Luật sư Lê Đức Tiết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận qua việc
Hà Nội ra quân "trảm" xe biển xanh.
Xử phạt xe biển xanh là đúng rồi!
Cảnh sát giao thông Hà Nội đang siết chặt việc xử lý xe biển xanh vi phạm luật giao thông và nhận được sự ủng hộ từ dư luận. Còn ông thì sao?
Ở nước nào cũng vậy, người ta đều chia ra các loại xe chính quyền, xe quân sự, xe cá nhân. Nó xuất phát từ nhu cầu quản lý xã hội chứ không phải là sự phân biệt đẳng cấp xã hội, tiếc là ở ta lại đánh đồng hai chuyện đó. Thế nên một thời gian khá dài, cảnh sát giao thông có phần "ưu ái" cho xe biển xanh, dù họ có vi phạm luật. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm của công an Hà Nội vì nó sẽ đảm bảo mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật.
Nhưng dù sao thì xe biển xanh cũng đã... kịp để lại ấn tượng chưa tốt với người dân, dĩ nhiên không phải là tất cả!
Cái đó là đương nhiên và đặt trong bối cảnh cũng mới chỉ có cảnh sát Hà Nội là thể hiện quyết tâm xử phạt xe biển xanh vi phạm thôi.
Theo ông thì việc xử phạt này có bị cho là muộn?
Nếu xét hậu quả để lại như thế thì rõ ràng, đó cũng có thể coi là muộn. Nhưng dẫu sao, muộn còn hơn không và chắc chắn, nó sẽ mang lại hiệu quả nhất định, để những anh lái xe biển xanh không còn coi thường pháp luật nữa, dù thủ trưởng của anh có là ai.
Đã bao giờ ông nhìn thấy xe biển xanh vi phạm luật giao thông không?
Có đấy.
Nghĩa là, có sự dung túng của những người lãnh đạo cơ quan, đơn vị?
Cái đó là đúng nhưng chưa đủ. Anh cảnh sát mà cho qua cũng tạo ra tình trạng phân cấp xã hội thông qua biển số xe, cho nên bây giờ phải gạt bỏ là đúng rồi.
|
Luật sư Lê Đức Tiết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. |
Quản lý xã hội bằng mối quan hệ thân quen
Ông có thấy câu chuyện xe biển xanh phạm luật và được bỏ qua này... quen quen?
Quen quá đi chứ, vì đâu phải chỉ riêng xe biển xanh mà ngay cả xe biển trắng vi phạm luật giao thông, chỉ cần một cú điện thoại với một người quen làm sếp nào đó là được "giải cứu" ngay. Mà chẳng riêng gì giao thông đâu, lĩnh vực nào chả thế!
Khi lĩnh vực nào cũng có thể nhấc điện thoại a lô nhờ can thiệp như thế thì vấn đề đặt ra ở đây là gì, thưa ông?
Là pháp luật không được thực thi đến nơi đến chốn chứ còn gì nữa!
Lại vẫn là câu chuyện thực thi pháp luật!
Đúng vậy. Bây giờ, nhiều vấn đề xã hội người ta quản lý không theo pháp luật và bằng pháp luật đâu!
Thế người ta đang quản lý xã hội bằng gì?
Thực tế, nhiều quan chức đang điều hành, quản lý xã hội bằng các mối quan hệ thân quen. Vì thế mới đẻ ra chuyện anh lái xe biển xanh vi phạm luật thì a lô cho thủ trưởng nhờ "giải cứu", doanh nghiệp muốn được việc với cơ quan Nhà nước thì a lô cho một "anh" lãnh đạo nào đó là xong ngay. Rồi muốn ra phường công chứng giấy tờ, quen thân với anh cán bộ phường là được giải quyết nhanh gọn, chẳng phải xếp hàng chờ đợi... Đấy, những chuyện kiểu như thế nhan nhản ra. Người ta nói mãi rồi mà có thay đổi được đâu?
Vậy theo ông, vì sao nói mãi rồi mà nó vẫn tiếp diễn?
Vì người thủ trưởng không làm gương cho cấp dưới. Có phải anh có chức vụ, quyền hạn nào cũng công tâm, khách quan, hết lòng vì dân vì nước, để mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật đâu? Đó thuộc về tư cách đạo đức của cán bộ đấy. Dĩ nhiên cũng có yếu tố là năng lực, trình độ của anh cán bộ nữa.
|
Chiếc xe đỗ dưới lòng đường, chiếm hết vạch sơn dành cho người đi bộ tại đường Trần Hưng Đạo., Hà Nội ngày 31/7. (Ảnh: Tiền Phong) |
Dân chưa hạnh phúc lắm đâu!
Khi việc quản lý xã hội dựa trên những mối quan hệ thân quen thì hệ quả của nó sẽ là gì, thưa ông?
Là một xã hội không minh bạch, khó tạo ra công bằng, công lý. Ngày xưa, dân mình nghe đến từ pháp luật là sợ lắm, nhưng giờ thì tâm lý xã hội có khác. Tôi tiếp xúc với nhiều người dân, ở nhiều địa phương nên tôi hiểu, bây giờ dân không mong gì hơn là được sống theo pháp luật, mong cơ quan nhà nước và cán bộ công chức, viên chức là những tấm gương sáng trong tuân thủ pháp luật. Nếu được như thế thì tôi tin, đó là hạnh phúc của mọi người dân.
Nếu vậy thì theo ông, bây giờ dân đã có được hạnh phúc chưa?
Dân chưa hạnh phúc lắm đâu! Thực tế thì vẫn có những chuyện, vì làm theo mệnh lệnh của thủ trưởng nên Chính phủ ra quyết định rồi nhưng cấp tỉnh không tuân theo, tỉnh ra quyết định nhưng huyện, xã không làm đúng. Làm thế chỉ dân là khổ!
Để dân cảm thấy hạnh phúc, theo ông, cốt lõi phải làm từ đâu và làm những gì?
Pháp luật do con người tạo ra, do đó cốt lõi phải làm từ vấn đề là con người. Phải sửa đổi cơ chế chọn người thay mặt Nhà nước, thay mặt nhân đân để điều hành, quản lý xã hội. Đó phải là những con người tài, đức thật sự bằng công việc cụ thể thông qua bầu cử. Khi đã chọn được rồi thì những người này phải hoàn toàn đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Nếu không làm được việc thì phải bị bãi nhiệm vì thực tế, không phải ai cũng tài suốt đời được và cũng khó có chuyện đời ông lãnh đạo giỏi thì đời cha, đời con, đời cháu đều giỏi theo được. Con người cũng như cái cây ấy, ta gieo hạt, chăm bẵm, nó lớn rồi đơm hoa kết trái, xong thì cũng cằn cỗi đi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Con người sống phải có tình cảm. Tình cảm lành mạnh là sợi dây gắn bó con người với gia đình, dòng họ, xóm làng và Tổ quốc. Người thiếu tình cảm là người cô độc. Nhưng vì tình cảm mà bỏ qua pháp luật là không được. Xã hội muốn phát triển phải được quản lý theo pháp luật và bằng pháp luật. Thế nhưng, ở ta bây giờ, công chức thường chỉ nói quản lý bằng pháp luật để nhấn mạnh tính cưỡng chế mà ít nghĩ rằng cưỡng chế phải theo pháp luật. Như thế rất nguy hiểm!".
Luật sư Lê Đức Tiết
Vũ Thủy (Thực hiện)