Tại kỳ họp thứ 31 mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định. Vi phạm của ông Thọ đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và cá nhân đồng chí, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
|
Ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre |
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ, nội dung cần thực hiện trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Theo đó, Điều 36, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định 03 phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập là kê khai lần đầu, kê khai bổ sung và kê khai hằng năm. Mỗi hình thức kê khai lại áp dụng với đối tượng cán bộ, công chức nói riêng.
Cụ thể, kê khai lần đầu được thực hiện đối với những trường hợp sau đây: Người đang giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019; Người lần đầu giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.
Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai theo quy định tại Khoản 3, Điều 36.
Kê khai hằng năm được thực hiện đối với những trường hợp sau đây: Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12; Người không thuộc quy định tại điểm a khoản này làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12.
Điều 10, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ hướng dẫn cụ thể về người có nghĩa vụ kê khai 2 trường hợp theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng gồm: Các ngạch công chức và chức danh sau đây: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên; Thẩm phán.
Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.
Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Có thể thấy, đây là các đối tượng có cơ hội tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng cao hơn so với các nhóm khác nên phải kiểm soát thu nhập, tài sản hằng năm.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân.
Tại Điều 33, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập như sau: Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này.
Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.
Điều 35 quy định, cán bộ, công chức phải kê khai những loại tài sản, thu nhập sau của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.
Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Giống như việc kê khai tài sản của bản thân, cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập của vợ/chồng, con theo quy định tại Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Liên quan đến vi phạm nêu trên, UBKT Trung ương cho biết còn có trách nhiệm của một số tổ chức đảng, đảng viên.
UBKT Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả về UBKT Trung ương.
Ông Lê Đức Thọ sinh ngày 25/7/1970 (phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ; là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp. Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ Quản lý Kinh tế, Thạc sỹ Quản lý Kinh tế, Cử nhân Kế hoạch hóa Kinh tế Quốc dân.
Ông Lê Đức Thọ từng trải qua nhiều vị trí công tác như Phó Trưởng Phòng Kinh doanh Ngân hàng Công Thương Việt Nam chi nhánh Phú Thọ; Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam; Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam; từ Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam.
Từ tháng 11/2018, ông Lê Đức Thọ là Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025; từ ngày 5/6/2020 là Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025; từ ngày 21/10/2020 là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam.
Ngày 30/1/2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Thọ được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tháng 7/2021, Bộ Chính trị quyết định điều động, bổ nhiệm ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank; tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng bộ tỉnh Bến Tre, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhiệm kỳ 2020-2025.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng
Tâm Đức