VUSTA tổ chức Hội thảo góp ý quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030

Google News

Ngày 26/2, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Góp ý quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cùng Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì. 

Một quy hoạch đặc biệt quan trọng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đất nước. Đây cũng chính là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong suốt nhiều nhiệm kỳ đã được nêu trong các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
VUSTA to chuc Hoi thao gop y quy hoach mang luoi duong bo thoi ky 2021 – 2030
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khai mạc hội thảo.
“Từ sự chỉ đạo của Đảng, ngày 10/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 45 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, giao cho Bộ GTVT là cơ quan tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường bộ. Ngày 10/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2036 về việc thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới đường bộ, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng. Đại diện VUSTA là một trong những ủy viên của Hội đồng. Để có thêm ý kiến của cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, Bộ GTVT đã đề nghị VUSTA có ý kiến với hồ sơ quy hoạch rất quan trọng này” – Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói và cho biết, VUSTA tổ chức Hội thảo nhằm góp thêm ý kiến, phản biện với hồ sơ quy hoạch trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo TSKH Phan Xuân Dũng, bộ hồ sơ dự thảo quy hoạch gửi đến VUSTA là bộ tài liệu khá đồ sộ, chuẩn bị rất công phu, có rất nhiều thông tin, hình ảnh thể hiện sự nghiêm túc và sự cầu kỳ của Bộ GTVT trong việc xin ý kiến các đơn vị liên quan, trong đó có VUSTA.
Mặc dù thời gian nhận tài liệu đúng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng VUSTA đã rất cố gắng, kịp thời đề nghị các chuyên gia đầu ngành dành nhiều thời gian nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào dự thảo quan trọng này.
“Tư vấn, phản biện, giám định xã hội là nhiệm vụ quan trọng và thế mạnh của VUSTA. Thời gian qua, VUSTA và các hội thành viên luôn tích cực, chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ tư vấn, phản biện chất lượng, khách quan, trung thực trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách. Chủ động để xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề lớn để phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển KHCN, GDĐT, tham gia góp ý kiến trong các thảo luận quan trọng, phát hiện nhiều dự án đầu tư trọng điểm có tầm ảnh hưởng lớn của xã hội và các vấn đề nóng. Với tinh thần độc lập, khách quan của các nhà khoa học, chúng tôi mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tham gia Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo quy hoạch” - Chủ tịch VUSTA nhấn mạnh.
VUSTA to chuc Hoi thao gop y quy hoach mang luoi duong bo thoi ky 2021 – 2030-Hinh-2
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mong muốn được các nhà khoa học, chuyên gia của VUSTA tích cực đóng góp ý kiến, phản biện về quy hoạch. 
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể gửi lời cảm ơn VUSTA đã tổ chức buổi hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học ở mọi lĩnh vực, trong đó có ngành GTVT và cho rằng: "Đây là nguồn cổ vũ rất lớn đối với ngành GTVT. VUSTA là tổ trức trí tuệ nhất bởi vì ở đây tập trung các chuyên gia được đào tạo về lý thuyết, có kinh nghiệm thực tiễn rất lớn của các bộ ngành, cơ quan". Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong nhận được nhiều ý kiến thảo luận giá trị, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc gúp cho ngành GVT hoàn chỉnh được quy hoạch.
“Những thành phố, khu vực có kinh tế phát triển thường xuất phát từ hệ thống hạ tầng giao thông tốt. Có hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không... thì những trung tâm, khu vực đó có điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Nhu cầu phát triển GTVT của các vùng, các địa phương là yếu tố rất lớn, do đó Bộ GTV cũng đã có quy hoạch từng thời kỳ, trong quá trình thực hiện có khi thực hiện tốt quy hoạch nhưng cũng có lúc chưa thực sự tốt” – Bộ trưởng Thể nói và cho biết, nếu quy hoạch tốt thì có cơ hội xây dựng hệ thống hạ tầng tốt và nếu không có quy hoạch tốt thì chắc chắn khó có hạ tầng giao thông hiệu quả.
