Vài năm trở lại đây, tình trạng xây dựng tràn lan để khai thác du lịch trong khu vực Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (tỉnh Ninh Bình) đã khiến di sản này bị xâm hại nghiêm trọng. Dù chính quyền địa phương đã chỉ đạo xử lý dứt điểm và không để tái diễn nhưng dường như chưa hiệu quả.
Năm 2019, tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, dọc các sườn núi dài hàng trăm mét, Công ty CP Dịch vụ Thương mại và Du lịch Doanh Sinh tự ý xây dựng khu du lịch Thung Nham, xâm hại đến vùng lõi của Di tích Tràng An.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra ngày 22/11 của UBND huyện Hoa Lư, tại thời điểm kiểm tra, Công ty Doanh Sinh đang xây dựng nhiều công trình thuộc vùng lõi di sản Tràng An (vùng được bảo vệ nghiêm ngặt), vi phạm nghiêm trọng các quy định tại Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An và quy chế bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình.
Báo Đại đoàn kết cũng từng phản ánh, đầu năm 2020 đã có tới 16 vụ vi phạm xây dựng trong vùng đệm và vùng lõi Tràng An. 16 vụ vi phạm trật tự xây dựng chủ yếu xảy ra trên địa bàn xã Ninh Xuân và Ninh Hải (huyện Hoa Lư). Riêng xã Ninh Xuân có 3 vụ, còn xã Ninh Hải 13 vụ. Có 4 vụ xảy ra trong vùng đệm, 12 vụ xảy ra trong vùng lõi Tràng An. Điều đáng nói là các vi phạm này vẫn ngang nhiên diễn ra trong khi trước đó đã có nhiều vụ xâm hại di sản, xây dựng trái phép đã bị UBND tỉnh Ninh Bình và các sở, ngành có liên quan xử lý.
|
Công trình xây dựng trái phép, xâm phạm đến vùng lõi của Di sản Tràng An của Công ty TNHH MTV Cuộc sống Ninh Bình (tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh: Đại đoàn kết
|
Mới đây, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An phối hợp với các cơ quan liên quan tuần tra, kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH MTV Cuộc sống Ninh Bình xây dựng hàng loạt công trình trái phép trong vùng lõi Di sản Tràng An (tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải).
Cụ thể, từ tháng 11/2022, tại vị trí nêu trên, Công ty TNHH MTV Cuộc sống Ninh Bình đã xây dựng một nhà trong cụm nhà phục vụ bể bơi (ký hiệu số 10 trên bản vẽ tổng thể mặt bằng), sai vị trí so với bản vẽ mặt bằng tổng thể và có diện tích xây dựng lớn hơn 285,6m2 so với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Sở cấp ngày 29/6/2022.
Tháng 12/2022, Công ty tiếp tục cho xây dựng một nhà kích thước (5x3)m, 1 nhà kích thước (5x9)m không có trong giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên đất dự án thuộc vùng lõi Di sản Tràng An.
Ngày 23/3/2023, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An tiếp tục phối hợp với UBND xã Ninh Hải kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu Công ty TNHH MTV Cuộc sống Ninh Bình dừng ngay hoạt động thi công xây dựng, hoàn trả mặt bằng cảnh quan... Thời gian xong trước ngày 27/3/2023.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty không chấp hành việc tháo dỡ mà vẫn tiếp tục xây dựng để hoàn thiện các công trình vi phạm.
Theo Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình" đến năm 2030, di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2014 này có diện tích 12.252ha thuộc các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Tam Điệp và thành phố Ninh Bình.
Trong đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) có diện tích là 6.226ha thuộc 12 xã của 5 huyện, thành phố trên, diện tích còn lại là vùng đệm. Tại huyện Hoa Lư có 6 xã nằm trong vùng lõi, trong đó có xã Ninh Hải. Theo Quyết định của Thủ tướng, vùng lõi di sản Tràng An được phân thành vùng cấm và hạn chế xây dựng (kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt), trong khu vực này sẽ không cho kinh doanh dịch vụ và các hoạt động lưu trú. Quy định thì thế, nhưng Ninh Bình vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các hộ sai phạm lấn chiếm đất 313 để xây dựng.
Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm thể hiện rõ nét tính chất răn đe mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng nhằm duy trì kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; những biểu hiện yếu kém trong lãnh đạo điều hành... Tính bao quát, toàn diện của quy định mới giúp tổ chức Đảng, đảng viên nhìn thấy rõ hậu quả, được mất của từng hành vi vi phạm với các mức chế tài tương ứng. Không có hành vi vi phạm kỷ luật nào mà không bị xử lý. Do đó, Quy định 69 chính là tấm gương để mỗi tổ chức Đảng, đảng viên tự soi, tự sửa và tự tránh.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình cần vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, người đứng đầu để sự việc nhiều công trình xây dựng tại vùng lõi di sản Tràng An, thậm chí còn tài diễn và không dứt điểm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Rừng vối cổ thụ trong di sản thế giới Tràng An:
Thiên Tuấn