Đó có thể là những câu chuyện dở khóc dở cười để “mua” được một chỗ gửi xe, thậm chí hàng loạt vụ hủy hoại tài sản xảy ra liên quan đến chỗ đỗ xe thời gian gần đây phần nào nói lên sự cấp thiết của vấn đề này.
Khổ như tìm “chuồng” cho xe
1. Những ngày qua, dư luận Thủ đô xôn xao trước một số vụ việc liên quan đến hành vi hủy hoại tài sản xảy ra tại một số quận. Đó là vụ việc chiếc xe ô tô gia đình loại nhỏ hạng B bị cháy nham nhở khi đỗ tại khu tập thể. Gần như cùng lúc là hình ảnh hai chiếc xe ô tô bị tạt axít khiến vỏ xe phồng rộp.
Cụ thể, sáng 27/6, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh ghi lại cảnh một xe ô tô con màu trắng biển số 30F-366xx bị cháy nham nhở. Theo người đăng tải hình ảnh thì nhiều khả năng chiếc xe này bị đốt vì đã đỗ chắn lối đi của người dân sống tại khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội).
Chủ xe được làm rõ là chị Đ.T.L.P. (trú tại phường Kim Liên, quận Đống Đa). Theo chị này, khoảng 10 giờ tối 26'6, chị điều khiển xe ô tô về nhà ở khu tập thể Kim Liên, rồi lên nhà đi ngủ. Đến khoảng 3 giờ sáng 27/6, chị P. nghe thấy tiếng tri hô xe ô tô bị cháy. Chị P. đã mang nước ra dập lửa và trình báo cơ quan Công an. Hậu quả, chiếc xe ô tô của chị bị cháy một số bộ phận nhựa ở bên ngoài, thiệt hại ước tính khoảng 14 triệu đồng.
|
Người dân “cảnh cáo” tài xế đỗ vô ý thức. |
Vụ việc chiếc xe của chị P. chưa “nguội” thì ngày 28/6 trên mạng xã hội lại liên tiếp đăng tải hình ảnh hai chiếc ô tô bị tạt axít khiến vỏ xe phồng rộp. Sự việc xảy ra tại tòa nhà NƠ 23, khu đô thị Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Được biết, nguyên nhân của vụ việc là do chủ xe không gửi xe ở một bãi xe tự phát gần đó nên hai chiếc xe ô tô bị tạt axít vào phần thân vỏ, đồng thời bị cào xước nham nhở.
Trên một số diễn đàn dành cho những người đi xe hơi, những chủ đề, câu chuyện phản ánh việc đỗ xe thiếu ý thức, cũng như những status “gọi” chủ xe ở đâu mau ra đưa đi chỗ khác để vì chiếm lối đi... luôn là những chủ đề nóng hổi nhận được nhiều quan tâm, bình luận của các thành viên.
“Nhẹ nhàng nhất” là những hình ảnh chụp chiếc xe kèm bình luận: “Vô ý thức, vô văn hóa”; “Có tiền mà thiếu văn hóa”; “Ý thức lồi lõm”... Cũng có những lời nhắc nhở kèm đe dọa: “Chủ xe mau di chuyển nếu không sẽ bị khóa bánh hoặc xịt lốp”. Thậm chí, không ít những lời nặng nề, xúc phạm chủ xe được viết vào mẩu giấy, kèm một... viên gạch được cài trên kính chắn gió gửi đến chủ xe như một lời cảnh cáo.
Rồi những hình ảnh chiếc xe bị phun sơn lên nắp capo (hoặc phần đuôi xe) dòng chữ như: “Đỗ ngu” hay “Óc ch...” hay thậm chí bị vật nhọn cào vào thân xe cũng thường xuyên được đăng tải. Có thể do cảm thấy bức xúc, một bộ phận người dân đã có những hành vi “trả đũa” chủ xe quá tay, rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật.
2. Một buổi sáng Thứ bảy, tôi đưa người bạn lên phố Đ.H (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ăn phở. Quán phở trông có vẻ lụp xụp, song chỉ cần nhìn dãy xe ô tô đỗ dài ngay bên cạnh cũng đoán được chất lượng phở không phải quá ngon thì cũng phải vào loại ăn được.
