 tỷ đồng.
Hiểu Lam