Ý thức được vai trò quan trọng của việc quy hoạch, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã hết sức tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều Hội thảo ở nhiều địa phương, khu vực để lấy các ý kiến. Cố gắng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đáp ứng được sự phát triển của từng vùng, địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
“Quy hoạch giao thông vận tải là hồ sơ rất quan trọng đối với ngành. Hiện nay, Bộ cũng đã tập trung thực hiện cả 5 lĩnh vực chuyên ngành, tích hợp thành quy hoạch GTVT tổng thể để trình Chính phủ. Theo dự kiến, tháng 4/2021, Bộ sẽ trình quy hoạch cho Chính phủ để thẩm đinh, phê duyệt” - Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Nhiều nội dung cần sửa, bổ sung
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia của VUSTA đã đóng góp nhiều ý kiến cho Bộ GTVT trong việc hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
VUSTA to chuc Hoi thao gop y quy hoach mang luoi duong bo thoi ky 2021 – 2030-Hinh-3
 PGS. TS Doãn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam.
PGS. TS Doãn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam cho rằng, Bộ GTVT cần rà soát lại số liệu khảo sát, bổ sung số liệu về dự báo tăng trưởng ô tô nói chung và xe tải hạng nặng nói riêng đến năm 2030 và đến năm 2050 tại Việt Nam. Đồng thời bổ sung số liệu về lưu lượng xe do Tổng cục ĐBVN theo dõi hàng năm, kết hợp bổ sun số liệu về vận tải để thể hiện bằng được các bản đồ thực trạng hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách trên tất cả các tuyến đường bộ. Từ đó có cơ sở đề xuất bổ sung, chỉnh sửa và phát triển quy hoạch mạng lưới đường bộ.
“Rà soát và kiến nghị bổ sung, chỉnh sửa các định nghĩa hoặc quy định hiện hành về mạng lưới đường bộ quốc gia; mạng lưới đường dành cho vận tải; phân loại đường bộ theo chức năng vận tải để phục vụ quy hoạch mạng lưới đường bộ và cách xác định khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa, hành khách trên các tuyến đường bộ. Ngoài ra, Bộ GTVT nghiên cứu và bổ sung dự báo tăng trưởng ô tô và các bản đồ ùn tăc giao thông, ô nhiễm môi trường các tuyến đường bộ và báo cáo quy chuẩn mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, lấy ý kiến bổ sung của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PT nông thôn và các ngành kinh tế khác cho báo cáo quy hoạch trước khi trình Chính phủ” – PGS.TS Doãn Minh Tâm nói.
VUSTA to chuc Hoi thao gop y quy hoach mang luoi duong bo thoi ky 2021 – 2030-Hinh-4
 TS Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam.
TS Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam cũng đóng góp ý kiến về việc Bộ GTVT phải lưu ý về việc phân tích, xác định rõ đối tượng nghiên cứu của dự thảo là mạng lưới đường bộ Việt Nam, cụ thể gồm những loại kết cấu đường bộ nào. Những thành phần đường bộ nào không nằm trong quy hoạch nhưng được đề cập “định hướng quy hoạch” để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
“Bộ GTVT cần phân tích, tổng hợp các kết quả được kế thừa khi thực hiện các quyết định quy hoạch trước đó để làm rõ các nội dung chính sẽ được cập nhật, điều chỉnh trong báo cáo lần này. Rà soát về hình thức, văn phạm và đánh số các bảng biểu, hình vẽ thể hiện tính khoa học cao” – TS Nguyễn Ngọc Long ý kiến.
VUSTA to chuc Hoi thao gop y quy hoach mang luoi duong bo thoi ky 2021 – 2030-Hinh-5
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có những nhận xét, góp ý một số nội dung như: Hiện trạng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2010 – 2019; tình hình huy động các nguồn vốn đầu tư, khai thác và sử dụng đất; tổng quan phát triển quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và nhu cầu vốn, dự kiến nguồn vốn, kế hoạch thực hiện các dự án.
Đáng chú ý, TS Nguyễn Đình Cung đã thẳng thắn nhận xét: “Việc lựa chọn dự án đầu tư và phân bố vốn thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ như trình bày trong dự thảo hầu như không gắn chặt với thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng nói riêng và thực hiện chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 – 2030 và kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025 nói chung. Đây có thể nói là điềm trừ lớn đối với dự thảo quy hoạch này”.
VUSTA to chuc Hoi thao gop y quy hoach mang luoi duong bo thoi ky 2021 – 2030-Hinh-6
 TS Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