Lúc chúng tôi đến thì vừa có một chiếc xe ra, nhân viên quán phở thấy xe tôi rà rà đến thì lập tức “bắt sóng”, chạy ra trước mũi xe “xi nhan”. Nhìn khoảng trống chỉ dài hơn thân xe một chút, tôi định lười không đưa vào, song nhìn quanh thì chẳng còn ở đâu khả dĩ hơn nên đành thả anh bạn xuống và tiến, lùi mãi mới “ghép” được vào đúng khoảng trống đó. Trước khi xuống xe, tôi đã hỏi: “Có được đỗ không đấy?” thì nhân viên quán cười toe: “Vô tư anh ạ!”.
Nhưng chúng tôi ngồi chưa ấm chỗ đã nghe tiếng loa phường oang oang: “Đề nghị chủ xe ô tô BKS 30A... cho xe di chuyển”. Một loạt BKS các xe đều được đọc to, trong đó hẳn nhiên là có xe của chúng tôi. Lác đác thấy có người húp soạt miếng to, lau vội miệng rồi lên xe “vù” trước.
|
Một cuộc hỗn chiến giữa hai tài xế do tranh chấp chỗ đỗ. |
Một số chủ xe khác tính... thi gan nhưng khi nhìn thấy từ xa một chiếc xe cứu hộ đang tiến đến gần thì không ai bảo ai vội vàng lên xe “biến” sạch. Có ai đã nói rằng, tiếng loa “đuổi” xe ô tô đỗ không đúng chỗ, đuổi các bà bán hàng rong... đã trở thành một “đặc sản” khó quên của Thủ đô vào mỗi buổi sáng.
Quả thật, người dân sống ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... mỗi khi có ý định mua xe đều gần như chung một băn khoăn về chỗ đỗ xe. Kể cả với những người có chỗ gửi ở nhà hoặc gửi tại cơ quan thì lắm khi muốn dừng đỗ để mua hàng, để vào quán uống nước với bạn bè, giao dịch với đối tác cũng rất mệt mỏi.
Anh Việt Hưng (SN 1982, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) kể về nỗi khổ khi tìm chỗ đỗ xe tại Hà Nội. Do hay phải đi công tác tỉnh ngoài, cuối năm 2018 anh mua chiếc xe bán tải dài hơn 5m. Ở nhà thì không vấn đề gì vì anh đỗ ở hầm để xe của chung cư. Nhưng, khi đi làm việc ban ngày trên phố mới thực sự là vấn đề.
Công ty anh tọa lạc tại một con phố nhỏ nên không có chỗ đỗ xe. Bình thường anh luôn có ý thức gửi xe tại các điểm khai thác điểm đỗ xung quanh công ty. Song, cũng có thời điểm những vị trí này đều chật cứng, không còn một “lốt” nào. Cực chẳng đã, anh phải đỗ loanh quanh gần đó. Anh cũng đã cẩn thận ghi số điện thoại vào mảnh giấy, đặt trên taplo xe để nếu ai thấy phiền thì gọi cho anh đánh ra nơi khác. Thế mà vẫn thỉnh thoảng xe bị vật sắc cào xước sơn, có hôm lại bị đổ chất bẩn vào khiến anh đi rửa mãi mới sạch.
Anh Tùng, nhà ở quận Hà Đông, đang sử dụng chiếc xe gia đình hạng B tâm sự: Anh ở nhà riêng trong một con ngõ nhỏ nên thường để xe ở cạnh cái hồ gần nhà. Thời gian đầu, cả khu dân cư chỉ có mình anh có xe nên thường xuyên trở thành tiêu điểm nghịch ngợm, phá hoại của đám trẻ con. Cứ đỗ tối hôm trước, sáng hôm sau là thấy xe bị vật cứng cào xước sơn, lắm hôm bị xịt cả 4 lốp.
Anh Tùng cũng hơi xót nhưng tặc lưỡi: “Xe mình đời cũ, chả khoe với ai mà phải sang chảnh”. Và, “nếu cần thì một hai năm đi sơn lại, cũng chả tốn mấy đồng”.
Dần dà khu phố thay đổi, đường sá được mở rộng, nhiều nhà có xe hơn thì xe ô tô đậu thành một dãy dài. Tuy nhiên, không phải ai cũng có “bản lĩnh” đỗ xe ở đây. Có người hàng xóm bắt chước anh, thay vì đi gửi cũng mang xe ra để bên cạnh hồ. Được vài hôm thì thấy vặt mất đôi gương. Thậm chí, có xe còn bị trộm tháo cả 4 bánh. Chủ xe vội vàng đi tìm chỗ khác gửi xe.
