Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ mạnh lên thành bão. Vào lúc 22h ngày 18/9, vị trí tâm ATNĐ cách thành phố Đà Nẵng khoảng 320km về phía Đông Đông Bắc, sắp áp sát các tỉnh ven biển Quảng Trị - Đà Nẵng, phóng viên báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc TT dự báo KTTV quốc gia.
|
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia |
- Theo dự báo, ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão số 4, ảnh hưởng trực tiếp tới một số tỉnh miền Trung và gây mưa lớn cho khu vực Trung bộ, vậy ông có thể chia sẻ về thời gian ATNĐ sẽ thành bão đổ bộ vào đất liền, sức ảnh hưởng của nó, và những địa phương nào ảnh hưởng?
Hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới này khá rộng, sau khi mạnh lên thành bão thì hoàn lưu của nó vẫn tác động đến hầu khắp khu vực Bắc và Trung Trung Bộ về gió mạnh từ gần sáng 19/9: Ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam gió mạnh dần lên cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 8. Từ trưa và chiều đến đêm 19/9 ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam gió mạnh 6-7, gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.
Các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa lớn với lượng mưa dự báo đến 100-300mm, có nơi trên 500mm Nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất rất cao. Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh lượng mưa tới 150-300mm, có nơi trên 500mm. Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi: 70-150mm, có nơi trên 200mm.
-Ông có lưu ý đối với các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lớn?
Mưa lớn không chỉ xảy ra ở khu vực Trung Trung Bộ, nơi vùng tâm bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp mà còn mở rộng lên cả khu vực Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngoài ra, các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên cũng chịu tác động của gió mùa Tây Nam mạnh, nên cả Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng cũng đều có mưa vừa, mưa to; vì thế ở toàn khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ đều có nguy cơ cao đến rất cao về tình trạng lũ quét và sạt lở đất.
Lưu ý khả năng mưa lớn trong ngày và đêm 19/9 ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình (>200mm/24h). Mưa cường suất lớn có khả năng dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát.
Mưa lớn cũng dẫn đến tình trạng lũ quét, sạt lở đất trên khu vực vùng núi tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi ở mức cao.
Trên đất liền đề phòng xuất hiện các ổ mây dông mạnh trước khi ATNĐ/bão đến. Trong điều kiện thời tiết xảy ra mưa dông mạnh, hệ quả đi kèm với nó là cây xanh gãy đổ, các mái tôn, biển hiệu quảng cáo có thể bị thối bay…
-Công tác ứng phó với ATNĐ cần lưu ý gì để giảm thiệt hại, thưa ông?
Người dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới/ bão không được chủ quan; đối với trên biển cần chú ý an toàn tính mạnh không ra khơi trong thời điểm này, neo đậu tàu thuyền cẩn thận; không đi qua khu vực các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, di dời khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Xin cảm ơn ông!
>>> Mời độc giả xem thêm video Áp thấp nhiệt đới có thể thành bão, sẵn sàng ứng phó thiên tai:
Đài Thanh thực hiện