Liên quan vụ việc xe container đè bẹp xe ô tô con tại khu vực ngã tư Sài Đồng – Nguyễn Văn Linh (phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) vào 3h30 sáng 4/8 khiến 3 người tử vong, mới đây, Cơ quan điều tra Công an quận Long Biên, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự tài xế container Lê Thế Tuyển (SN 1988, trú ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Đáng chú ý, tại cơ quan công an, tài xế Lê Thế Tuyển khai nhận đang làm lái xe container cho 1 Hợp tác xã ở Hải Phòng. Khoảng hơn 01h15 ngày 4/8, Tuyển điều khiển phương tiện trên đi từ huyện An Dương, Hải Phòng đến khu vực quận Long Biên, Hà Nội để nhận hàng. Khi đến gần khu vực ngã tư Sài Đồng – Nguyễn Văn Linh, do buồn ngủ nên Tuyển đã không làm chủ được tay lái dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
|
Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa xe container và xe con khiến 3 người tử vong trên đường Nguyễn Văn Linh (Hà Nội).
|
Đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên do tài xế container buồn ngủ gây ra. Bởi trước đó, hàng loạt vụ tai nạn xe container xảy ra vào rạng sáng do tài xế không tỉnh táo khiến người đi đường vô cùng bất an.
Một trong số những vụ việc điển hình chính là vụ tai nạn xảy ra lúc 6h sáng ngày 14/6/2019 tại khu vực ấp Suối Sâu (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Khi đó, tài xế Trần Đình Trung điều khiển xe đầu kéo BKS 51C-94780 kéo sơ mi rơ móc BKS 51R- 32349 lưu thông từ cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) chở hàng đi giao qua Campuchia đến khu vực trên do buồn ngủ đã đâm vào ô tô con khiến 5 người tử vong thương tâm.
Việc các tài xế container buồn ngủ, không tỉnh táo gây tai nạn có một phần nguyên nhân do áp lực công việc, phải chạy liên tục, thậm chí chạy xuyên đêm. Không ít tài xế được phát hiện dương tính với ma túy đã nói rằng, việc sử dụng ma túy nhằm mục đích giữ tỉnh táo để đảm bảo công việc. Tuy nhiên, khi nghiện ngập đã không đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện như vụ việc xe container gây tai nạn ở Long An khiến 4 người chết xảy ra chiều 2/1/2019.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 65 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô: Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu vi phạm quy định sẽ bị xử phạt theo điểm d, Khoản 6, Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định như sau: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định. Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Để giám sát thời gian làm việc của lái xe thông qua thiết bị giám sát hành trình dù có quy định cụ thể nhưng vẫn có tình trạng lắp đặt mang tính hình thức, nhiều hợp tác xã, đơn vị vận tải chưa thực sự quan tâm trong việc kiểm soát thời gian làm việc của lái xe. Trong khi đó, nhiều lái xe chạy đường dài ít khi thực hiện đúng quy định trên và nếu chạy một mình thường khi nào mệt mới nghỉ do áp lực về thời gian giao hàng và phải chạy bù cả cho những khi đường bị ùn tắc.
Do đó, nếu không có phụ xe hay người lái xe thay thế, lái xe ít có thời gian nghỉ ngơi gây căng thẳng và dẫn đến tình trạng buồn ngủ, mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nếu vận chuyển hàng hóa đường dài, một mình lái xe khó có thể đi đượng hàng nghìn km liên tục. Bên cạnh đó, để cắt giảm chi phí, một số doanh nghiệp vận tải, lái xe không thuê thêm lái phụ hay phụ xe. Thậm chí, có doanh nghiệp vận tải “khoán” cho lái xe một khoản tiền để lái xe tự thuê phụ xe. Nhưng để tận dụng tiền lương, không ít lái xe đã làm thời gian để tăng thêm thu nhập mà không thuê thêm lái phụ.
Trong khi đó, theo khoản 1, Điều 67 Luật giao thông đường bộ năm 2008 lại không yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa thuê người phụ giúp, lái phụ xe. Ngay tại Điều 23 Nghị định 46 năm 2016 có quy định mức xử phạt từ 600 đến 800 nghìn đồng đối với loại hình vận tải hành khách không có nhân viên phục vụ trên xe, nhưng không quy định đối với phương tiện vận tải hàng hóa.
Dù không có quy định, nhưng để đảm bảo an toàn giao thông, doanh nghiệp vận tải có thể căn cứ vào loại hàng hóa, cự li vận chuyển để bố trí người phụ giúp lái xe, nhất là đối với hành trình có cự li dài, hành trình di chuyển phức tạp có thể bố trí 2 lái xe, người trợ giúp.
Tuy nhiên, việc chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi điều khiển xe không có nhân viên phục vụ trên xe đối với loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô mà không quy định xử phạt đối với loại hình vận tải hàng hóa bằng xe ô tô dẫn đến tăng nguy cơ mất an toàn giao thông đối với loại hình vận tải này.
Từ thực tế không ít vụ tai nạn giao thông liên quan xe container, xe đầu kéo do tài xế buồn ngủ hoặc sử dụng chất kích thích, ngành giao thông cũng có bổ sung quy định.
Trong đó, cần bổ sung quy định và hướng dẫn chi tiết về việc phải có nhân viên phục vụ, thêm lái xe đối với xe tải vận chuyển hàng hóa, xe container, đầu kéo...
Đồng thời, các doanh nghiệp vận tải cũng cần có ý thức trách nhiệm cộng đồng, bổ sung thêm những phụ xe và có những biện pháp giám sát hoạt động của lái xe nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
>>> Mời độc giả xem video Xe container đè bẹp ô tô con, 3 người chết, 1 người bị thương
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.
Tâm Đức