VKS khẳng định cáo trạng là có căn cứ
Đối đáp trước quan điểm của các luật sư cũng như các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa nhìn nhận, Bộ Xây dựng đã giao cho Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng thực hiện việc giám định và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở trưng cầu của CQĐT, trong đó có giám định nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà.
Trong quá trình giám định có giám định về mẫu đất, kết cấu vật liệu thi công tại hiện trường… Sau khi giám định, Bộ Xây dựng đã có kết luận giám định tư pháp kết luận về nguyên nhân chính gây vỡ tuyến ống là do chất lượng ống không đảm bảo, không có cơ sở xác định độ bền ống 50 năm. “Từ phân tích nêu trên, CQĐT có đủ căn cứ xác định về các lần vỡ ống, nguyên nhân do chất lượng ống không đảm bảo” – đại diện VKS khẳng định.
Đối với nội dung luật sư cho rằng tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 – 01 là tiêu chuẩn nước ngoài, sử dụng công nghệ mới, VKS cho rằng tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 – 01 là do chủ đầu tư phê duyệt áp dụng vào ngày 15-4-2004. Theo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ theo pháp luật, đảm bảo hàng hóa và chịu trách nhiệm về hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh. Như vậy, nhà thầu, tư vấn giám sát phải tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 – 01.
|
Đại diện VKS bày tỏ quan điểm đối đáp tại phiên tòa |
Về hành vi của các bị cáo, cơ quan tố tụng xác định các bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc Ban QLDA cấp nước sông Đà – Hà Nội) không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng công trình nên khi ký kết hợp đồng kinh tế với nhà thầu cung cấp ống composit cho dự án đã không yêu cầu chi tiết quy định cụ thể về quy trình kiểm tra, cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm mà nhà thầu cung cấp vật tư, vật liệu cho dự án và không thực hiện đầy đủ việc kiểm tra theo quy định.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn Khải và Trương Trần Hiển (nguyên Phó giám đốc và nguyên Trưởng phòng Vật tư Ban QLDA) được giao nhiệm vụ mua sắm thiết bị thực hiện dự án nhưng không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phần thí nghiệm sản phẩm composit cung cấp cho dự án.
Từ đó xác định, các bị cáo Trung và Hiển đã ký 73 biên bản nghiệm thu chất lượng thiết bị và phải chịu trách nhiệm toàn bộ đối với tuyến ống truyền tải nước bị vỡ 18 lần với 23 cây ống. Còn bị cáo Khải đã ký xác nhận nghiệm thu chất lượng thiết bị và để xảy ra vụ án làm vỡ ống với 21 cây ống bị vỡ.
Đối với nhóm các bị cáo thuộc doanh nghiệp sản xuất ống nước và đoàn tư vấn giám sát thi công Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội, đại diện VKS cũng lần lượt phân tích, lập luận, rồi bác bỏ phần lớn quan điểm bào chữa của luật sư cho 6 bị cáo này.
|
Các bị cáo khi nghe đại diện VKS bày tỏ quan điểm đối đáp |
Về hậu quả vụ án, VKS cho rằng theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì đơn vị vận hành đã chi phí cho việc khắc phục sự cố vỡ ống là hơn 16,6 tỉ đồng. Ngoài ra, khi vỡ ống, đơn vị khai thác dự án phải ngừng cấp nước để thi công đoạn ống bị vỡ với tổng thời gian ngừng cấp nước là 386 giờ và ảnh hưởng rất nhiều tới người dân.
Như vậy, việc vỡ ống nước đã gây ra thiệt hại nhưng đơn vị khai thác dự án đã có văn bản không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường. Lý do là đã dùng nguồn tiền dự phòng để chi phí. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm của công ty khai thác và việc không yêu cầu bồi thường không có nghĩa là không gây thiệt hại.. Sau cùng, đại diện VKS khẳng định cáo trạng truy tố 9 bị cáo là đủ căn cứ.
Ống nước vỡ không phải do chất lượng?
