Ngày 16/12, TAND Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và 12 đồng phạm trong vụ án MobiFone mua AVG. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 31/12/2019.
Đáng chú ý, trong số 14 bị cáo bị truy tố, xét xử tại vụ án này, hai cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn phải ra tòa với các cáo buộc về tội "vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "nhận hối lộ" với khung hình phạt có mức án cao nhất tới tử hình. Ông Phạm Nhật Vũ -cựu chủ tịch hội đồng quản trị AVG - bị truy tố về tội "đưa hối lộ".
Hồ sơ vụ án thể hiện, quá trình điều tra, ông Nguyễn Bắc Son thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội và nhận trách nhiệm trước pháp luật với vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Đồng thời, ông Son xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, trước đó, ở giai đoạn truy tố, ông Son chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, không thừa nhận vai trò chủ mưu, chỉ đạo MobiFone thực hiện dự án như kết luận của cơ quan điều tra.
|
Ông Nguyễn Bắc Son. |
Kết quả điều tra cũng làm rõ quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ, đã nhiều lần liên lạc, gọi điện thoại, nhắn tin cho ông Son để hối thúc mong muốn bán được sớm cổ phần. Hồ sơ vụ án cũng thể hiện, quá trình thực hiện dự án, ông Vũ đã gọi cho ông Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại, 206 tin nhắn để trao đổi, liên hệ và đề nghị ông Son chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa MobiFone với AVG. Trong khi đó, ông Nguyễn Bắc Son đã gọi cho ông Phạm Nhật Vũ tổng cộng 126 cuộc điện thoại và 139 tin nhắn để trao đổi về tiến độ, thúc đẩy dự án sớm hoàn thành.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc nhận số tiền lên đến 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Tuy nhiên đến thời điểm này, ông Son mới chỉ nộp lại số tiền hơn 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Lý do, dù bị can Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền.
Theo lời khai của ông Son, toàn bộ số tiền 3 triệu USD, ông Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần bà này từ TP HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền Son dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, con gái ông Son đã phủ nhận lời khai của bố mình. Do vậy, cơ quan tố tụng cho rằng, căn cứ kết quả điều tra, đến nay chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái ông Son).
Dư luận đặt câu hỏi, tại phiên xét xử sơ thẩm, liệu HĐXX có làm rõ được số tiền 3 triệu USD mà ông Nguyễn Bắc Son đã nhận hối lộ và có thu hồi được số tiền này?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự thì mọi chứng cứ, tình tiết của vụ án phải được làm sáng tỏ tại phiên tòa. Kết quả giải quyết vụ án là kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, tất cả các chứng cứ đều phải được kiểm tra, đánh giá, tranh luận công khai, tuân thủ nguyên tắc tranh tụng và các nguyên tắc cơ bản khác trong tố tụng hình sự như nguyên tắc chứng minh tội phạm, Nguyên tắc xác định sự thật, nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc suy đoán vô tội...
Trong vụ án này, ông Nguyễn Bắc Son khai nhận số tiền nhận hối lộ 3.000.000 USD đã đưa cho con gái. Tuy nhiên trong quá trình điều tra thì con gái ông Son không thừa nhận điều này nên cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để kết luận sai phạm của người này cũng như không đề cập xử lý thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với số tiền này. Đây là những vấn đề rất quan trọng trong vụ án hình sự bởi vậy tòa án cũng sẽ làm rõ những tình tiết này trong quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa sơ thẩm.
Luật sư Cường dẫn Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án như sau: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Ngoài ra nguyên tắc tranh tụng cũng quy định: Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.
Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Bởi vậy, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, tòa án sẽ làm rõ sự thật của vụ án là con gái ông Nguyễn Bắc Son có nhận, sử dụng số tiền đó không.
Trong trường hợp người này biết số tiền là do phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì sẽ bị xử lý hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đồng thời có trách nhiệm giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận từ Ông Nguyễn Bắc Son nêu trên.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trường hợp kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa cho thấy người phụ nữ này không nhận số tiền trên thì phải làm rõ số tiền mà ông Son phạm tội mà có đang ở đâu, ai đang cất giữ, quản lý có hành vi rửa tiền hay không, có đồng phạm hoặc người khác phạm tội khác hay không thì mới giải quyết vụ án một cách công bằng, triệt để, đúng pháp luật. Nếu không rõ được tình tiết này thì vụ án không thể kết thúc và không thể có kết luận thỏa đáng.
"Tình tiết này rất quan trọng, không chỉ liên quan đến yếu tố bỏ lọt tội phạm mà còn liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản tham nhũng là những nội dung của chính sách xét xử hình sự đối với loại tội phạm tham nhũng mà đảng và nhà nước ta đang tích cực đấu tranh, thực hiện trong thời gian gần đây", Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Đồng thời, ông Cường cho rằng, nếu có những tình tiết, chứng cứ không thể làm rõ được tại phiên tòa thì hội đồng xét xử có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu viện kiểm sát và cơ quan điều tra không phải làm rõ các tình tiết, yếu tố của vụ án để xác định sự thật, làm cơ sở xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.
Mời độc giả xem video Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khai trừ Đảng:
Hải Ninh