TS Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ: “Không ai có thể phủ nhận sự làm việc một cách nghiêm túc và cầu thị của các cá nhận và tập thể Liên danh Tư vấn TEDI-CCTDI khi đọc bản báo cáo quy hoạch này với 470 trang viết bố cục thành 14 chương, bản báo cáo đã đưa ra nguồn tư liệu và số liệu to lớn”.
Tuy nhiên, TS Phạm Thế Minh đã phát hiện và chỉ ra nhiều vấn đề cần phải làm rõ như: Quy hoạch đườg bộ nằm trong quy hoạch tổng thể ngành GTVT; về mạng lưới đường bộ; về xu thế của sự phát triển công nghệ; về ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu; thu hút vốn đầu tư; quy hoạch đường bộ gắn với quy hoạch đô thị.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam; TS Phạm Thế Siêm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi trường giao thông vận tải; TS Trần Danh Lơi, Liên hiệp Hội Hà Nội và một số chuyên gia khác cũng đã có những đánh giá, đóng góp chi tiết dành cho Bộ GTVT về bản báo cáo quy hoạch.
“Không lặp lại sai lầm cũ”
Trực tiếp nghe những ý kiến tư vấn, phản biện sâu sắc và thiết thực của các nhà khoa học, chuyên gia thuộc VUSTA, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gửi lời cảm ơn và xin ghi nhận những đóng góp. Đồng thời, đề nghị các đơn vị của ngành GTVT nghiêm túc rà soát, điều chỉnh hình thành một cấu trúc mới của quy hoạch.
VUSTA to chuc Hoi thao gop y quy hoach mang luoi duong bo thoi ky 2021 – 2030-Hinh-7
 Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị ngành GTVT rà soát kỹ quy hoạch sau những đóng góp của các chuyên gia.
“Đánh giá hiện trạng không chỉ dựa trên số liệu mà còn thực hiện theo quyết định 356 để rút ra bài học kinh nghiệm vì sao thực hiện quy hoạch chưa thực sự tốt. Những vấn đề phát sinh là gì, bài học kinh nghiệm ra sao để không lặp lại sai lầm cũ” - Bộ trưởng Thể cho biết.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị các đơn vị trong ngành phải chỉ rõ “điểm nghẽn” trong quy hoạch ở đâu. Nên tập trung vào 7 vùng kinh tế trọng điểm dựa vào nguồn thu ngân sách nhà nước, GDP và tốc độ tăng trưởng kinh tế từng vùng. Hiện nay, khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt tại TP.HCM đóng góp ngân sách nhà nước lớn nhưng tốc độ tăng trưởng ngày càng giảm, phát triển giao thông yếu kém. Cần phải phân tích được các “điểm nghẽn” và đưa ra giải pháp cũng như nhận định sự phát triển thời gian vừa qua đã đáp ứng với tốc độ tăng trưởng hay chưa.
“Về giải pháp, cần đưa ra các phương án và có danh mục ưu tiên đặc biệt cho từng phương án của từng vùng để khi trình ra Quốc hội có thể nhìn thấy sự phát triển ở mỗi khu vực và mang tính chất đột phá mới xin hỗ trợ được” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
VUSTA to chuc Hoi thao gop y quy hoach mang luoi duong bo thoi ky 2021 – 2030-Hinh-8
 TSKH Phan Xuân Dũng mong muốn quy hoạch mạng lưới đường bộ của Bộ GTVT sớm hoàn thành và được thông qua.
TSKH Phan Xuân Dũng cũng cho rằng: “Để hoàn chỉnh quy hoạch đã có rất nhiều ý kiến sâu sắc được trình bày, tuy nhiên tôi mong muốn các bản báo cáo phải sâu sắc hơn nữa. Phải rà soát thật sự chính xác về mục đích, tiến độ, chất lượng, phân tích chi tiết, cụ thể các cách làm, sao cho phải bám với xu thế chung của thế giới. Ví dụ như các chương trình, vành đai, con đường của Trung Quốc, những chiến lược mới của Bỉ cùng những đánh giá tác động của nó.
Các bài học rút ra trong thời gian vừa qua để từ đó có những giải pháp đúng đắn trong thời gian tới về các vấn đề như việc giao các dự án địa phương hay là Bộ GTVT, BOT, nhà đầu tư, mô hình đầu tư, bảo trì khai thác, thu phí... Đặc biệt là các dự án giao thông xã hội hóa đã giao để xác định đầu tư công bao nhiêu, xã hội bao nhiêu, quy hoạch phải gắn với chiến lược và các nội dung đã được ghi trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nhưng phải là vấn đề cụ thể của ngành giao thông vận tải”.
“Tôi mong muốn quy hoạch này sớm hoàn chỉnh để được thông qua. Quy hoạch đường bộ phát triển nhanh, bền vững nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Xây dựng giao thông Việt Nam phải đặt trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển rất nhanh (giao thông thông minh) trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của xe tự lái, cảm biến...” – TSKH Phan Xuân Dũng nói.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam: Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh

Nguồn: VOV


Hiểu Lam