Nhà máy nước Gia Phố, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được xây dựng năm 2011, kinh phí 18 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA, do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh (trung tâm) làm chủ đầu tư.
|
Nhà máy nước Gia Phố được đầu tư 18 tỷ đồng đang dừng hoạt động vì sự cố hỏng hóc. |
Từ tháng 3/2014, nhà máy bắt đầu hoạt động nhưng liên tục gặp sự cố. Sau trận lụt tháng 10/2016, một số hạng mục của công trình này bị nước, cát tràn vào, trạm bơm hư hỏng nặng, nhà điều hành xuống cấp nên ngừng hoạt động.
Ông Trần Văn Tuấn (trú tại thôn 4) cho hay: “Nhà máy không cấp nước, người dân phải khoan giếng rất sâu mới có nước dùng”.
Trước thực trạng này, xã Gia Phố đã có văn bản gửi Sở NN&PTNN xin trả lại nhà máy nước Gia Phố vì không có kinh phí để phục hồi hoạt động.
Tại huyện Thạch Hà, nhà máy nước ở xã Thạch Sơn được đầu tư gần 15 tỷ, công suất 900 m3 ngày/đêm, cung cấp nước cho gần 1.200 hộ dân.
|
Hệ thống đường ống lâu không hoạt động đã hoen rỉ, xuống cấp. |
Nhưng thực tế, công trình này mới chỉ mới cung cấp được cho gần 500 hộ dân. Tại thôn Đình Hàn, có 230 hộ dân đến nay vẫn chưa được lắp đặt đường ống nên không có nước dùng.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn nói: “Sau hơn hai năm hoạt động, nhiều hộ dân chưa được dùng nước ngọt. Xã đang hoàn tất hồ sơ để bàn giao nhà máy cho trung tâm nước sạch tỉnh”.
|
Chính quyền xã Thạch Sơn khuyến cáo người dân không ăn nước từ Nhà máy nước Thạch Sơn. |
Dân ‘sợ’ ăn nước sạch
Ông Nguyễn Hữu Hạnh (thôn Sơn Tiến, xã Thạch Sơn) cho biết, do sợ nguồn nước không đảm bảo nên nước mua về chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ chứ không dám ăn uống.
Ông Hạnh cho hay, ông ký hợp đồng mua nước với giá 5.000 đồng/m3, tuy nhiên về chất lượng nước thế nào thì không có cơ quan nào thông tin, nên ông không dám ăn mà chỉ phục vụ cho tắm rửa, giặt giũ hằng ngày.
“Nước tôi mua về không dám dùng ngay mà phải cho vào bể chứa sau một thời gian mới sử dụng. Cứ vài ngày, dưới đáy bể lại có cặn lắng đọng, màu vàng đen, có mùi hôi nên chỉ dùng để tắm giặt” – ông Hạnh nói.
Không chỉ Thạch Sơn, các hộ dân “hưởng lợi” từ nhà máy nước Bắc Thạch Hà cũng không dám dùng vì sợ nước bị ô nhiễm.
“Gần nhà máy có một trại chăn nuôi vịt với quy mô cả vạn con, nước thải từ nuôi vịt rất ô nhiễm xả thẳng xuống sông Già, cách vị trí trạm bơm của nhà máy chưa đầy 100m.
Vì thế chưa cần nói gì đến việc xét nghiệm mẫu nước thì nhìn thấy cũng không dám ăn rồi” - ông Nguyễn Phúc Khanh (trú xã Thạch Liên) nói.
|
Ông Nguyễn Hữu Hạnh cùng nhiều hộ dân tại xã Thạch Sơn không dám dùng nước sạch mua từ nhà máy vì không có thông tin nước được kiểm nghiệm đạt chuẩn. |
Trong khi đó, ông Vương Đăng Mai (thôn Nguyên, xã Thạch Liên) thì nghi ngờ nguồn nước từ nhà máy xử lý nước cụm Bắc Thạch Hà có vấn đề.
“Trước khi dùng nước của nhà máy tôi phải bơm nước vào bể lọc, tuy nhiên, tình trạng cặn lắng dưới đáy thùng xuất hiện thường xuyên nên mỗi tuần tôi phải tẩy rửa thùng chứa vài lần” - ông Mai nói.
Xã khuyến cáo không nên ăn, trung tâm bảo nước sạch
Phó chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Nguyễn Văn Thanh cho hay, đang khuyến cáo người dân không nên sử dụng nước từ nhà máy để ăn uống.
|
Nước mua từ nhà máy nước Bắc Thạch Hà đóng cặn lạ |
Hiện, chúng tôi vẫn chưa có thông tin cụ thể về hàm lượng các chất có trong nước. Do đó, vì sức khỏe người dân nên tạm thời khuyến cáo không nên dùng để ăn” - ông Thanh nói.
Trong khi đó, ông Trần Công Trung – Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho hay, theo quy định thì nhà máy có công suất trên 500m3/ngày đêm, xã không thể quản lý. Trước đây xã chỉ tiếp nhận tạm thời và hiện nay đang bàn giao lại cho trung tâm nhà máy nước.
“Trước đây thì dân còn hạn chế ăn nhưng hiện nay thì nước ăn tốt rồi. Đường ống nhiều, quản lý không hết, nên để đảm bảo 100% thì khó” – ông Trung nói.
Lý giải về những vấn đề trên, ông Hồ Đình Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch tỉnh cho biết, nhà máy nước Gia Phố ngưng hoạt động là do ảnh hưởng của thiên tai, đợt lũ tháng 10/2016 khiến trạm bơm, hạ tầng bị hư hỏng.
Ngoài ra, ông Hoài cũng cho rằng, một số nhà máy sử dụng chưa thật sự hiệu quả là do năng lực, trình độ của các địa phương còn hạn chế.
Liên quan đến chất lượng nước, ông Hoài quả quyết, mẫu nước của nhà máy này được xét nghiệm thường xuyên, các chỉ tiêu trong nước đều đạt chuẩn.
Về việc nước có cặn lạ, ông Hoài cho rằng có thể quá trình sửa chữa đường ống đất cát tràn vào theo rồi đi đến một số hộ dân.
Theo ông Hoài, việc người dân không dám ăn nước là do việc tuyên truyền còn yếu. Và trại vịt của một hộ dân đặt gần nhà máy cũng là nguyên nhân khiến dân e ngại khi sử dụng.
Theo Lê Minh/Vietnamnet