3. Chưa có xe nhưng vẫn phải chi tiền “xí chỗ” trước, đó là một nghịch lý đã và đang xảy ra ở không ít chung cư tại Hà Nội.
Mạnh Hưng, phóng viên một cơ quan báo chí tại Hà Nội cho chúng tôi biết, khi nhận nhà tại một chung cư ở quận Thanh Xuân cách đây hơn một năm, mặc dù chưa có xe ô tô nhưng anh vẫn phải bỏ ra 1,5 triệu đồng mỗi tháng để đăng ký chỗ đỗ xe.
Dự án chung cư hơn 500 căn hộ nhưng theo ban quản lý, số lượng chỗ đỗ xe ô tô không thể đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ. Dù vợ anh nhiều lần làu bàu vì “xót” số tiền “xí chỗ” đỗ xe ô tô nhưng anh Hưng cảm thấy sáng suốt bởi hiện tại, những người có nhu cầu gửi xe ô tô đều phải chờ dài cổ mà chưa tới lượt.
|
Hai chiếc ô tô đỗ tại khu đô thị Pháp Vân bị phá hoại, nghi do không đỗ xe tại bãi xe tự phát. |
|
Nhiều chung cư tại Hà Nội không có hầm gửi xe, người dân phải đỗ tạm ở xung quanh. |
Chị Minh Anh, cùng tòa nhà với anh Hưng, cũng bức xúc vì hiện nay không có suất gửi xe ô tô tại tầng hầm. Theo ban quản lý, hiện bãi xe đã quá tải, không còn chỗ cho cư dân. Chỉ còn có thể ban ngày để loanh quanh, đến đêm mới được đỗ.
Nhiều người dân mua nhà tại một dự án trên đường Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) liên tục lên nhóm trao đổi của cư dân tòa nhà phàn nàn về tình trạng thiếu chỗ đỗ xe ô tô. “Khi mua, khách hàng đều không quan tâm nhiều tới chỗ đỗ xe ô tô nhưng hiện nay do nhu cầu tăng nên chỗ đỗ xe lại quá tải. Tôi đăng ký mà phải chờ đợi mấy tháng chưa có suất gửi vé tháng”, anh Long một cư dân tại đây, phản ánh.
Chỉ cần dạo một vòng quanh các chung cư trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy tình trạng quá tải thiếu chỗ đỗ xe ô tô đang là vấn đề nóng. Chung cư HH, CT11 Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) hay nhà ở xã hội R. City khi đưa vào hoạt động đều thiếu chỗ đỗ xe ô tô. Người dân phải gửi ở các bãi tự phát dưới sân tòa nhà. Mỗi khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm đỗ xe, người dân có ô tô lại náo loạn tìm chỗ đỗ.
Tháng 5-2018, hàng trăm cư dân ở khu đô thị này đã phải “chạy loạn” vì cơ quan chức năng giải tỏa bãi đỗ xe. Anh Quân, một người dân ở đây than: “Tôi phải đi tìm khắp quận Hoàng Mai, sang cả Thanh Trì và Thanh Xuân, không bãi nào còn chỗ gửi".
Theo anh Quân, cả khu chung cư hàng chục nghìn hộ dân sinh sống không có tầng hầm để ôtô, không có bãi trông xe được cấp phép, "cư dân không gửi ở đây thì biết mang đi đâu?".
Tại “khu đô thị kiểu mẫu” Linh Đàm, đa phần các dự án ở đây đều dành phần lớn đất cho xây dựng nhà cao tầng, trong đó chỉ có 1 tầng hầm. Do mật độ dân số của phường này lên tới hơn 5 vạn nên các điểm để xe ô tô cho cư dân cũng đang thiếu hụt trầm trọng. Chưa kể, do nhu cầu cao nên nhiều chung cư đã tăng giá trông giữ xe khiến cư dân bức xúc.
Và không chỉ dừng lại ở việc “dằn mặt” những chủ xe vô ý thức, nhiều người dân còn có những hành động hủy hoại tài sản của người khác, khiến cơ quan điều tra phải vào cuộc...
Theo Minh Tiến/An ninh thế giới