Diễn biến bất ngờ phiên tòa sơ thẩm xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo khác trong vụ tai biến y khoa chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong chiều 22/5 chính là sự xuất hiện của đại diện Bộ Y tế gồm ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa trước chiều 22/5, đều không có đại diện nào của Bộ Y tế.
Trách nhiệm nào thuộc về Bộ Y tế?
Tại phiên tòa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – ông Nguyễn Huy Quang cho biết, thẩm quyền việc chạy thận liên doanh liên kết do Bộ trưởng Bộ y tế quyết định. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình liên kết với doanh nghiệp để đặt máy chạy thận nhân tạo thì thẩm quyền thuộc về Sở Y tế Hòa Bình cho phép hoạt động chạy thận nhân tạo. Cho đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa nhận được thông tin nào về việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được phép chạy lọc máu nhân tạo.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc trách nhiệm của Bộ Y tế trong quản lý, điều hành, ban hành quy chế về chạy thận nhân tạo? Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, với hoạt động về chuyên môn của các bệnh viện phải thực hiện theo quy định trong Quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành. Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế cụ thể như hệ thống lọc nước RO thực hiện theo quy định trong Nghị định 36 CP về quản lý trang thiết bị y tế...Công tác kiểm tra việc liên kết đặt máy do trách nhiệm của Sở Y tế Hòa Bình được căn cứ vào Luật thanh tra qua việc phân cấp cho từng đơn vị. Bộ y tế chỉ nắm công tác thanh kiểm tra các Bộ cục ban ngành.
|
Phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương. |
“Đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng uy tín của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngành Y tế Hòa Bình và cả ngành y tế cả nước. Sau khi xảy ra sự cố, bên cạnh việc cung cấp toàn bộ những tài liệu cho cơ quan điều tra, Bộ còn kiểm tra rà soát hệ thống chạy thận, lọc máu nhân tạo, rà soát quy trình chuyên môn đối chiếu với Bạch Mai, đơn vị tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân lọc máu. Vào tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành quy trình chuẩn thống nhất về chạy thận nhân tạo, lọc nước RO, bảo dưỡng trang thiết bị lọc thận, trong đó có 7 quy trình liên quan tới lọc nước RO và các quy trình khác liên quan đến lọc máu chạy thận. Trước đây, chưa có các quy định liên quan đến sửa chữa bảo dưỡng, chỉ mới có quy định quy trình bảo dưỡng đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo pháp luật – Hệ thống lọc nước RO là một phần trong quy trình bảo dưỡng sửa chữa thiết bị y tế" – ông Nguyễn Huy Quang khẳng định.
“Sau sự cố, Bộ Y tế thấy quy trình sửa chữa bảo dưỡng với mỗi nhà sản xuất là khác nhau, trên cơ sở đó Bộ y tế quy định 52 quy trình. Về việc chậm trễ ban hành quy trình, qua mỗi việc xảy ra, các cơ quan liên quan đều phải nhìn nhận trách nhiệm của mình, Bộ cũng nhận thấy hệ thống thể chế chạy thận nhân tạo ở Việt Nam chưa được cập nhật. Với sự cố 9 người chạy thận tử vong, trách nhiệm điều hành quản lý nhà nước với ngành y tế là của Bộ Y tế - Bộ trưởng. Để có được 1 thể chế pháp lý quản lý chất lượng cho người sử dụng, chúng ta phải áp dụng đủ tiêu chí của nhà sản xuất dựa trên tiêu chuẩn theo quy định pháp luật", ông Nguyễn Huy Quang nói.
|
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. |
Tại tòa, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, việc chuyển giao kỹ thuật về chạy thận thận nhân tạo là sự hợp tác, hỗ trợ chuyên môn giữa Bệnh viện Bạch Mai cho Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.
“Việc cán bộ y tế nào được cử đi Bệnh viện Bạch Mai tập huấn về kỹ thuật lọc máu, chạy thận thì tòa phải hỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Vụ tai biến chạy thận tại Hòa Bình là rất nghiêm trọng, vì ngay cả trên thế giới cũng chưa từng xảy ra sự cố làm nhiều bệnh nhân tử vong như vậy. Do đó, qua sự cố này, chúng ta phải xem xét lại quy trình về chạy thận nhân tạo dù chúng ta đã có tiêu chuẩn Việt Nam về nước RO, cũng như các nhà sản xuất cũng có những quy định riêng về trang thiết bị y tế liên quan tới lĩnh vực chạy thận”, ông Khoa nói.
Ông Đinh Tiến Công tiết lộ lý do khai thêm
Cũng tại phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Công Lương chiều 22/5, ông Đinh Tiến Công tiếp tục khẳng định lời khai hôm qua là đúng. Ông Công cho rằng, bản thân lúc khai sai chưa xác định được trách nhiệm của mình với việc ghi nội dung trong cuốn sổ. Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Công không nhớ chính xác thời gian thêm nội dung vào cuốn sổ, chỉ nhớ là sau khi sự cố xảy ra.
Theo lời ông Đinh Tiến Công, thời điểm đó, ông Công bổ sung vào cuốn sổ tại khoa có lãnh đạo khoa là bác sĩ Hoàng Đình Khiếu và bác sĩ Hoàng Công Tình nhìn thấy và chỉ đạo. Ông Khiếu là Trưởng khoa ký sau khi cuộc họp đánh giá viên chức. Sau sự cố mới có việc ký chốt biên bản. Tất cả cán bộ nhân viên đều biết việc này.
Ông Đinh Tiến Công cho biết, việc ghi thêm nội dung bác sĩ Hoàng Công Lương chịu trách nhiệm Đơn nguyên Thận nhân tạo vào sổ vì khi đó, ông Công chỉ nghĩ là để hoàn thiện thủ tục hành chính, chứ không nhằm mục đích cá nhân gì.
Hải Ninh