Vụ Việt Á: Điều gì sẽ đến với ông Chu Ngọc Anh?

Google News

Theo quy định số 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trường hợp cách chức, khai trừ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Trung ương xem xét, quyết định.

Đối mặt mức kỷ luật nghiêm khắc
Ngày 4/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.
Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Vu Viet A: Dieu gi se den voi ong Chu Ngoc Anh?
Ông Chu Ngọc Anh. 
Tại cuộp họp này, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và Phạm Công Tạc - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.
Như vậy, theo kết luận trên, vi phạm của ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long có nhiều điểm mới so với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trước đó.
Cụ thể, tại kỳ họp thứ 13, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 liên quan đến vụ việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế.
Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cá nhân.
Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Đồng thời, ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Đáng chú ý, theo quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng nêu rõ tại điều 11: “Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; khiển trách, cảnh cáo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
Trường hợp cách chức, khai trừ thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định. Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư”.
Như vậy, theo quy định về kiểm tra, thi hành kỷ luật của Đảng, với trường hợp đảng viên vi phạm là Ủy viên Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị có thẩm quyền thi hành kỷ luật với hình thức cao nhất là cảnh cáo, Ban Chấp hành Trung ương có thẩm quyền thi hành kỷ luật tới cách chức, khai trừ.
Trao đổi với báo chí, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đối với các Ủy viên Trung ương hay Ủy viên Bộ Chính trị, việc xem xét, thi hành kỷ luật đối với những cán bộ này phải do Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định. Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của các cán bộ nói trên phải đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét là đúng quy định của Đảng.
Theo ông Phúc, đối với vi phạm của 2 Ủy viên Trung ương Đảng là ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long, Bộ Chính trị không thi hành kỷ luật mà đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, kỷ luật, như vậy có thể thấy mức độ vi phạm nghiêm trọng.
Việt Á là ai mà có quyền chi phối và ảnh hưởng lớn như vậy?
Tính đến hết tháng 5/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố, bắt giam 58 người liên quan vụ Công ty Việt Á, hàng chục cán bộ khác đã bị kỷ luật.
Đáng chú ý, trong số cán bộ bị khởi tố, bắt giam không chỉ phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều cán bộ, lãnh đạo CDC được xác định nhận hối lộ từ Việt Á với số tiền từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.
Vu Viet A: Dieu gi se den voi ong Chu Ngoc Anh?-Hinh-2
Việt Á là ai mà có quyền chi phối và ảnh hưởng lớn như vậy? 
Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 5/2022 chiều ngày 5/6, trả lời câu hỏi của PV liên quan đến vụ Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, vụ Việt Á rất nhiều tiền. Trong lời khai, Việt Á kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ và bôi trơn khoảng 800 tỷ, đó là kênh để các nhà điều tra tìm ra.
Nói thêm bên lề họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Việt Á dùng nhiều phương thức để chuyển tiền cho các lãnh đạo CDC một số tỉnh thành, có cả chuyển qua tài khoản chính chủ và tài khoản nhờ của người nhà (như vợ, mẹ vợ, em vợ của người nhận) và cả đưa trực tiếp bằng tiền mặt.
Thảo luận tại Quốc hội ngày 2/6, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) có câu hỏi gây chú ý: “Công ty Việt Á là ai mà có quyền chi phối và sức ảnh hưởng lớn như vậy?"
Theo đại biểu Tuấn, vụ bê bối Việt Á không chỉ gây hậu quả về vật chất, không chỉ dừng lại ở việc thất thoát, lãng phí tài sản công, mà còn lãng phí một loại tài sản khác quý giá hơn, đó là niềm tin của nhân dân.
“Trong khi toàn bộ hệ thống chính trị, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang gồng mình chống dịch, lại có một bộ phận tha hóa, biến chất, vô cảm trước mất mát của đồng bào, "biến mình thành thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền". Trong đó, có cả những người có học hàm, học vị, các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ. Mới đây, họ được tôn vinh, có người được trao tặng Huân chương Lao động. Nhưng, đại dịch COVID-19 đi qua, họ trở thành phạm nhân vì đồng tiền lót tay tinh vi, mưu hèn kế bẩn. Chính họ làm hoen ố chiếc áo blouse trắng thanh tao khoác trên người. Cũng chính họ làm lãng phí niềm tin của nhân dân", ông Tuấn nói.
Vụ Việt Á đang dần đến hồi kết, việc xử lý cán bộ vi phạm kể cả Thứ trưởng, Bộ trưởng, cựu Bộ trưởng, các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng - “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, liên tục và ngày càng quyết liệt hơn”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lý do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố:

Nguồn: PLO


Tâm Đức