Tranh luận với quan điểm của VKS, bị cáo Nguyễn Văn Khải cho rằng kết luận giám định trong vụ án có nhiều mâu thuẫn, trong khi đó cáo trạng truy tố cũng như luận tội của VKS lại đều căn cứ vào kết luận giám định.
Bày tỏ sự không phục đối với bản kết luận về đường ống nước sông Đà – Hà Nội bị vỡ, nguyên Phó Giám đốc Ban QLDA viện dẫn các bút lục thể hiện trong 10 lần vỡ ống có thì có tới 5 lần ống vỡ ở vị trí cắt ngang qua đường ngang dân sinh, 7 lần vỡ trên nền đất yếu, không ổn định…
Tiếp đến bị cáo Khải cho rằng theo quy định tại tiêu chuẩn Việt Nam đường ống qua đường xe lửa, tàu điện, ô tô nói chung phải đặt trong cống ngầm và khi cần thiết phải đặt trong đường hầm. Tuy nhiên, trong cả 5 đường ống bị vỡ nêu trên đều không đặt trong cống ngầm nên không phải do chất lượng ống.
|
Tranh luận, bị cáo Nguyễn Văn Khải cho rằng ống nước vỡ không phải do chất lượng |
Ngoài ra, bị cáo Khải còn nêu có 3 trường hợp đường ống nước bị vỡ là do dị vật đâm vào, do đó cũng không thể nói chất lượng ống kém. Đối với 7 lần vỡ ống trên nền đất yếu, nguyên Phó Giám đốc Ban QLDA cấp nước sông Đà – Hà Nội nhìn nhận cũng không phải do chất lượng ống không đảm bảo mà do chưa tính toán hết
Tương tự, bị cáo Vũ Thanh Hải (nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh) trình bày, do không có thêm 2 chỉ tiêu nên bị cho là ống không có độ bền 50 năm và suy diễn thành chất lượng ống không đảm bảo, ống vỡ… “Đây là bài toán con gà có trước hay quả trứng có trước. Nếu giải đáp được vấn đề này thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết” – bị cáo Hải phân trần.
Về phần mình, bị cáo Trần Cao Bằng (nguyên Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh) và một số bị cáo liên quan cũng tranh luận bày tỏ sự không đồng tình về căn cứ, cơ sở và mẫu giám định của bản kết luận giám định đường ống nước sông Đà – Hà Nội bị vỡ như bản cáo trạng đề cập.
Tranh luận tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Trần Cao Bằng) nêu quan điểm, bối cảnh, hoàn cảnh khi triển khai xây dựng đường ống nước sông Đà là trong lúc người dân Hà Nội rất thiếu nước sạch sinh hoạt và rất bức xúc. Từ đó, Chính phủ mới có chủ trương giải quyết khó khăn này bằng việc khai thác nguồn nước từ sông Đà.
Trong khi đó, Tổng công ty Vinaconex không phải là đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc thiếu nước. Dù vậy, doanh nghiệp này đã tự nguyện và tiên phong thực hiện dự án với nguồn vốn đặc biệt lớn, hàng nghìn tỉ đồng. Theo luật sư Hưng, trong bối cảnh đó Vinaconex đã phải loay hoay, tự tìm nguồn vốn đầu tư, công nghệ mới để thực hiện dự án.
Bào chữa cho nguyên Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh, luật sư Hưng đề nghị HĐXX xem xét kỹ thực trạng dự án đường ống nước sông Đà – Hà Nội. Bởi dự án được triển khai theo hình thức BOO, tự xin xây dựng và huy động vốn chứ không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Ngoài ra cũng cần phải xem xét về mặt thực tiễn vì đây là sáng kiến cải tiến, áp dụng công nghệ vật liệu mới trên tinh thần khắc phục khó khăn và vừa nghiên cứu vừa làm.
Đặc biệt là hiệu quả dự án rất cao vì vừa giải quyết được bài toán nước sạch cho gần 1/3 dân số Thủ đô, lại vừa có lãi trong sản xuất, kinh doanh… Trên cơ sở đó, vị luật sư này nhìn nhận: “Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... thì không phải là tội phạm”.
Theo Lâm Vinh/An ninh Thủ đô